“CUỘC CHIẾN” VỚI THỰC PHẨM BẨN: Liên kết để bảo vệ nhau

30/06/2020 - 07:32

PNO - Trong hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP.HCM đánh giá cao các mô hình “Vườn rau dinh dưỡng gia đình” và chuỗi cửa hàng liên kết - bình ổn giá của Hội LHPN TP.HCM.

Mới đây, trong hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP.HCM đánh giá cao các mô hình “Vườn rau dinh dưỡng gia đình” và chuỗi cửa hàng liên kết - bình ổn giá của Hội LHPN TP.HCM. Nhưng không chỉ có hai mô hình này, trong thực tế “cuộc chiến” với thực phẩm bẩn để bảo vệ bữa cơm gia đình và sức khỏe của mọi người, Hội LHPN TP.HCM đã có những bước đi công phu, bài bản.

Người mua được lợi, người bán có lời

Vào một buổi sáng cuối tuần đầu tháng Sáu, không khí mua bán tại cửa hàng bách hóa Vân Nghĩa trên đường Huỳnh Văn Trí, ấp 4, xã Bình Chánh, H.Bình Chánh vô cùng nhộn nhịp. Là ngày nghỉ nên giới công nhân tranh thủ ghé mua sắm các vật dụng thiết yếu cho gia đình. Cửa hàng do vợ chồng chị Lữ Thị Thanh Vân mở từ năm 2016, đến nay đã thành một địa chỉ quen của đông đảo anh chị em công nhân ở ấp 4. 

Chị Vân trước bán hàng ăn uống ở chợ Bình Chánh, anh Nghĩa, chồng chị, làm công an xã. Trước năm 2016, cuộc sống khó khăn, ngày nào vợ chồng họ cũng phải dậy từ 3g sáng để dọn hàng, nhóm lửa. Chị Vân “bám” chợ tới trưa, còn anh Nghĩa sáng ra là phải đến cơ quan. Hai con nhỏ tự lo chuyện học hành. Thấy cuộc sống anh chị vất vả, chị Đặng Thị Ánh Tú - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Chánh - vận động anh Nghĩa mở cửa hàng liên kết Co.op Smile tại nhà. Anh Nghĩa về bàn với vợ. Đắn đo cả tháng trời, hai vợ chồng họ mới dám nhờ Hội bảo lãnh vay tiền của chương trình để “khởi nghiệp”.

Anh chị cải tạo lại toàn bộ mặt tiền nhà để làm cửa hàng bách hóa Vân Nghĩa. Thời gian đầu họ cũng mất ăn mất ngủ vì lo nợ nần. Nhưng dần dà, cửa hàng Vân Nghĩa trở thành địa chỉ quen của người dân ấp 4, đặc biệt là giới công nhân. 

 

Chị Lữ Thị Thanh Vân - chủ cửa hàng bách hóa Vân Nghĩa - đang trò chuyện với khách

Cũng đổi đời nhờ mô hình cửa hàng liên kết, chị Võ Thị Thùy, chủ cửa hàng Co.op Smile ở đường TX 25, P.Thạnh Xuân, Q.12 cho biết, niềm vui của chị chính là góp phần cho bữa ăn của các gia đình có những thực phẩm sạch và đảm bảo chất lượng. Chị nói: “Tôi từng bán tạp hóa nhiều năm. Thời trước, nhận hàng hóa chỉ theo mối quen chứ làm gì biết được nguồn gốc. Đến năm 2014, Hội Phụ nữ phường vận động làm cửa hàng liên kết, tôi nhận lời ngay. Vì là cửa hàng đầu tiên triển khai mô hình bình ổn giá gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm nên đã được sự quan tâm rất nhiều của Hội. Các chị cho tôi tham gia tập huấn quy trình về nhập và bán hàng, học bí quyết làm người kinh doanh văn minh, dự những chuyên đề an toàn thực phẩm (ATTP), chống hàng gian, hàng giả… Từ đó, tôi mới dần có ý thức “tự bảo vệ”, cẩn trọng khi lựa chọn từng loại sản phẩm đưa vào cửa hàng”.

Cửa hàng của chị Thùy, chị Vân chỉ là hai trong 82 cửa hàng liên kết do Hội LHPN TP.HCM phối hợp với Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM triển khai hơn 5 năm qua. Mô hình nhằm đưa hàng hóa chất lượng, rõ nguồn gốc, đảm bảo ATTP đến với người tiêu dùng. Đồng thời với chương trình này, Hội còn vận động hội viên, phụ nữ mở rộng mạng lưới bán hàng bình ổn với 344 điểm tại các chợ truyền thống và 1.186 điểm tại địa bàn dân cư. Các cửa hàng này tập trung chủ yếu ở các huyện ngoại thành, nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất với khách hàng chủ yếu là công nhân. Không chỉ tạo cơ hội cho nhiều gia đình hội viên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, mô hình còn khuyến khích người dân sử dụng hàng Việt Nam, tạo thuận lợi cho mọi người tiếp cận hàng hóa có chất lượng tốt với giá bình ổn… 

Vẫn chưa thể hài lòng 

Dẫn tôi đi khoe vườn rau trên các ban công, bà Trần Thị Thúy, ngụ ở P.12, Q.3 cho biết, nhờ có Hội mở lớp hướng dẫn cách thức trồng rau sạch mà hai năm qua, các ban công trên các tầng lầu nhà bà đã biến thành vườn rau. Bà mỉm cười giới thiệu: “Tầng 1 trồng hoa, các tầng 2, 3, 4 trồng rau đủ loại”.

Vườn rau dinh dưỡng gia đình là mô hình độc đáo của Hội LHPN TP.HCM phối hợp Hội Làm vườn và Trang trại thành phố thực hiện thí điểm từ năm 2013. Đến nay, thành phố có 550 tổ trồng rau sạch, rau an toàn với 12.500 thành viên tham gia.

Tuy nhiên, rau cũng chỉ là một thành phần trong bữa ăn gia đình. Để cùng nhau bảo vệ bữa cơm nhà luôn ngon, sạch, các cấp Hội đã sáng tạo rất nhiều trong tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên chung tay chống thực phẩm bẩn và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu như các hội viên, phụ nữ ở ngoại thành tiên phong trong việc trồng rau và các loại nông sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy trình Vietgap, nói không với hóa chất, đảm bảo sản phẩm sạch… thì ở nội thành, chị em lại tổ chức các cửa hàng, những buổi chợ phiên nông sản để giới thiệu và kết nối sản phẩm với người tiêu dùng. Buổi chợ phiên của Hội LHPN Q.6 vào mỗi sáng thứ Bảy tại chung cư Lucky Palace đã thành điểm kết nối như vậy. Nhưng để câu chuyện kết nối không chỉ là phong trào, Hội LHPN các phường trên địa bàn Q.6 còn đưa phiên chợ nông sản sạch xuống tận khu phố, hình thành cửa hàng bách hóa online vừa giúp chị em khởi nghiệp, vừa đưa sản phẩm Việt Nam đến người tiêu dùng. 

Mô hình vườn rau dinh dưỡng gia đình được Hội LHPN các quận huyện chú trọng phát triển trong suốt 7 năm qua
Mô hình vườn rau dinh dưỡng gia đình được Hội LHPN các quận huyện chú trọng phát triển trong suốt 7 năm qua

Bên cạnh đó, Hội còn kiên trì tuyên truyền trong tiểu thương các chợ truyền thống thực hiện quán ăn an toàn, ngành hàng kiểu mẫu; hạn chế sử dụng chất phụ gia trong sản xuất và chế biến. Vận động các hộ kinh doanh nuôi trồng thực hiện 3 không: không sản xuất rau không an toàn - không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn - không kinh doanh phụ gia thực phẩm không an toàn. Đến nay, toàn thành phố có 2.056 quán ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, 35 ngành hàng tươi sống đạt chuẩn vệ sinh và 1.200 gian hàng ăn uống kiểu mẫu tại các chợ truyền thống.  

Bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM cho biết, bên cạnh việc triển khai các mô hình, tổ chức tuyên truyền vận động, Hội còn tổ chức giám sát ATTP. Giai đoạn 2014-2016, Hội LHPN TP.HCM giám sát công tác quản lý ATTP trên địa bàn các quận 1, 5, Thủ Đức và H.Hóc Môn. Năm 2019, chúng tôi giám sát ở các quận 10, Bình Thạnh, Bình Tân và các chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), An Lạc (Q.Bình Tân). Không chỉ giám sát, Hội còn phối hợp với UBND xã, phường nơi chợ trú đóng để tiếp tục kết nối thông tin, cùng giám sát vấn đề ATTP một cách hiệu quả nhất. 

Với sự tâm huyết, bài bản, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn của Hội LHPN TP.HCM luôn được đánh giá cao. Tuy nhiên, những người đầu tàu chưa thể bằng lòng, bởi đây không phải là câu chuyện riêng của Hội. Những nỗ lực của Hội chỉ có thể giữ sạch bó rau, con cá, ký thịt, chứ không thể giữ sạch cho toàn bộ các món ăn trên mâm cơm của các gia đình. 

Hạnh Chi

 
 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI