Cùng nhau vun đắp, sẻ chia

29/06/2020 - 07:30

PNO - Cuộc sống vốn có nhiều sắc màu, nhưng ở tất cả những gia đình này dường như có một sắc màu chủ đạo, đó là vợ chồng cùng nhau vun đắp, cùng nhau sẻ chia, cùng nhau giữ lửa…

Tối 28/6, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1), Hội LHPN TP.HCM đã tổ chức lễ tuyên dương 30 “gia đình văn hóa - hạnh phúc tiêu biểu”. 

Tuổi già sống vui bên con cháu

Có mặt tại lễ tuyên dương, vợ chồng chú Trịnh Tiến Thọ và cô Tô Thị Mỳ ngại ngùng: “Là cha mẹ, ông bà thì ai cũng lo cho con cháu, chỉ mong con cháu được hạnh phúc thôi”. 

Căn nhà lớn của vợ chồng họ tại P.3, Q.Gò Vấp được ngăn làm ba để ba gia đình nhỏ của các con có không gian sinh hoạt riêng. Nói là riêng nhưng do con trai, con dâu đều đi làm suốt ngày nên mọi việc trong ngoài đều được cô chú quán xuyến. Bốn đứa cháu nội cũng một tay ông bà chăm lo. Bữa cơm chiều của đại gia đình lúc nào cũng có đủ 11 thành viên quây quần. 

Gia đình chú Thọ và cô Mỳ sum họp bên mâm cơm gia đình
Gia đình chú Thọ và cô Mỳ sum họp bên mâm cơm gia đình

Ở cái tuổi thất thập, chú Thọ vừa mới trải qua một ca phẫu thuật thoát vị thành bụng, còn cô Mỳ bị đau cứng cơ chân do giãn tĩnh mạch sâu, nhưng nhờ hằng ngày được vui vầy bên con cháu mà bệnh tật như vơi đi. Niềm vui của hai người già bắt đầu từ sáng sớm khi bà đi chợ, còn ông thì quanh quẩn dọn dẹp trong ngoài. Bữa trưa, hai ông bà tự lo cho nhau. Đến chiều, khi các cháu đi học về, ông bà nhắc nhở các cháu tắm rửa, ôn bài và tập trung lo bữa tối. Khi các thành viên đã về đông đủ thì cả nhà cùng ngồi vào bàn ăn. 

Chú Thọ và cô Mỳ trước đây đều làm điều dưỡng tại Bệnh viện Quân y 175. Họ gặp nhau, yêu nhau rồi nên duyên vợ chồng. Về sau, để có thời gian chăm sóc gia đình, chú xin chuyển công tác về Trung tâm Y tế quận. Cô Mỳ hạnh phúc: “Suốt 40 năm, ổng lúc nào cũng hy sinh cho gia đình. Đến bây giờ, ổng vẫn luôn tạo điều kiện cho tôi tham gia công tác Hội mà chẳng một lời phàn nàn. Sáng nào ổng cũng hỏi tôi: hôm nay cậu có đi đâu không?”. Nghe vợ khen, chú Thọ giãi bày: “Tôi chỉ nghĩ, trong hai người phải có người hy sinh để lo cho các con nên tôi xin chuyển công tác. Đã là vợ chồng thì đâu có tính toán thiệt hơn”. Cũng vì chẳng tính toán hơn thiệt mà đã hơn 40 năm chung sống, cô chú không ai nặng nhẹ ai câu nào, họ vẫn nhẹ nhàng gọi “cậu” xưng “tớ” như hồi mới quen nhau. 

Không chỉ vun vén cho hạnh phúc của đại gia đình ba thế hệ, từ ba năm nay, cô Mỳ đã xây dựng và làm Chủ nhiệm câu lạc bộ Xây dựng gia đình hạnh phúc tại chi hội 7, P.3 với 10 gia đình. Để đồng hành với cô Mỳ, mỗi khi ra ngoài, nghe được những câu chuyện hay, chú Thọ lại mang về chia sẻ với vợ và các con để cùng rút ra bài học.

Hạnh phúc là vợ chồng cùng nhau vun đắp, sẻ chia

Tại tiệm tạp hóa nhỏ trong một con hẻm đường Huỳnh Văn Bánh, P.17, Q.Phú Nhuận, anh Ca Riêm và chị SaKyNah thỉnh thoảng nhìn nhau rồi lại tất bật với việc buôn bán. Lấy nhau đã được 7 năm và có hai con nhỏ, anh Ca Riêm đảm đương việc buôn bán, còn chị SaKyNah quán xuyến việc nhà và chăm sóc con, khi nào rảnh rỗi mới ra phụ chồng. Biết vợ về làm dâu phải hòa nhập với cộng đồng mới, anh Ca Riêm luôn quan tâm và tạo cho vợ tâm lý thoải mái nhất. Anh luôn để ý để chiều lòng cha mẹ để cả gia đình cùng thuận hòa. “Tính vợ thích bay nhảy nên khi cô ấy tham gia Hội Phụ nữ tôi liền tạo điều kiện” - anh Ca Riêm nói. Hiện chị SaKyNah đang là Chi hội phó chi hội Phụ nữ Chăm. 

vợ chồng anh Ca Riêm và chị SaKyNah
vợ chồng anh Ca Riêm và chị SaKyNah

Chị SaKyNah cũng rất vui với cuộc sống hiện tại. Buổi sáng, chị chuẩn bị mọi thứ cho con đi nhà trẻ, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ rồi mới ra phụ giúp chồng. Công việc buôn bán bắt đầu từ 7g đến 23g. Tuy vất vả nhưng vợ chồng đều cố gắng. Chị nói: “Hạnh phúc, quan trọng nhất là cả hai vợ chồng phải cùng nhau vun đắp, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, tôn trọng, bao dung và tha thứ lỗi lầm của nhau”. 

Nhà là nơi chốn bình yên

Sáng cuối tuần, lui cui cắt mớ rau ngoài vườn, chị Dương Thị Thu Hương, ở khu phố Tam Đa, P.Trường Thạnh, Q.9, ngước mắt nhìn chồng dò hỏi: “Hay em gọi cho con”. Chồng chị, anh Nguyễn Tấn Phong, quở: “Mới nói chuyện cả buổi hôm qua. Giờ này chắc con đang tập”. “Tại em nhớ quá” - chị Hương ỉu xìu. Anh Phong ngẩn ngơ, thả bình phun nước rồi đi vào nhà ngồi mân mê những tấm huy chương của cậu con trai Nguyễn Tấn Sang - vận động viên Pencat Silat, đội tuyển quốc gia Việt Nam. 

Năm nay Sang 21 tuổi, là sinh viên Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, đang tập trung tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia ngoài Hà Nội. Hồi cuối năm 2019, Sang gây ấn tượng mạnh trong giới thể thao với thành tích cao khi xuất sắc đánh bại nhà vô địch SEA Games 30 người Malaysia ở hạng cân 75kg để giành huy chương vàng Giải vô địch Pencat Silat châu Á.

Vợ chồng chị Hương - anh Phong đang sắp xếp lại những phần thưởng của con trai Nguyễn Tấn Sang
Vợ chồng chị Hương - anh Phong đang sắp xếp lại những phần thưởng của con trai Nguyễn Tấn Sang

Năm con 7 tuổi, vì muốn con rèn luyện sức khỏe, không sa đà vào game online, anh Phong gửi cu cậu đi học võ cổ truyền. Lên bậc trung học phổ thông, sau khi tham gia Hội khỏe Phù Đổng và vài giải đấu dành cho lứa trẻ ở TP.HCM, Sang bày tỏ nguyện vọng theo đuổi Pencat Silat chuyên nghiệp. Anh Phong ra “tối hậu thư”: tập thì cứ tập, nhưng phải đảm bảo việc học. Sang làm đúng lời cha dặn, một buổi đến lớp, một buổi tập luyện tại nhà thi đấu Phú Thọ. Ở tuổi 20, Sang đã sở hữu gần 20 tấm huy chương các loại từ những giải đấu Pencat Silat trong và ngoài nước. 

Đan xen giữa niềm nhớ thương và tự hào về con trai, anh Phong dặn vợ ủi bộ áo dài mới để tối đi dự lễ tuyên dương Gia đình văn hóa - hạnh phúc tiêu biểu cấp thành. Chị rối rít nói xong hết rồi, anh đừng lo. Chị Hương bẽn lẽn: “Hồi trước, ai rủ đi đâu tôi cũng nghĩ chắc xa ngút ngàn. Có chồng và hai đứa nhỏ, tôi mới dần đi đó đi đây và yêu bản thân nhiều hơn”. Không có quãng hẹn hò lãng mạn hay “kén cá chọn canh”, vợ chồng họ đến với nhau qua sự sắp xếp của người lớn.

Chị Hương là con thứ ba trong gia đình có bảy anh em, thuở nhỏ chỉ luẩn quẩn trong nhà, ra ruộng, rồi theo mẹ bán xôi. Còn anh Phong, 8 tuổi đã sống cùng ông bà nội, coi ông bà như cha mẹ, như bạn đồng hành. Đi bộ đội về năm 1989, anh bắt đầu làm phụ hồ. Nhắc chuyện xưa, anh tâm tình: “Tôi không ngờ Hương ưng mình, bởi tôi tay trắng. Ông nội bệnh, mắt không còn nhìn thấy. Bà nội cũng yếu. Nhà lá rách nát, nước ngập bốn phía. Vậy mà, cô ấy đã đi cùng tôi suốt 26 năm qua, vui buồn, sướng khổ, nếm đủ hết”. 

Về làm dâu, một tay Hương chăm sóc ông bà nội chồng, nhận gia công quần áo trẻ em và trồng rau bán cho lối xóm kiếm đồng ra đồng vào. Sau khi sinh hai đứa con, chị càng thêm nhọc nhằn, nhưng chẳng khi nào than vãn. Năm 2006, được Bộ Tư lệnh Thành phố xây tặng căn nhà đồng đội, gia đình anh chị mới thoát cảnh chạy ngập. Đầu năm 2020 này, hai đứa con Kim Phương và Tấn Sang hùn tiền lương, tiền thưởng phụ ba mẹ sửa sang căn nhà cho rộng rãi hơn. Nhìn tường vôi mới tinh tươm, chị Hương rưng rưng: “Đây là tổ ấm của tôi, là nơi chốn bình yên của tôi. Chỉ thương ông bà nội không còn để thấy được sự đổi thay này”. 

Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam 

Từ ngày 27/6 - 2/7/2020, kỷ niệm 19 năm ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và 44 năm ngày thành phố mang tên Bác Hồ (2/7/1976 - 2/7/2020), tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) diễn ra các hoạt động trưng bày, giới thiệu các bộ trang phục áo dài truyền thống và hiện đại; biểu diễn các trang phục áo cưới Việt Nam; triển lãm về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, nhảy Flashmob chủ đề về gia đình hạnh phúc; biểu diễn, diễu hành tái hiện đám cưới xưa, nay và đám cưới tập thể… Và hoạt động trọng tâm - “Ngày hội Gia đình văn hóa - hạnh phúc” - diễn ra ngày 28/6 với nhiều hoạt động triển lãm tái hiện cuộc sống sinh hoạt gia đình; gameshow cả nhà vào bếp với chủ đề “Bữa ăn gia đình Việt” và tuyên dương các gia đình văn hóa - hạnh phúc tiêu biểu của thành phố năm 2020. 

Ngày hội do UBND TP.HCM phối hợp các đoàn thể và Hội LHPN TP.HCM tổ chức. 

 TRANG NGUYÊN CHI

Thiên Ân - Thảo Nguyên - Hoài An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI