Chuyện chưa kể về những "khúc mắc" giữa NSND Lệ Thuỷ với NSƯTMinh Phụng, nghệ sĩ Minh Cảnh, NSƯTMỹ Châu

10/03/2020 - 08:00

PNO - Nhiều câu chuyện thú vị liên quan giữa NSND Lệ Thuỷ và các đồng nghiệp được bà tiết lộ với cảm xúc vui, buồn lẫn lộn.

Lệ Thủy và Minh Phụng: Hợp trên sân khấu nhưng khắc khẩu đời thường

Năm 1968, nghệ sĩ Lệ Thuỷ gặp biến cố khi nhà bị cháy. Trong gần một năm, bà không thể đi hát. Có lúc, nữ nghệ sĩ tính đến chuyện giải nghệ, nối nghiệp mẹ mở tiệm bán bánh.

Cuối năm 1968, ông bầu gánh Kim Chung tập hợp nghệ sĩ đi hát trở lại vì lo lắng cho đời sống của mọi người. Nghệ sĩ Lệ Thuỷ về đoàn Kim Chung 6, theo đoàn "đóng đô" ở khu vực miền Trung từ năm 1969. Đầu năm 1970, giận kép chánh của đoàn, bà xin đổi về Kim Chung 5, cũng lưu diễn các tỉnh miền Trung và bắt đầu hát chung với nghệ sĩ Minh Phụng - kép chánh của đoàn ở thời điểm đó.

Thành công nhất của Minh Phụng - Lệ Thuỷ ở sân khấu Kim Chung là những vở kiếm hiệp kỳ tình: Xin một lần yêu nhau, Kiếp nào có yêu nhau, Đêm lạnh chùa hoang, Hoa sơn thần nữ, Băng tuyền nữ chúa, Tâm sự loài chim biển Trên sân khấu họ ăn ý đến mức giới ký giả kịch trường khi đó gọi Minh Phụng - Lệ Thuỷ là “cặp bão biển đang dâng cao”. Hợp nhau trên sân khấu nhưng ít ai ngờ, ngoài đời NSND Lệ Thuỷ và đàn anh lại rất khắc khẩu.

NSND Lệ Thuỷ và cố nghệ sĩ Minh Phụng trên sân khấu đoàn Kim Chung
Nghệ sĩ Lệ Thuỷ và cố nghệ sĩ Minh Phụng trên sân khấu đoàn Kim Chung

Nhất kiếm bá vương - Lệ Thuỷ, Minh Phụng:

 

Đỉnh điểm của sự khắc khẩu là lần cô đào chánh và anh kép chánh đụng độ nhau ngay trên sân khấu. NSND Lệ Thủy kể: “Anh Phụng yêu nghề, ngăn nắp, diễn chỗ nào là đứng đúng chỗ đó. Nhưng tôi mới về thế vai, cứ lớ ngớ đứng trước mặt làm anh ấy hơi bực mình. Tôi cũng... bực mình lại.

Tới đoạn tôi hát “Đông Bình Sơn...”, anh ấy sẽ đáp lại: “Thôi đừng kêu ba tiếng Đông Bình Sơn”. Tôi phải hát anh ấy mới vô vọng cổ được nhưng tôi "cắc cớ" đứng im ru. Người nhắc tuồng liên tục nhắc: “Thuỷ, Thuỷ... Đông Bình Sơn để cho ổng vô vọng cổ”, tôi vẫn cứ nín thinh. Một hồi, tôi thấy tội nghiệp ảnh quá nên mới chịu hát”.

Nỗi buồn vai phụ

2 năm đi diễn ở miền Trung khiến tên tuổi của nghệ sĩ Lệ Thuỷ mờ nhạt dần trên thị trường băng đĩa nhựa. Khi trở về Hãng đĩa Việt Hải (nơi đầu tiên bà bén duyên với đĩa nhựa), Lệ Thuỷ được giao vai phụ trong tuồng Lá trầu xanh. Vai chính thuộc về nghệ sĩ Mỹ Châu. Đây cũng là thời điểm tên tuổi Mỹ Châu được các hãng đĩa ưa chuộng. Điều đó khiến nghệ sĩ Lệ Thuỷ hụt hẫng. 

Nghệ sĩ Lệ Thuỷ và nghệ sĩ Mỹ Châu hợp tác trong một tuồng cải lương kiếm hiệp
Nghệ sĩ Lệ Thuỷ và nghệ sĩ Mỹ Châu             

Bà nhớ lại: “Tôi về nhà, nằm khóc. Nếu không nhận vai, không ai biết tôi đã về lại Sài Gòn, nhưng đóng vai phụ thì rất buồn. Năm đó, tôi mới 20, 21 tuổi, suy nghĩ còn non nớt nên tôi ganh tị với chị Mỹ Châu vì nghĩ ông bà chủ thương chị ấy hơn mình. Nhưng tôi cũng phải công nhận chị Mỹ Châu ca rất hay”.

Không chỉ có Việt Hải, một hãng đĩa khác cũng mời Lệ Thuỷ về thu vai đào nhì, thậm chí đào ba. Cho đến khi hãng đĩa Việt Nam mời bà về thu vai đào nhì, trong một số vở như: Khi rừng mới sang thu, Kiếm sĩ dơi... thì chính những vai phụ này lại tạo được sự chú ý với khán giả. Từ dấu ấn đó, bà chủ hãng đĩa quyết định đưa Lệ Thuỷ trở lại vị trí đào chính.

Lá trầu xanh - Minh Phụng, Mỹ Châu, Lệ Thuỷ:

 

Thời điểm đó, có 3 cô đào được ký hợp đồng chính thức với Hãng đĩa Việt Nam, gồm: Lệ Thuỷ, Mỹ Châu và Phượng Liên. Chủ hãng sắp xếp nếu tuồng này Lệ Thuỷ đóng đào chính thì hai nghệ sĩ còn lại sẽ đóng đào nhì, cứ như thế xoay vòng. Vì thế, giai đoạn này bà đóng nhiều vai đào nhì. Có tuồng, Lệ Thuỷ đóng đào chính trên sân khấu, nhưng khi thu đĩa, bà chỉ đóng đào nhì.

Điều này khiến nhiều khán giả thắc mắc, thậm chí đồn rằng Lệ Thuỷ không hợp, xích mích với Mỹ Châu. “Hồi xưa, nghệ sĩ cạnh tranh công bằng, không thù ghét, hại nhau. Mình chỉ mong sao được đóng vai chánh, có cơ hội thế vai chánh để có nhiều tiền hơn”- NSND Lệ Thủy khẳng định.

Không thể phủ nhận, những vai đào nhì cũng góp phần tạo nên tên tuổi Lệ Thuỷ. Trong đó, nổi bật nhất là vai diễn Tuệ Khương trong Kiếm sĩ dơi. Dù chỉ hát một đoạn ngắn nhưng sự kết hợp của bà và NSND Minh Vương được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Bà bảo may mắn là khi đó đã có suy nghĩ đúng đắn để không từ chối những vai phụ.

Lệ Thuỷ - Minh Cảnh: Mối duyên lớn trong sự nghiệp

Thời điểm đầu bén duyên với đĩa nhựa, nghệ sĩ Lệ Thuỷ đã có cơ hội thu âm với nghệ sĩ Minh Cảnh. Chính sự kết hợp này giúp bà vực dậy tên tuổi trên thị trường đĩa sau 2 năm đi miền Trung và biệt tăm.

Khi có những tín hiệu tốt từ thị trường, Hãng đĩa Việt Nam mời nghệ sĩ Minh Cảnh thu âm Mưa trên phố HuếDuyên quê với Lệ Thuỷ. Đặc biệt, tác phẩm Duyên quê được yêu mến nồng nhiệt. “Đĩa này bán rất chạy trên thị trường. Tên tuổi Lệ Thuỷ vụt sáng trở lại ngay sau đó. Đó là kỷ niệm tôi không bao giờ quên trong sự nghiệp” - NSND Lệ Thuỷ chia sẻ.

NSND Lệ Thuỷ và nghệ sĩ Minh Cảnh tái ngộ hồi năm 2018
NSND Lệ Thuỷ và nghệ sĩ Minh Cảnh tái ngộ hồi năm 2018

Duyên quê - Lệ Thuỷ, Minh Cảnh:

 

Sau đó, họ tiếp tục kết hợp trong Trăng sáng vườn chè, Gặp lại cố nhân, Tuyết lạnh... Các hãng khác cũng mời Lệ Thuỷ, Minh Cảnh thu âm. Từ cuối năm 1970 đến năm 1972, bà lấy lại danh tiếng và được mời thu, đóng chính trong nhiều tuồng: Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa, Xin một lần yêu nhau...

Trên sân khấu, Lệ Thuỷ kết hợp ăn ý với nghệ sĩ Minh Phụng. Còn trên thị trường đĩa, bà và nghệ sĩ Minh Cảnh tạo thành một đôi ăn ý. Nữ nghệ sĩ nói, bà rất cảm ơn nghệ sĩ Minh Cảnh vì đã mang đến những điều đặc biệt trong sự nghiệp.

“Tôi hát với anh Cảnh rất nhiều. Bây giờ, đi đến đâu nhắc Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà... họ vẫn nhớ Lệ Thuỷ, Minh Cảnh” - nữ nghệ sĩ chia sẻ.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI