Đất thép, đất lửa giữa thời bình

Cựu binh Mỹ nghiên cứu về đất trong địa đạo Củ Chi

30/04/2021 - 06:26

PNO - Kenneth R Olson có cảm giác mình ở trong chiếc bẫy khi bò vào đường hầm trong địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi, TPHCM). Hai vách đất quá chật so với khổ người to lớn khiến ông sợ rằng hướng dẫn viên phải nắm hai chân ông kéo ra ngoài để giải thoát. Nhưng vẻ đẹp của lớp đất vừa mịn vừa cứng như bê tông đã giúp chuyên gia nghiên cứu địa chất này tĩnh tâm. Ông lùi lại và tự mình thoát ra khỏi đường hầm.

 

Bản đồ các đường hầm trong địa đạo Củ Chi
Bản đồ các đường hầm trong địa đạo Củ Chi

Ngạc nhiên khi thấy đất chắc như bê tông

Giáo sư Kenneth đến Việt Nam vào năm 2016 để nghiên cứu địa chất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khi đi dọc bờ sông Sài Gòn, ông ghé thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Việt Nam tại huyện Củ Chi. 47 năm sau khi chiến tranh kết thúc, thảm thực vật nơi đây mới tái tạo được dù còn mỏng manh sau khi oằn mình hứng chất độc da cam và chất xanh (agent blue) của quân đội Mỹ. Nhưng những đường hầm vẫn rắn rỏi, gợi cho giáo sư Kenneth ý tưởng thực hiện đề tài nghiên cứu mang tên “Nguyên nhân khiến đất tại địa đạo Củ Chi và vùng Tam Giác Sắt quá kiên cường”.

“Khi chui vào trong khu phức hợp đường hầm lắt léo, tôi đã dùng kinh nghiệm nghiên cứu đất thoát nước, chống ngập lụt để đánh giá các loại đất trong đường hầm Củ Chi, qua đó xác định nguyên nhân khiến binh lính Mỹ không định vị được các hầm trú ẩn này cũng như tại sao bom đạn không phá hủy được” - ông kể.

Nghiên cứu của giáo sư Kenneth đã phác họa lại quá trình bộ đội Việt Nam cuốc đất đào hầm ở Củ Chi trong mùa gió nổi những năm 1960. Từ thực tiễn tiếp cận địa chất, kết hợp với các nghiên cứu trước đây của các nhà địa chất Pháp, ông nhận ra rằng, hệ thống địa đạo dài 250km vững vàng là nhờ kết cấu tự nhiên và thành phần của tầng đất phù sa cổ. Địa đạo bắt đầu từ đường mòn Hồ Chí Minh và khu vực biên giới Campuchia đến ngoại thành Sài Gòn. 

Đất hầm chủ yếu là đất sét không kết tinh, còn lại là cát và bùn. Điều này có nghĩa là hàm lượng sắt đóng vai trò như một chất kết dính. Khi khô lại, đất này chắc như bê tông và không bị thấm nước. Ở chỗ gần mạch nước ngầm, đất có hàm lượng sắt cao hơn, tạo ra các lớp sỏi và đá ong. 

Thời điểm đào hầm tốt nhất là vào mùa mưa ở Việt Nam (tháng Năm đến tháng Mười). Đất có độ ổn định cao mà không có lớp lót hoặc lớp phủ, chắc như bê tông sau khi khô lại, có thể chịu được các vụ nổ liền kề. Vùng Tam Giác Sắt nằm trong 103km2 rừng nhiệt đới và lớp thực vật dày, bao phủ lên một hệ thống phức tạp các địa đạo và boong-ke, cách tây bắc Sài Gòn khoảng 80km. Vùng Củ Chi cách 40km Sài Gòn về phía tây và có diện tích khoảng 51km2. Địa đạo được đào ở độ sâu từ 1,5-20m, ở vùng Old Alluvium, nơi có mực nước ngầm thấp.

Giai đoạn 1966-1968, chiến dịch ném bom B52 tại Củ Chi và vùng Tam Giác Sắt đã làm lộ ra một số cửa hầm khiến bộ đội phải sửa lại nhiều lần. Tuy vậy, hệ thống địa đạo này vẫn kiên cường bảo vệ lực lượng du kích trước các chiến dịch quân sự của Mỹ. Đến năm 1969, chiến dịch rải thảm bom mới làm sập một số hầm trong địa đạo.

Giáo sư Kenneth R Olson từng là cựu binh Mỹ. Lớn lên từ nông trại bò sữa, nơi đất cần được bảo tồn đặc biệt nên giáo sư cống hiến sự nghiệp của mình để nghiên cứu về các biện pháp quản lý và bảo tồn đất đai đặc biệt tại Đại học Illinois.

Sau khi về hưu, giáo sư đã đến thăm Việt Nam, Campuchia và Lào để nghiên cứu về đất đai ở lưu vực sông Mê kông với năm bài nghiên cứu. Kenneth R Olson nghiên cứu về đất đai và điều kiện thiên nhiên tại Việt Nam cùng Lois Wright Morton - giáo sư danh dự của Đại học Iowa State. Hai người cùng nhau nghiên cứu về môi trường tự nhiên ở lưu vực sông Mê kông và những tác động do con người gây ra trong lịch sử và hiện tại lên môi trường thiên nhiên.

Đường hầm ở Củ Chi vẫn vững chắc sau hơn nửa thế kỷ
Đường hầm ở Củ Chi vẫn vững chắc sau hơn nửa thế kỷ

Ý tưởng về vật liệu xây dựng tự nhiên

Nghiên cứu về địa chất khu địa đạo Củ Chi đã dẫn giáo sư Kenneth tới một ý tưởng về vật liệu xây dựng trong thiên nhiên. Công trình của ông đã được Merry Band of Retiree đánh giá và kiểm định. Merry Band of Retiree là hội xét duyệt học thuật không chính thức cho các công trình nghiên cứu tự nguyện và cung cấp các tài liệu nghiên cứu miễn phí cho các nhà khoa học trên thế giới tham khảo.

Giáo sư Kenneth muốn đưa các nghiên cứu này đi xa hơn, bằng cách chứng minh thực tế về cách hạt đất có thể biến thành xi măng vững chắc mà không cần đến cột đỡ. Tuy nhiên, ông cần được Chính phủ Việt Nam cho phép để lấy mẫu đất nhằm xác thực nghiên cứu của mình. Một khía cạnh nữa mà giáo sư Kenneth muốn khẳng định là, địa chất tự nhiên tại vùng phù sa bồi đã hỗ trợ quân đội Việt Nam đánh bại một lực lượng quân sự vượt trội hơn nhiều. 

Quá trình nghiên cứu địa chất ở địa đạo Củ Chi đã dẫn ông và giáo sư Lois Wright Morton đến các nghiên cứu về tác động lâu dài của các chất diệt cỏ, trong đó có chất độc da cam và da xanh tại các điểm nóng trong chiến tranh Việt Nam. Nghiên cứu này có sự đồng hành của một cựu nhà báo chiến tranh người Mỹ, Mike Tharp.

Giáo sư Kenneth cho biết, ông sẽ đến Việt Nam vào năm 2022 để lấy mẫu đất ở Củ Chi và Cần Thơ nghiên cứu về vật liệu xây dựng tự nhiên. Ông sẽ trao tặng các nghiên cứu về địa chất Việt Nam cho các trường đại học của Việt Nam để làm tài liệu tham khảo. 

Mỹ Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI