COVID-19 và những gặp gỡ với "Cái Chết Đen"

11/03/2020 - 19:41

PNO - Trận dịch hạch được mệnh danh là Cái Chết Đen xảy ra vào thế kỷ thứ XIV, cũng từ phương Đông, rồi theo những bước chân du hành của các thương nhân mà lan sang phương Tây đã tạo ra một khoảng đen tối trong lịch sử toàn cầu.

Những thành phố phù hoa của nước Ý bị phong tỏa - trở nên hoang vắng, hay Iran, vùng đất của đế quốc Ba Tư cổ đã bị chao đảo bởi sự hoành hành của dịch bệnh COVID-19. Con đường lây lan dịch bệnh gợi nhắc một trận đại dịch tàn khốc thời Trung cổ.
Vài tương đồng về cơ chế lây nhiễm
Trận dịch hạch được mệnh danh là Cái Chết Đen xảy ra vào thế kỷ thứ XIV, cũng từ phương Đông, rồi theo những bước chân du hành của các thương nhân mà lan sang phương Tây đã tạo ra một khoảng đen tối trong lịch sử toàn cầu. 

Vào thời Trung cổ, trong một nền y học còn chịu ảnh hưởng bởi thuật chiêm tinh, Cái Chết Đen được các nhà chiêm tinh học lý giải do sự liên kết xấu xa giữa sao Mộc, sao Hỏa và sao Thổ. Các mô tả về triệu chứng của bệnh dịch hạch vào thế kỷ thứ XIV là những trang ghi nhận đầy hãi hùng: người bệnh bị viêm, nhức các hạch bạch huyết, mũi và miệng trào máu, các mạch máu bị vỡ khiến da loang lổ, một số cơ quan trên cơ thể bị hoại tử... 

Theo ngôn ngữ của y học hôm nay, thì bệnh dịch hạch (do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra) có ba dạng lâm sàng: dịch hạch thể hạch, dịch hạch thể phổi (thường gặp) và nhiễm trùng huyết (hiếm gặp). Về sau, người ta xác định rằng nếu không có kháng sinh dập tắt thì hầu hết người mắc dịch hạch thể hạch và thể phổi đều tử vong. Nếu dịch hạch thể hạch đi vào cơ thể qua những vết cắn của loài bọ chét, thì dịch hạch thể phổi lại lây từ người sang người theo các giọt bắn lúc giao tiếp. 

Vi khuẩn dịch hạch thể phổi tấn công cơ thể người bệnh, tạo nên các ổ áp-xe trong phổi, thì người bệnh ho hoặc hắt hơi, những giọt nước mang vi khuẩn lây lan vào những ký chủ mới và chỉ mất một đến ba ngày, bệnh khởi phát. Viêm phổi và sốt cao, ho nhiều đến mức ngạt thở cộng với những vết bầm tím lan trên cơ thể. Người bệnh bị tác động tâm lý, trở nên hoảng sợ, cuồng sảng... và nặng hơn, là các biểu hiện thần kinh cấp tính.

Như vậy, về cơ chế lây nhiễm và một số triệu chứng của dịch hạch thể phổi góp phần gây nên Cái Chết Đen vào thế kỷ XIV với COVID-19 ở thời kỳ chúng ta đang trải qua khá giống nhau (dù biết, mọi so sánh về tính chất dịch tễ có thể khập khiễng). Một điểm gặp gỡ nữa giữa Cái Chết Đen thế kỷ XIV với COVID-19 trong thời hiện tại là bản đồ di chuyển của bệnh.

Theo cuốn Lịch sử y học của Lois N. Magner (Võ Văn Lượng dịch, Nguyễn Ngọc Lương hiệu đính, nhà xuất bản Trẻ) thì chưa rõ cụ thể trận dịch Cái Chết Đen bắt đầu từ đâu và vào khi nào, nhưng xác nhận nhiều đợt bộc phát dịch hạch đã xuất phát từ các đô thị vùng Trung Cận Đông. Từ đây, bệnh lan truyền qua tàu bè và những thương lộ bộ hành.

Các chuyến hải trình qua những cảng lớn vùng Địa Trung Hải cùng những thương lộ trên đất liền đã đưa dịch hạch từ phương Đông vào Tây Âu năm 1347. Trong vòng hai năm, đám mây Cái Chết Đen bao trùm châu Âu, thậm chí còn lan đến cả Greenland.

Cuốn sách này cũng nhắc đến những tài liệu của Giovanni Boccaccio (nhà văn Ý, 1313-1375, người đã sống sót qua trận đại dịch) trong bộ Decameron (tựa tiếng Việt: Mười ngày) kể chuyện 10 thanh niên Ý đi lánh dịch hạch, mô tả thành phố Florence trở thành một đô thị ám mùi xác chết. 

Trong khi đó, cuốn Những con đường tơ lụa (Peter Frankopan, Trần Trọng Hải Minh dịch, Phanbook và nhà xuất bản Đà Nẵng) thì căn cứ trên nhiều nguồn sử liệu khoa học xã hội để xác định rõ hơn bản đồ khởi phát và di chuyển của Cái Chết Đen. Theo sử gia Peter Frankopan, sự lan truyền bệnh dịch cũng là một đặc điểm hệ lụy của quá trình toàn cầu hóa. Ông cho rằng, lòng chảo dịch hạch là ở vùng thảo nguyên Á - Âu.

Đây là thời kỳ đế chế Mông Cổ đang cố sức áp đặt ảnh hưởng sức mạnh chính trị khắp phương Đông và vươn rộng ảnh hưởng sang phương Tây. Bệnh dịch hạch được tác giả Những con đường tơ lụa tái hiện: “Những tuyến đường thương mại kết nối châu Âu với phần còn lại của thế giới giờ trở thành những đường cao tốc tử thần lan truyền Cái Chết Đen”.  

Biết để tránh

Tin giả, sự mê tín, nghi kỵ, kỳ thị cũng bùng phát cùng với sự lây lan của bệnh dịch. Cao điểm, Peter Frankopan có đề cập đến trường hợp một tin đồn thất thiệt tại Đức, cho rằng căn bệnh này là kết quả của việc người Do Thái đầu độc các giếng nước và dòng sông. Hậu quả là toàn bộ người Do Thái từ Cologne tới Áo đã bị gom lại, thiêu sống. Sau đó, những cộng đồng Do Thái tại Đức bị thảm sát. 

Tác giả Những con đường tơ lụa dẫn sử liệu của O. Benedictow (trong cuốn The Black Death, 1346-1353: The Complete History) để khẳng định Cái Chết Đen làm cho châu Âu mất 1/3 dân số (25 trên 75 triệu người). Đây là những trang u ám tang thương nhất trong lịch sử toàn cầu hóa ngày hôm qua - thời mà những con đường tơ lụa từng là “hệ thần kinh trung ương” của thế giới.

Nhìn lại một cơ chế lây nhiễm và bản đồ di chuyển của dịch bệnh với những nét tương đồng nhất định trong lịch sử cũng là cách giúp người đời nay có nhãn quan sáng sủa hơn trước những nan đề của hiện tại. Hiểu biết về lịch sử bệnh dịch mà nhân loại đã trải qua sẽ giúp hạn chế những hệ lụy về bệnh lý và sự hoảng loạn trong tâm lý dẫn đến những ứng xử cực đoan. 

Ngoài ra, cũng cần có những kịch bản đối diện với sự khuynh đảo về đời sống kinh tế, sự thay đổi cấu trúc xã hội mà dịch bệnh có thể gây ra cho tương lai. n

Các đại dịch hạch trong thời hiện đại xảy ra năm 1855 cũng tại Trung Quốc, năm 1877-1889 tại Nga. Đặc biệt, năm 1894, trận dịch hạch xảy ra tại Hồng Kông với tỷ lệ tử vong đến 90%. Vào thời điểm này, bác sĩ Alexandre Yersin đã đến Hồng Kông nghiên cứu, tìm ra vi khuẩn dịch hạch (một năm sau khi ông thám hiểm, phát hiện ra Đà Lạt), giúp nhân loại chiến thắng căn bệnh này. Đó cũng là lý do năm 1944, vi khuẩn dịch hạch được đặt tên ông, Yersinia pestis.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI