Thăm địa đạo Củ Chi bằng tàu cao tốc

03/10/2020 - 17:05

PNO - "Tour" Củ Chi nửa ngày, giá vé 240.000 đồng/lượt với thời gian tàu chạy khoảng ba giờ đồng hồ trên sông Sài Gòn.

Tuyến tàu cao tốc Bạch Đằng - Bình Dương - Bến Đình (Củ Chi) khai trương vào đầu tháng 7/2020. Cuối tháng 8 tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiện nay, các chuyến tàu đã hoạt động trở lại. 

Giá vé 220.000đ/người/lượt (vé ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật là 240.000đ/lượt). Bạn có thể trải nghiệm lượt đi bằng tàu cao tốc, lượt về bằng taxi. Hoặc mua trước vé khứ hồi tại phòng vé bến Bạch Đằng. Trên tàu có phục vụ bánh ngọt và trà, cà phê. 

Cảng Bến Đình - Củ Chi
Cảng Bến Đình - Củ Chi
Nhìn ngắm cầu Bình Lợi từ sông
Nhìn ngắm cầu Bình Lợi từ sông

Địa đạo Củ Chi cách trung tâm TPHCM khoảng 70km, đi đường sông mất khoảng 3 giờ đồng hồ. So với tàu cao tốc đi Vũng Tàu, tàu chạy tuyến Bạch Đằng - Bến Đình có tốc độ chậm hơn. Theo giải thích của nhân viên tàu, do chạy trên sông nên vận tốc phải điều chỉnh phù hợp để không làm ảnh hưởng đến các ghe xuồng nhỏ ven sông. 

Tàu khởi hành từ bến Bạch Đằng lúc 7 giờ 30 phút, gần 11 giờ đến địa đạo Bến Dược. Xe điện đón khách từ bến tàu, khách lẻ thường sẽ được mời kết hợp đoàn khác cùng tham quan địa đạo và vùng giải phóng. 

Sau mùa COVID-19, lượng khách đến địa đạo Củ Chi không nhiều. Theo quan sát ngày tôi đến (cuối tháng 9/2020), các đoàn khách ghé thăm địa đạo khá đa dạng đối tượng, độ tuổi, khách nước ngoài và từ một số tỉnh phía Bắc.

Hàng tre xanh mát
Hàng tre xanh mát

Trở lại Củ Chi sau thông tin UBND TPHCM có văn bản gửi Bộ Quốc phòng xin chủ trương đề xuất với UNESCO ghi danh địa đạo Củ Chi là Di sản văn hóa thế giới, tôi đã nhìn ngắm nơi này chậm rãi hơn.

Việt Nam có địa đạo ở nhiều tỉnh thành, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng địa đạo Củ Chi - nói như tác giả Đặng Việt Thủy trong cuốn Địa đạo Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (Nhà xuất bản Hồng Đức) - là "một nét son trong lịch sử đấu tranh của dân tộc và nhân dân ta".

Nơi này còn ghi dấu trận càn Cedar Falls khốc liệt vào năm 1967. Một phần của trận càn ở phía Tây Nam Bến Cát được nhà văn Mã Thiện Đồng ghi chép lại trong tác phẩm Bóc vỏ trái đất, qua lời kể của Thiếu tá tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương.

Cung đường tham quan hôm nay quá đỗi yên bình, hàng tre xanh cong mình tỏa bóng; những ngôi nhà tái dựng trong khu giải phóng với ruộng vườn, hoa trái. Nhưng cũng chính nơi này, năm xưa bom napalm đốt cháy hàng trăm héc-ta rừng, cả không thủy bộ quân Mỹ ngày đêm càn quét. Lính chuột cống, khí độc, nước, mìn... thả xuống lòng địa đạo, vẫn không khuất phục nổi ý chí chiến đấu như sắt thép của du kích Việt Nam. 

Hình ảnh mô phỏng trong khu giải phóng
Hình ảnh mô phỏng trong khu giải phóng
Hướng dẫn viên giới thiệu về hầm chông
Hướng dẫn viên giới thiệu về hầm chông
Du khách thử chui địa đạo
Du khách thử chui địa đạo

Du khách hôm nay chỉ được thử chui một đoạn địa đạo vài mét, lòng địa đạo dành cho du lịch cũng đã được cải tạo cho rộng thoáng, dễ đi hơn. Còn năm xưa, qua lời kể của người trong cuộc hoặc những trang văn ghi chép lại, mới thấy một đoạn trường mà các chiến sĩ và nhân dân miền "đất thép thành đồng" đã phải trải qua suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ.

Nhà văn Viễn Phương, trong tập truyện ngắn và ký Quê hương địa đạo (Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ) đã viết về những mất mát bi thương mà anh hùng của những người con đất lửa. Dưới lòng đất ấy, năm xưa là một cuộc chiến không cân sức nhưng cũng không khoan nhượng với kẻ thù...

Địa đạo Củ Chi của Việt Nam thật xứng đáng trở thành Di sản văn hóa thế giới. "Quê hương địa đạo đã hồi sinh, nhưng vẫn sáng rỡ trong những trang sử hào hùng của đất nước như một kỳ quan đánh giặc có một không hai, một biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng chống giặc ngoại xâm giữ gìn đất nước của dân tộc Việt Nam" - nhà văn Viễn Phương, trích từ tác phẩm Quê hương địa đạo.

Một dáng cây rừng độc đáo
Một dáng cây rừng độc đáo
Một mái nhà bình yên
Một mái nhà bình yên

Thi thoảng tôi ngẩn lên nhìn những tán lá ươm nắng vàng mùa thu. Nghe đâu đó tiếng chim ríu rít hót. Bầu trời hòa bình cho thế hệ chúng tôi vẫn xanh biếc trên đầu. 

Lâu rồi tôi mới thăm lại địa đạo Củ Chi - một nơi chốn ngỡ đã quá quen thuộc với cư dân thành phố. Nhưng bạn cứ đến đi, một lần trải nghiệm với tuyến tàu cao tốc và tìm cho mình cảm xúc đẹp về những dư âm vĩ đại của một thời...

Bài và ảnh: Bùi Tiểu Quyên

Bạn có thể chuẩn bị sẵn thức ăn mang theo, sau khi tham quan địa đạo có thể ngồi nghỉ ngơi ăn uống chờ lịch tàu về (khoảng 14 giờ 30 phút). Hoặc ven sông, ngay cảng Bến Đình cũng có nhà hàng phục vụ cơm trưa. Món ăn đa dạng nhưng giá hơi đắt. Nếu về bằng taxi, bạn có thể thong thả bắt xe đi ăn bò tơ Xuân Đào (cách địa đạo Bến Dược khoảng 10km), trên đường về có thể dừng chân thưởng thức nước mía sầu riêng...

Điều tiếc nuối nhất trong chuyến tham quan của tôi là đã không ăn được món khoai mì "đặc sản địa đạo" như trước đây. Nhiều du khách đến từ các tỉnh phía Bắc "chui" địa đạo xong cũng mong chờ điều này, trở về cứ tấm tắc mãi: "Lẽ nào Củ Chi quên...?"

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI