Đại dịch "đẩy" nhiều trẻ em gái vào hôn nhân sớm

18/12/2020 - 06:01

PNO - Câu chuyện của AP - được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Pulitzer về báo cáo khủng hoảng - bắt đầu bằng một cuộc tảo hôn ở Sierra Leone, châu Phi.

Người đàn ông lần đầu nhìn thấy Marie Kamara khi cô cùng bạn học chạy ngang qua trước nhà anh ta gần trường tiểu học của làng. Không lâu sau, anh ta hỏi cưới cô nữ sinh lớp Năm.

Marie ở làng Komao, ngoại ô Koidu, quận Kono, Sierra Leone. Cô gái 16 tuổi không muốn kết hôn, nhưng khi người chồng hiện tại của cô cầu hôn, vì gia đình cô đang gặp khó khăn về kinh tế,  Marie đã đồng ý kết hôn - Ảnh: AP
Marie ở làng Komao, ngoại ô Koidu, quận Kono, Sierra Leone. Cô gái 16 tuổi không muốn kết hôn, nhưng khi người chồng hiện tại của cô ngỏ lời, vì gia đình cô đang gặp khó khăn về kinh tế, Marie đã đồng ý - Ảnh: AP

Ban đầu cô trả lời người cầu hôn: "Tôi bây giờ phải đến trường, tôi không muốn kết hôn và cấm cung trong nhà”. Nhưng áp lực của đại dịch toàn cầu đối với góc xa xôi này của Sierra Leone mạnh hơn nguyện vọng của một nữ sinh. Công việc khai thác mỏ trong vùng chịu chung ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, chỉ hoạt động cầm chừng. Kinh doanh tại cửa hàng may của cha dượng cũng sa sút, không có khách hàng, và cái gia đình cần bây giờ là tiền.

Người cầu hôn cô là một chủ mỏ quy mô nhỏ ở độ tuổi ngoài 20, nhưng cha mẹ anh ta có thể cung cấp gạo để nuôi sống bốn cô em gái của Marie và họ có thể trả bằng tiền mặt.

Chẳng bao lâu sau, Marie mặc bộ váy mới ngồi trên thảm khi gia đình anh ta tặng cô 500.000 leones (50 USD) đựng trong một chiếc bát làm bằng vỏ bầu già cùng với hạt kola truyền thống.

Isatu, 12 tuổi, mang trên đầu những gói bột gạo để bán tại làng Komao, ngoại ô Koidu, huyện Kono, Sierra Leone. Sierra Leone đóng cửa biên giới trước khi đất nước có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, kết quả là cả nước chỉ ghi nhận 2.434 ca nhiễm và 74 trường hợp tử vong - Ảnh: AP
Isatu, 12 tuổi, mang trên đầu những gói bột gạo để bán tại làng Komao, ngoại ô Koidu, huyện Kono, Sierra Leone. Sierra Leone đóng cửa biên giới trước khi đất nước có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, kết quả là cả nước chỉ ghi nhận 2.434 ca nhiễm và 74 trường hợp tử vong - Ảnh: AP

“Ngày họ trả tiền cho tôi là ngày thứ Sáu và sau đó tôi đến ở lại nhà anh ta”, cô nói đơn giản và cho biết, ít nhất bây giờ một ngày cô có hai bữa ăn.

Những thập niên gần đây, nhiều quốc gia đã đạt được tiến bộ trong việc chống lại các cuộc hôn nhân “truyền thống và gả bán” đối với các bé gái, nhưng sự tàn phá kinh tế của đại dịch đã tạo ra một bước ngoặt: Liên Hợp Quốc ước tính, những khó khăn do COVID-19 sẽ khiến thêm 13 triệu trẻ em gái kết hôn trước tuổi 18.

Mặc dù các cuộc hôn nhân như vậy diễn ra trong bí mật, tổ chức Save the Children (Bảo vệ trẻ em) ước tính riêng trong năm nay, gần nửa triệu trẻ em gái dưới 18 tuổi có nguy cơ bị gả bán trên toàn thế giới, hầu hết các trường hợp này ở châu Phi, châu Á, Trung Đông.

Một tổ chức cứu trợ cho biết nhân viên của họ ở một góc hẻo lánh tại Sierra Leone đầu năm nay tình cờ nghe được một người họ hàng đề nghị kết hôn với bé gái khoảng 8 tuổi. Khi bị trừng phạt, người bà sau đó đã phủ nhận việc gả bán cháu gái.

Osman – cha dượng của Marie - làm việc trên chiếc máy may khi một em gái của Marie đứng bên cạnh. Họ lâm vào tình cảnh khó khăn vì đại dịch - Ảnh: AP
Osman - cha dượng của Marie - làm việc trên chiếc máy may khi một em gái của Marie đứng bên cạnh. Họ lâm vào tình cảnh khó khăn vì đại dịch - Ảnh: AP

Hầu hết cha mẹ túng thiếu nhận được của hồi môn cho con gái đi lấy chồng - một chút đất đai hoặc vật nuôi có thể mang lại thu nhập, hoặc tiền mặt và lời hứa đảm nhận trách nhiệm tài chính cho cô dâu trẻ. Đổi lại, cô gái đảm nhận các công việc gia đình chồng và thường làm việc đồng áng.

Trước đại dịch, ở Jordan chỉ có khoảng 10% trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi, một tỷ lệ thấp hơn nhiều so với châu Phi hoặc Nam Á. Tuy nhiên, theo tổ chức Girls Not Brides (Cô gái chứ không phải cô dâu), số người tị nạn Palestine và Syria ngày càng nhiều và họ ngày càng dễ bị tổn thương hơn.

Tanya Chapuisat, đại diện UNICEF tại Jordan, cho biết: “Đáng buồn thay, chúng tôi đã chứng kiến ​​sự gia tăng nạn tảo hôn trong các trại tị nạn kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, khi các gia đình phải vật lộn để đối phó với khó khăn”.

Việc Ấn Độ phong tỏa khắc nghiệt để ngăn chặn virus hồi cuối tháng Ba đã khiến hàng triệu người di cư nghèo khổ mất việc làm ở các thành phố, nhiều người đã quay trở lại các thị trấn và làng mạc. Khi các trường học đóng cửa và áp lực tài chính ngày càng tăng, việc gả con gái đi lấy chồng sớm đã trở thành một lựa chọn khả thi để giảm chi phí.

Tổ chức ChildLine India ghi nhận 5.214 trường hợp kết hôn sớm chỉ trong 4 tháng phong tỏa từ tháng Ba đến tháng 6/2020 trên khắp Ấn Độ. Nhưng đây được coi là một con số quá thấp vì phần lớn trường hợp đều không được báo cáo.

Trong một trường hợp cụ thể, bé gái 13 tuổi ở Uttar Pradesh báo với cảnh sát rằng người cha thất nghiệp định ép cô lấy chồng. Cuộc hôn nhân bị ngăn chặn, nhưng cha của cô gái đã nhận 50.000 rupee (khoảng 675 USD) từ gia đình của nhà trai. Cảnh sát cho biết, "khi giao dịch bằng tiền diễn ra, người cha đã bị bắt vì chúng tôi sợ cô gái tội nghiệp có thể trở thành nạn nhân của hoạt động buôn bán trẻ em".

Tương tự, tại tỉnh Sindh, miền Nam Pakistan, dịch vụ bảo vệ trẻ em đã báo cáo 17 vụ tảo hôn đã được ngăn chặn hoặc sau đó bị hủy hôn trong 10 tháng đầu năm. “Đó là một con số rất nhỏ so với thực tế”, Fauzia Masoom - Giám đốc Cơ quan bảo vệ trẻ em Sindh - cho biết.

Các cơ quan bảo vệ trẻ em ở Bangladesh cho biết, họ nhận được cuộc gọi lúc 8g30 tối (hồi tháng 6/2020) thông báo về một cuộc tảo hôn. Gia đình cô gái nghĩ có thể lợi dụng phong tỏa để bí mật gả bán con gái của mình, nhưng ngay khi các quan chức xuất hiện, chú rể và gia đình nhà trai đã bỏ chạy.

Gia đình cho biết họ tuyệt vọng vì người cha không có việc làm do đại dịch COVID-19; hứa sẽ không cho con gái kết hôn trước khi cô trưởng thành. Sau đó, họ đợi các quan chức đi khỏi và tổ chức đám cưới vào lúc 2g sáng.

Cẩm Hà (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI