Thương những ngày đã cũ

10/03/2020 - 12:43

PNO - Trong Thương những ngày..., ông viết về cam quýt đất Ba Giồng, về xà bông con vịt; về cả những nhân vật có thật trong lịch sử trên nền bối cảnh văn hóa là đất Long An - quê hương ông.

Danh sách tác phẩm của nhà văn Trần Bảo Định mỗi lúc một dày lên, bắt đầu từ tập thơ đầu tiên Ngao du sơn thủy được ông cho ra mắt năm 2012.

Chưa đầy 10 năm, ông có thêm 18 tác phẩm nữa được xuất bản (cả thơ, truyện ngắn và tạp văn). Một sức lao động văn chương thật đáng nể. Vừa mới đây, ông in tập truyện Thương những ngày... (nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM) và cho biết bản thảo mới vẫn đang được viết…

Tôi tiếp cận văn chương Trần Bảo Định khá muộn, sau khi ông đã gây bất ngờ cho bạn văn bằng những cuốn sách in liên tục mỗi năm: Kiếp ba khía, Đời bọ hung, Phận kìm kìm, Chim phương Nam, Đất phương Nam ngày cũ… (từ năm 2014). Đọc những tiêu đề sách đủ biết người viết nặng lòng với miền sông nước Tây Nam bộ.

 

Đến giờ vẫn vậy, trong những câu chuyện ông viết vẫn là bối cảnh miền Tây với những nhân vật lịch sử, với dấu ấn văn hóa của một vùng đất, về muôn loài trên những cánh đồng… Nhà văn vẫn nhớ vẫn thương những ngày đã cũ và gửi gắm, soi rọi nhung nhớ ấy vào trang viết.

Ông không chỉ viết về ký ức đất quê, mà trong từng tác phẩm của ông, người đọc còn thấy được sự dày công nghiên cứu tư liệu sử và sự quan sát chi tiết, kỹ lưỡng từng đặc tính của các giống loài. 

. Những con người chân chất của miền đất cũ trở lại trong trang viết của nhà văn nhẹ nhàng, chân chất, hồn hậu bằng ngôn ngữ kể chuyện tự nhiên, không chút màu mè.

Cứ như thể có sao kể vậy, thu hút người đọc chính là những chi tiết đắt trong những câu chuyện. Một trong những truyện ngắn khá ấn tượng là Cái không thể, có thể! - nhà văn viết về chuyện sinh tồn của cộng đồng Cá Rô Đồng. Kẻ thù có khi chính là đồng loại, rồi nguy hiểm hơn là con người.

Nỗi sợ hãi kéo dài trên cánh đồng, mà cũng từ đó sự sống được khởi sinh; rồi cả lòng nhân hậu, sự tha thứ, tình yêu thương và sự hồn nhiên của những chú cá rô con… Tất cả được nhân hóa để phản ánh những căn tính người. Thú vị ở chỗ tác giả đã hiểu đặc tính sinh hoạt của cá rô, cá lóc, cá trê trắng, cá trê đen đến nỗi đọc đến đâu, ta càng bị thuyết phục và mê mẩn bởi sự thấu hiểu và góc nhìn đầy nhân văn của người viết. 

“Tác phẩm của Trần Bảo Định cung cấp cho bạn đọc một khối lượng kiến thức có thể gọi là khổng lồ về vùng đất phía Nam. Chúng ta được thấy hầu như toàn bộ lịch sử và đời sống ở đây, từ thời mở đất đến những cuộc chiến đấu anh hùng chống ngoại xâm, từ tên các sông rạch đến quá trình hình thành những đền miếu trên mọi vùng quê; từ các món ăn dân dã đến những câu ca dao và giai thoại, từ rừng đước giữ đất cùng nhiều loại cỏ cây đến nhiều loại chim cò, cua cá” - nhận xét của nhà văn Nguyễn Khắc Phê như thay lời cho người cảm nhận.

Quả vậy, nếu đọc trọn bộ những tác phẩm của nhà văn Trần Bảo Định, kiến thức và nhận diện của người đọc về vùng đất phương Nam tự khắc sẽ được nhân lên rất nhiều lần. 

Nhà văn Trần Bảo Định vẫn lặng lẽ viết trong những năm tháng sau này. Tôi học được ở ông sự khiêm cung cần mẫn của một người sáng tác. Khi bạn đọc là tri âm, thì nhà văn, đôi khi chẳng cần phải cất tiếng rổn rảng về mình. Mọi đón nhận trong lặng im và sẻ chia cũng đã là quá đủ. 

“Mai người có về thăm rừng cũ
Tôi gửi tình tôi trả lại rừng
Tôi gửi hồn tôi trăng biệt xứ
Sợi buồn treo dốc núi mù sương...”.

Dễ thấy trong những cuốn sách của ông những câu thơ man mác, như buồn thương, như tiếc nuối, như những tiếng thở dài cho ngày đã cũ mà vẫn còn vương đến tận bây giờ… 

Bùi Tiểu Quyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI