COVID-19: "Ngộ nhận" Đông - Tây và các tin giả

13/03/2020 - 08:00

PNO - Khi số bệnh nhân dương tính với COVID-19 tăng vọt, sự lúng túng bộc lộ rõ ở nhiều nước là do chưa hiểu biết hết về vi-rút này.

Dịch bệnh diễn biến khó lường, thông tin về COVID-19 đã “đốt nóng” cộng đồng từ trên mạng cho đến ngoài đời. Nhưng chuyện về “bệnh nhân thứ 32” của Việt Nam phải thuê chuyên cơ riêng bay về nước để được cách ly, điều trị đã gây ra nhiều ngộ nhận tai hại, đi kèm những tin rác. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Phạm Chí Kiên - hiện đang sống và làm việc tại Pháp - để có thêm cái nhìn từ người đang làm công tác chuyên môn tại châu Âu. Bác sĩ Kiên nói:

- Ngay từ đầu mùa dịch, tôi luôn nhắc rằng hãy nghi ngờ, hãy cẩn thận. Tôi nói lên sự nghi ngờ nhiều quá khiến không ít người khó chịu, cho rằng tôi gây hoang mang. Nhưng cuối cùng, tất cả những điều đó đang diễn ra. Những người cho rằng tôi gây lo lắng thái quá đã “trốn mất”. Hiện tượng đó chứng tỏ sự chủ quan trong cả người dân lẫn nhân viên ngành y tế, mà có lẽ chỉ một số thôi. 

Bác sĩ Phạm Chí Kiên
Bác sĩ Phạm Chí Kiên

Không có khác biệt nào cả

Phóng viên: Điều đó, cộng với diễn biến mới của dịch bệnh cho thấy một sự lúng túng đáng kể từ Đông sang Tây, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Phạm Chí Kiên: Mấy hôm nay, khi con số bệnh nhân tăng vọt lên, sự lúng túng bộc lộ rõ ở nhiều nước là do chưa hiểu biết hết về vi-rút này. Có thể người ngoài ngành y không thể cảm nhận hết tâm trạng của bác sĩ Daniele Macchini - đang làm việc tại một bệnh viện đa khoa tư nhân ở thành phố Bergamo, tâm dịch COVID-19 của nước Ý - nhưng tôi thì hiểu đó là sự khủng hoảng tinh thần của chính nhân viên y tế.

Ông ta đã viết: “Giờ hãy giải thích cho tôi có loại vi-rút cúm nào có thể gây ra sự tàn phá nhanh chóng như thế. Và trong khi vẫn có những người huênh hoang rằng họ không sợ hãi bằng cách lờ đi tất cả những chỉ dẫn vì cuộc sống thường nhật của họ tạm thời bị xáo trộn thì một thảm họa dịch tễ đang xảy ra”. 

Hoặc mẩu tin ngắn về các bác sĩ đang điều trị cho “bệnh nhân thứ 32” tại TPHCM cũng cho thấy sự lúng túng đó. Thông thường, một ca bệnh lý trước khi bước vào điều trị đều có một cuộc hội chẩn đa chuyên khoa để vạch ra kế hoạch điều trị. Nhưng với COVID-19, người ta không làm được như thế, bởi ngành y bị động. Chỉ đến khi xuất hiện biến chứng, chúng ta mới vội vàng mời hội chẩn.

Qua đó, tôi kêu lên rằng, sẽ là lợi bất cập hại, nguy hiểm cho cộng đồng nếu phát ngôn “trấn an” điều mà chúng ta chưa biết tường tận. Sự chủ quan của cộng đồng từ các phát ngôn dạng này sẽ là không nhỏ đâu. Hãy tuyên truyền và hướng dẫn người dân phòng tránh dịch bệnh từ những việc nhỏ nhất như rửa tay cho đến những việc lớn như khai báo y tế, tự cách ly chứ đừng “mê hoặc” người đọc bằng những bài viết khiến người ta chủ quan với bệnh dịch.

* Từ trường hợp “bệnh nhân thứ 32” phải về nước điều trị, xuất hiện những tranh cãi về cái gọi là khác biệt giữa châu Âu và châu Á trong cách phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là COVID-19. Có ý kiến cho rằng, tư duy chống dịch của phương Tây đã có từ rất lâu, các nước điển hình như Đức và Anh hiện nay đang chủ động cho lây lan diện rộng để cho phép tạo ra miễn dịch cộng đồng nhanh nhất và tỷ lệ tử vong thấp nhất. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi thực sự không hiểu sự tranh cãi này, vì tôi không thấy sự khác biệt nhiều, cụ thể là giữa Pháp và Việt Nam chẳng hạn. Ở Pháp, việc phân loại bệnh cũng tương tự như của Việt Nam, cụ thể là trường hợp nghi ngờ, trường hợp có nguy cơ nhiễm, trường hợp được khẳng định nhiễm bệnh, trường hợp những người cùng tiếp xúc với người đã nhiễm bệnh trong cùng một khu vực sống như hàng xóm, cùng chỗ làm nhưng khác văn phòng, trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh...

Bằng cách phân loại trên, người ta có thể đưa ra các biện pháp cách ly khác nhau. Việc xử trí dịch ở Pháp hay Việt Nam cũng không khác nhau nhiều. Khác nhau chỉ là tiện nghi dành cho bệnh nhân và việc cách ly tại nhà ở Việt Nam có khác hơn. Riêng trường hợp bệnh nhân bên Anh được cho về nhà bằng chuyên cơ của gia đình, theo tôi, có thể khi ở Anh, họ được xếp vào nhóm nghi ngờ có bệnh, nên phía Anh cho phép xuất cảnh về trên máy bay riêng, cách ly riêng và khi về đến Việt Nam mới được làm xét nghiệm, khẳng định nhiễm SARS-CoV-2.

Nói về miễn dịch cộng đồng, theo tôi, đó là một suy nghĩ gán ghép, lấy Anh và Đức ra làm ví dụ. Thực ra, số bệnh nhân tử vong không hẳn đã liên quan đến phương cách xử lý dịch, bởi tỷ lệ tử vong do bệnh này còn phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, cơ địa, các bệnh lý đi kèm, đặc biệt là những bệnh mãn tính, bệnh làm suy giảm miễn dịch... Thực chất, miễn dịch cộng đồng chỉ là mô hình tính toán mà các nhà toán học đặt ra, giúp bạn hình dung về sơ đồ của sự miễn dịch. Thực tế phức tạp hơn nhiều, trong đó, phải nói đến việc chích ngừa bằng vắc-xin.

Riêng  dịch bệnh COVID-19, lại là một vấn đề khác. Vi-rút gây bệnh hoàn toàn mới, tiếp xúc với nó là một cộng đồng chưa hề có sự gặp gỡ gây bệnh, tức là cộng đồng chưa hề có kháng thể. Chúng ta lại chưa có vắc-xin đặc hiệu. Cho nên, chưa thể có khái niệm miễn dịch cộng đồng trong trường hợp này. Người Anh hay người Đức cũng vậy, chẳng có miễn dịch cộng đồng nào cả, tỷ lệ tử vong của họ cũng chẳng liên quan đến miễn dịch, ít nhất là trong đợt dịch này.

Hôm 11/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước quốc dân sau ca nhiễm thứ 1.784 được ghi nhận, với 33 trường hợp tử vong. “Chúng ta chỉ mới bắt đầu với dịch bệnh này…”, ông nói trong bối cảnh 372 ca nhiễm mới được xác nhận chỉ trong 24 giờ - Ảnh: The Connexion France
Hôm 11/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước quốc dân sau ca nhiễm thứ 1.784 được ghi nhận, với 33 trường hợp tử vong. “Chúng ta chỉ mới bắt đầu với dịch bệnh này…”, ông nói trong bối cảnh 372 ca nhiễm mới được xác nhận chỉ trong 24 giờ - Ảnh: The Connexion France

* Như vậy, việc nói chống dịch kiểu của Tây chuẩn hay của ta chuẩn đều không đúng trong mùa COVID-19 này?

- Thực tế, như tôi đã nói, chẳng có gì khác, cũng không thể nói Tây hay ta chuẩn, bởi các hiểu biết của khoa học quốc tế về vi-rút này vẫn chưa hoàn thiện. Mà khi chưa hoàn thiện thì chúng ta đều đang phải chạy theo nó. Nói cụ thể, khi chưa có vắc-xin, chưa có thuốc đặc hiệu thì không thể nói đâu là chuẩn cả, chỉ có điều trị triệu chứng do căn bệnh gây ra thôi.

Việc công bố “đại dịch toàn cầu” mang ý nghĩa tích cực

* Về vấn đề tự biến chủng, có thông tin nói Italy đã xác định đồng thời có bốn biến chủng của vi-rút SARS-CoV-2 khác với chủng vi-rút được xác định tại Vũ Hán, Trung Quốc. Thực hư thông tin này như thế nào? Và có ý kiến cho rằng SARS-CoV-2 biến chủng không có gì to tát cả vì nó vẫn thuộc chủng mà nó khởi phát như kiểu “nằm trên nhiều nhánh của một cây”. Xin bác sĩ cho biết quan điểm của mình?

- Trong tài liệu cập nhật lúc 19g30 ngày 11/3 (giờ Pháp) về COVID-19 trên trang web của chính phủ Pháp, tôi vẫn không thấy nói gì đến việc “biến chủng” này. Tôi cũng chưa tìm thấy tài liệu gốc nào nói về vấn đề này. Tuy nhiên, theo tôi, việc dùng từ “biến chủng” là chưa chính xác. Không thể có chuyện từ con corona chuyển thành con BMW hay con Mercedes được. Nó vẫn là con corona nhưng đột biến đi mà thôi. Dù chưa có xác nhận của bất cứ trung tâm nghiên cứu nào về sự đột biến này nhưng nếu nói “không có gì to tát” lại sai nặng hơn. Bởi nếu vi-rút này cứ liên tục đột biến thì đó là cả một vấn đề nan giải cho các nhà nghiên cứu tìm kiếm và sản xuất ra vắc xin.

Khai báo y tế bắt buộc tại cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất TPHCM - Ảnh: Quốc Ngọc
Khai báo y tế bắt buộc tại cửa khẩu hàng không Tân Sơn Nhất TPHCM - Ảnh: Quốc Ngọc

* Lại có thông tin cho rằng, các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện vi-rút này có thể sống trong không khí ít nhất 30 phút và di chuyển xa đến 4,5m, tức xa hơn “khoảng cách an toàn” mà ngành y khuyến cáo?

- Tôi cố gắng tìm hiểu nhiều thông tin nhưng không thấy những chi tiết như thế. Vẫn chỉ là hướng dẫn khoảng cách tiếp xúc với bệnh nhân trong vòng 1m, mặt đối mặt, cùng với khuyến cáo khi tiếp xúc bệnh nhân, phải mang khẩu trang. Cũng cần nói thêm, việc mang khẩu trang đối với trẻ nhỏ là một việc rất khó khăn. Đó là lý do Pháp cho trẻ em nghỉ học, thậm chí cha mẹ nghỉ ở nhà trông con cũng vẫn được trả lương. 

* Cho rằng vi-rút này chỉ gây tử vong ở người lớn tuổi là một thái độ chủ quan, thưa ông?

- Xin nhắc lại, tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiều yếu tố như tuổi tác, cơ địa, các bệnh lý đi kèm, nên có những ca nhiễm bệnh có biểu hiện nặng dẫn tới tử vong, có những ca biểu hiện nhẹ rồi khỏi, có những ca phải can thiệp y khoa đặc biệt, có những ca không phải can thiệp đặc biệt. Tôi không nghĩ vi-rút này biết chọn người già để gây bệnh.

Cần xem lại ý kiến nói rằng “số đối tượng nhiễm cao thì tỷ lệ tử vong cao”. Số liệu này phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có sự khác nhau giữa các quần thể dân số. Ví dụ, tỷ lệ người già ở Pháp cao, người mang bệnh mãn tính cao thì khả năng tử vong cao, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Điều này chắc phải chờ những thống kê dịch tễ sau vụ dịch này.

* Đến đêm 11/3 (giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới công bố COVID-19 là “đại dịch toàn cầu”. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa bác sĩ?

- Rõ ràng, đây là sự chậm trễ, nhưng vẫn có thể mang ý nghĩa tích cực hơn. Khi WHO chính thức tuyên bố giai đoạn đại dịch, 196 quốc gia thành viên của tổ chức này phải tuân thủ Quy định sức khỏe quốc tế (IHR). Đó là một thỏa thuận bắt buộc các quốc gia thành viên của WHO phải hợp tác vì lợi ích của an ninh y tế toàn cầu. Nói một cách cụ thể, các quốc gia này cam kết tăng cường năng lực của họ trong việc phát hiện, đánh giá và thông báo về các sự kiện y tế công cộng, đưa ra các biện pháp đặc biệt tại các cảng, sân bay và đồn biên phòng để hạn chế sự lây lan của vi-rút. Khi công bố “đại dịch”, nếu WHO yêu cầu nước nào đó phải đóng cửa biên giới với quốc gia khác thì phải thực hiện chứ không được ỡm ờ như trước. 

* Xin cảm ơn ông. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI