Cú đá vào vali đánh thức cả một vấn đề đô thị

09/07/2025 - 19:30

PNO - Những ngày hè tháng 7, cái nóng không chỉ bức người, mà còn làm bốc hơi nhanh chóng những chuẩn mực ứng xử nơi công cộng.

Một đoạn clip ngắn ghi lại cảnh người phụ nữ bán trà đá xô xát với cô gái đứng chờ xe trên vỉa hè Phạm Hùng nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận. Ẩn sau những hành vi tưởng chừng “lặt vặt” là một câu hỏi lớn chưa từng được trả lời thấu đáo: Chúng ta đã thật sự xây dựng được một hình mẫu công dân đô thị chưa, hay vẫn chỉ mới quản lý đô thị bằng biện pháp hành chính?

Trong các xã hội hiện đại, khái niệm “commons” - không gian công cộng - không đơn thuần là phần đất nằm giữa lòng đường và mặt tiền căn nhà. Nó là biểu tượng vật lý cho quyền bình đẳng tiếp cận, quyền tồn tại, quyền di chuyển và quyền được là một phần của cộng đồng.

Thế nhưng tại nhiều đô thị Việt Nam, không gian công cộng đang bị xâm chiếm bởi chính những hành vi “nhỏ” nhưng lặp đi lặp lại: một sạp hàng trà đá dựng sát gốc cây, một chiếc xe máy đỗ chắn lối đi người khuyết tật, một bậc tam cấp nhô ra vỉa hè...

Những hành vi ấy được bao biện bằng cụm từ quen thuộc: “kiếm sống”. Nhưng điều nguy hiểm hơn là khi hành vi ấy được mặc nhiên hóa như một “quyền mưu sinh bất thành văn”. Và khi quyền mưu sinh va chạm với quyền sử dụng không gian chung của người khác thì xung đột xảy ra.

Khi người bán hàng đá vào vali một cô gái đứng chờ xe và tuyên bố “chỗ này tao bán hàng, mày không được đứng”, thì đó không chỉ là hành vi phản cảm, mà còn biểu hiện rõ nhất của tư duy sở hữu hóa không gian công cộng một cách vô thức.

Người bán quán vỉa hè xô xát với cô gái (Ảnh: Cắt từ clip)
Người bán quán vỉa hè liên tục đá vào vali của cô gái (Ảnh: Cắt từ clip)

Trong đoạn clip được ghi lại, người phụ nữ không chỉ lời qua tiếng lại mà còn chủ động tiếp cận, nhiều lần đá vào hành lý của cô gái trẻ với thái độ hằn học và có dấu hiệu đe dọa. Những cú đá không phải là phản xạ bộc phát mà là hành vi lặp đi lặp lại. Điều này thể hiện rõ tâm thế “xua đuổi kẻ xâm phạm” khỏi khu vực mà bà ta tự xem là của riêng.

Đáng chú ý, cô gái không hề có phản ứng gây rối hay khiêu khích. Cô chỉ im lặng né tránh, thể hiện sự bị động, trong khi xung quanh có người chứng kiến nhưng không ai can thiệp. Chính sự im lặng ấy (từ cả người bị hại lẫn người xung quanh) là minh chứng sống động cho một thứ quyền lực vô hình nhưng đầy áp chế: quyền được chiếm chỗ, được đuổi người, được xác lập “chủ quyền vỉa hè” bằng thái độ lấn lướt.

Ở đây chúng ta không đơn thuần nói về việc chiếm dụng vỉa hè. Chúng ta đang nói về sự chuyển dịch nguy hiểm từ “sử dụng sai quy định” sang “áp đặt sự loại trừ” khi một người dân cảm thấy mình có đủ thẩm quyền để ra lệnh cho người khác rời khỏi không gian chung, và sẵn sàng thực hiện hành vi bạo lực nếu đối phương không tuân theo.

Thành phố không thể phát triển chỉ bằng các chiến dịch giành lại vỉa hè hay xử phạt hành chính. Nếu cư dân của nó không được hình thành như những “công dân đô thị”, tức là người có ý thức, có trách nhiệm với không gian chung, hiểu về quyền và giới hạn quyền của bản thân, thì mọi kế hoạch quy hoạch hay tái thiết đều chỉ là giải pháp ngắn hạn.

Công dân đô thị không phải là người chỉ biết đi đúng vạch vôi trắng. Họ là người nhận thức được ranh giới giữa quyền cá nhân và quyền tập thể. Họ không đá vào vali người khác chỉ vì người đó đứng chỗ mình từng đặt ghế. Họ không xem vỉa hè là của riêng. Bởi họ hiểu nó là thứ không ai sở hữu nhưng ai cũng phải gìn giữ.

Đáng tiếc là trong hàng chục năm phát triển nóng về hạ tầng và kinh tế, chúng ta đã đầu tư rất ít cho việc xây dựng loại công dân này. Giáo dục công dân đô thị không có trong sách giáo khoa. Những giá trị như tôn trọng không gian chung, văn hóa chia sẻ, giới hạn hành vi cá nhân trong không gian tập thể chưa bao giờ được giảng dạy một cách hệ thống.

Xét về mặt xã hội học, vụ việc giữa người bán trà đá và cô gái chờ xe là một biểu hiện của xung đột giữa hai kiểu cư dân cùng sống trong một không gian đô thị: người “có tâm thế thành thị” và người “chưa kịp chuyển hóa từ làng xã”. Một bên tin rằng không gian vỉa hè là để đứng, để đi, để chờ đợi. Một bên xem đó là nơi kiếm sống, là “đất đã quen mặt”.

Khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh hơn tốc độ nâng cấp ý thức công dân, chúng ta chứng kiến sự vỡ cấu trúc văn hóa ứng xử. Cùng một thành phố nhưng mỗi người cư xử theo những chuẩn mực khác nhau, không có quy ước chung, không có sự mặc định về điều đúng sai. Do vậy, xung đột là điều tất yếu.

Không gian công cộng là thước đo mức độ văn minh của một đô thị - ở việc mỗi người dân bước chân lên đó có cảm thấy mình được chào đón, được an toàn, được tôn trọng hay không. Chừng nào chúng ta còn chấp nhận việc người này đuổi người kia ra khỏi vỉa hè như một “va chạm nhỏ”, thì chừng đó quyền sử dụng không gian công cộng vẫn là đặc quyền của kẻ mạnh, chứ không phải là quyền bình đẳng của một xã hội văn minh.

HVL

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI