Cùng kể chuyện di sản để yêu hơn những giá trị của cộng đồng

27/12/2021 - 12:36

PNO - Tự kể chuyện di sản của cộng đồng cũng chính là cách để mỗi người nhận diện rõ hơn những giá trị mà đôi khi tưởng chừng bị bỏ quên.

Với mong muốn ai cũng có thể kể câu chuyện văn hóa, lịch sử của cộng đồng mình sinh sống, trong năm 2020-2021, nhóm bạn trẻ Giang Phạm, Bạch Tùng và Lê Dũng kết hợp với Hội đồng Anh đã xây dựng bộ công cụ kể chuyện di sản gồm kỹ năng viết, kỹ năng chụp ảnh, mỹ thuật.

Không ai có thể hát thay chúng ta

Với cách kể chuyện bằng ngôn ngữ viết, mỗi người sẽ học được cách lên ý tưởng, cấu trúc nội dung. Với những ai chưa có kiến thức về nhiếp ảnh, bộ công cụ sẽ giúp họ hiểu về bố cục, góc chụp, khung hình, kỹ thuật cơ bản… để chụp một bức ảnh. Với cách kể chuyện bằng ngôn ngữ vẽ, ta sẽ học cách nhìn thế giới qua cặp mắt đồ họa, thực hiện những bài ký họa cơ bản. Tất cả đều đơn giản, dễ hiểu để ai cũng có thể kể lại câu chuyện di sản của chính mình từ đó.

 Nhóm đã giúp người dân làng Chăm Bỉnh Nghĩa (H.Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) làm bộ thẻ bài di sản giới thiệu hệ thống nghi lễ đầu năm - ẢNH: GIANG PHẠM
Nhóm đã giúp người dân làng Chăm Bỉnh Nghĩa (H.Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) làm bộ thẻ bài di sản giới thiệu hệ thống nghi lễ đầu năm - ẢNH: GIANG PHẠM

Nhóm đã giúp năm cộng đồng thực hiện năm phiên bản kể chuyện di sản của riêng họ, gồm Em kể chuyện làng: Phiên bản làng Chăm Bàu Trúc, Ta kể chuyện làng: Phiên bản làng Chăm Bỉnh Nghĩa, Ta kể chuyện làng: Phiên bản buôn làng K’bang, Em kể chuyện làng: Phiên bản buôn làng Kon Rẫy và Ta kể chuyện di sản: Phiên bản diễn xướng Nam bộ.

Bích báo thiếu niên là một công cụ để các em học sinh Trường THCS Trương Định (xã Phú Quý, H.Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) kể chuyện di sản của người Chăm trong trường của mình. Ở làng Bỉnh Nghĩa, nhóm giúp mọi người làm bộ thẻ bài di sản để giới thiệu hệ thống nghi lễ đầu năm ở đây. Ở Gia Lai, nhóm làm việc với làng Mơ H’ra để sáng tạo một tập san du lịch, vừa là cách ghi lại di sản truyền thống, vừa cung cấp thông tin cho khách du lịch.

Cả ba thành viên cho biết khi bước vào dự án, ai cũng hào hứng với tâm thế ôn cố tri tân. Mỗi người đều có một thế mạnh riêng và đảm nhận mỗi phần của bộ công cụ. Bạch Tùng với hơn 5 năm làm việc trong lĩnh vực thiết kế, Giang Phạm hoạt động trong lĩnh vực báo chí với công việc phóng viên ảnh và Dũng Lê với kinh nghiệm làm phim tài liệu.

“Với tôi, tìm hiểu di sản là cách chúng ta biết, xác định được bộ “ADN” xã hội của mình, thừa hưởng những gì để trân trọng và bước đi cùng nó. Tôi luôn hứng thú với việc tìm kiếm những dấu chỉ của bản thân và người khác, rồi kể bằng câu chuyện của mình”, Tùng chia sẻ.

Tùng cho biết trọng tâm của dự án là thu hẹp lại định nghĩa di sản và trao quyền cho cộng đồng kể lại câu chuyện của mình. Do đó, để thiết kế một bộ công cụ hiệu quả, thì trước hết phải hiểu ai là người sử dụng, sử dụng làm gì và sử dụng như thế nào?
Khó khăn lớn nhất là tìm mẫu số chung về câu chuyện di sản, được kể ở năm cộng đồng. Bên cạnh đó, cách tiếp cận phải đơn giản, dễ hiểu và truyền cảm hứng cho cộng đồng.

Ngoài khó khăn khi tiếp cận, ngay chính cộng đồng cũng có những trở ngại nhất định. Khi đến với làng Mơ H’ra (H.K’bang, tỉnh Gia Lai), đại đa số cư dân trong làng là người già, phụ nữ và trẻ em, trong khi thanh niên đã đi làm công nhân ở những nơi khác. Việc sử dụng bộ công cụ để kể lại câu chuyện do đó không hề dễ với những người còn lại ở làng.

Workshop Ta kể chuyện Di sản: Phiên bản Diễn xướng Nam Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh (tháng 3.2021). Ảnh: Giang Phạm
Workshop Ta kể chuyện Di sản: Phiên bản Diễn xướng Nam Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh (tháng 3.2021). Ảnh: Giang Phạm

Dũng cho biết khi đến làng Chăm, anh thấy các bạn trẻ tiếp cận công nghệ sớm và từng không quan tâm đến di sản. Tuy nhiên, anh nhận ra mọi người đều hòa vào văn hóa của họ và tôn trọng nó một cách đáng nể. Những ánh mắt tò mò và thái độ trân trọng của những bạn trẻ khi biết đó là điều quan trọng với cộng đồng của mình khiến anh bất ngờ. Di sản có đời sống riêng của nó, ai cũng có nhu cầu kể chuyện, và nói như nhà thơ Inrasara: “Không ai có thể hát thay chúng ta”.

Việc khuyến khích mọi người hãy kể câu chuyện di sản, là một khái niệm khá mới và những người nắm giữ chưa quen. Khi đưa trách nhiệm ấy đến với cộng đồng, họ còn phải vượt qua những rào cản nhất định về mặt tâm lý. Tuy nhiên, may mắn, bộ công cụ đã được mọi người đón nhận nồng nhiệt. 

Cộng đồng cùng kể chuyện

Khi tiếp nhận câu chuyện từ cộng đồng di sản, nhóm luôn cố gắng giữ giọng điệu của những người kể chuyện, để tạo ra sự riêng biệt cho từng ấn phẩm. Mỗi công cụ đều có đặc điểm riêng. Giang cho biết anh chỉ cần mọi người biết cách chụp ảnh để kể lại một câu chuyện, và yêu thích những thứ họ chụp. 
Khi đến với dự án này, cả ba đều vô cùng hào hứng khi nghe mọi người nói rằng họ muốn kể những câu chuyện về di sản của địa phương, dân tộc này, nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu và như thế nào? Việc cộng đồng hiểu về giá trị văn hóa của mình và có nhu cầu kể chuyện, là động lực lớn nhất để nhóm hoàn thành dự án.

Bên cạnh đó, nhóm còn nhận ra trong những buổi trao đổi trực tiếp, dường như có rào cản vô hình nào đó khiến cộng đồng sở hữu di sản ngại đưa ra ý kiến, suy nghĩ. Tuy nhiên, khi hướng dẫn cộng đồng cách sử dụng công cụ để tự kể câu chuyện, thì những câu chuyện của họ lại rất sinh động. Thú vị hơn, khi cùng nhau kể chuyện di sản của cộng đồng mình, thì khoảng cách giữa các thành viên trong cộng đồng thu hẹp lại rất nhiều.

Một số sản phẩm đã hoàn thành
Một số sản phẩm đã hoàn thành

Một số cộng đồng sở hữu di sản mang tính hiệu ứng hình ảnh rất cao, nhưng không có công cụ thì sẽ rất khó để họ giới thiệu nó đến với mọi người. Người trẻ, nói làm về văn hóa thôi thì chưa đủ, vì họ cần có sự am hiểu và yêu quý bản sắc văn hóa, di sản của cộng đồng. Khi sử dụng bộ công cụ để kể chuyện di sản, cũng chính là cách để họ nhận diện rõ hơn những giá trị mà đôi khi tưởng chừng bị bỏ quên.

“Có nhiều tổ chức tài trợ cho các dự án văn hóa - di sản và họ rất muốn có sự tham gia của chính cộng đồng sở hữu di sản. Bạn trẻ muốn kể câu chuyện di sản của mình cần bổ sung các kỹ năng viết chương trình, dự án. Khi các bạn cho họ hình dung được cụ thể dự án, thì việc tìm được tài trợ để bảo vệ, phát triển di sản của cộng đồng sẽ trở nên dễ dàng hơn”, Tùng chia sẻ. 

Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI