Đà Nẵng đề nghị đặt tên đường Trương Minh Ký - một trong những người Việt sử dụng chữ Quốc ngữ sớm nhất

02/12/2019 - 12:29

PNO - Ông Trương Minh Ký từng là chủ bút tờ Gia Định báo và là một trong số những người Việt Nam sử dụng chữ Quốc ngữ sớm nhất trong các tác phẩm của mình, đang được UBND TP.Đà Nẵng trình lên HĐND đặt tên đường.

Trong đề án đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP.Đà Nẵng năm 2019 mà UBND TP.Đà Nẵng đang trình lên HĐND chờ thông qua có tên ông Trương Minh Ký.

Ông Trương Minh Ký (1855-1900) còn có tên là Trương Minh Ngôn, tự Thế Tải, hiệu Mai Nham. Ông thuộc dòng dõi Trương Minh Giảng, quê làng Tân Thới, huyện Bình Dương, Gia Định (nay thuộc quận 5, TP.HCM).

Thuở nhỏ, ông là môn sinh của học giả Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký). Khoảng năm 1870-1872, ông đi du học ở Pháp. Tốt nghiệp về nước, ông dạy ở Trường Saxơlu Lôba (Chasseloup Laubat), Trường Thông ngôn và trường đào tạo quan lại tại Sài Gòn. Trong thời gian này, ông là cộng tác viên thường trực của Trương Vĩnh Ký cho tờ Gia Định báo. Sau đó, ông làm chủ bút báo này.

Năm 1889, ông là thông dịch viên trong phái đoàn của triều đình Huế dự hội chợ Đấu xảo tại Paris. Sau khi về nước, ông tiếp tục dạy học và viết báo. Ngày 11/8/1900, ông qua đời tại Chợ Lớn.

Trương Minh Ký được ghi nhận là một trong những người Việt Nam sử dụng chữ Quốc ngữ sớm nhất trong các tác phẩm của mình. Phần lớn tác phẩm của ông nhằm giới thiệu văn học Việt Nam, văn hoá phương Đông với người Pháp và người Việt.

Các tác phẩm tiêu biểu của ông gồm: Quốc ngữ sơ giải, Phú bần diễn ca, Ấu học khải mông, Ca từ diễn nghĩa, Chu tử gia huấn, Trị gia cách ngôn khuyến hiếu ca, Têlêmác (Télémarque) phiêu lưu ký (dịch), Chủ quốc thoại hội, Như Tây nhật trình... và một số sách về ngữ pháp tiếng Việt, tiếng Hán và tiếng Pháp.

Tên ông đã được đặt tên đường ở TP.HCM.

Theo đề án, đoạn đường được đặt tên Trương Minh Ký có điểm đầu là đường Trần Nam Trung, điểm cuối là đường Văn Tiến Dũng. Mặt đường bằng bê tông nhựa; chiều dài 310m; rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m. Tuyến đường này nằm ở khu nam cầu Cẩm Lệ, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng.

Trong đề án đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP.Đà Nẵng năm 2019 đang chờ trình HĐND TP.Đà Nẵng thông qua, có 111 tuyến đường chờ đặt tên mới. Trong đó, quận Cẩm Lệ có 43 đường, quận Hải Châu 16 đường, quận Liên Chiểu 21 đường, quận Ngũ Hành Sơn 10 đường, quận Sơn Trà 9 đường, huyện Hòa Vang 12 đường.

Ngoài ra, đề án cũng sẽ đặt tên cho một số công trình công cộng của TP.Đà Nẵng; điều chỉnh, đặt và đổi tên một số tuyến đường của thành phố.

Trong đề án đặt đổi tên đường của Đà Nẵng năm nay có tên 2 giáo sĩ có công hình thành chữ quốc ngữ là Francisco De Pina (Bồ Đào Nha) và Alexandre de Rhodes (Pháp).

Tuy nhiên, khi Sở Văn hóa - Thể thao TP.Đà Nẵng lấy ý kiến nhân dân thì PGS.TS Lê Cung (Trường đại học Sư phạm Huế) và một số nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử (phần lớn công tác tại Huế) đã ký đơn kiến nghị không đặt tên đường Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes.

Với lý do còn nhiều ý kiến trái chiều, Đà Nẵng đã rút tên 2 vị giáo sĩ ra khỏi danh sách đặt tên đường vô thời hạn.

Hoàng Thanh Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI