COVID-19 đợt 2: Sợ hãi suông là điều đáng sợ nhất!

03/08/2020 - 06:46

PNO - Trong cánh cửa kính, Nô đứng chồm tới nói to lên: “Không mở cửa đâu! Vi-rút cô dô na Nô sợ lắm!”. Ngoài cửa, bọn con nít cũng rướn người, xếp một hàng những gương mặt nhỏ xíu dán chặt lên cửa kính. Tụi nó thi nhau nói: “Nhà Nô bị dính vi-rút rồi!”.

 

Đó là cách Mai tường thuật cho tôi qua video call khi tôi nhắn hỏi “tình hình ngoài Đà Nẵng sao rồi”. Nô 4 tuổi, là con gái của Mai. Cánh cửa kính đóng chặt đó là cách gia đình Mai “cách ly xã hội” từ ngày 27/7 theo chỉ đạo của Thủ tướng với TP. Đà Nẵng. Từ bấy đến nay, ngày nào bọn trẻ con hàng xóm cũng đòi phá cửa xông vào. Bây giờ đang là mùa hè, tụi nhỏ không phải đi học.

Những “khán giả” của COVID-19

Người dân Đà Nẵng chen nhau vào mua hàng trong một tiệm bánh - Ảnh: Lê Đình Dũng
Người dân Đà Nẵng chen nhau vào mua hàng trong một tiệm bánh - Ảnh: Lê Đình Dũng

Có một quy định nghiêm ngặt hơn cả sự sắp xếp của lớp học đang áp xuống thành phố này. Đường phố Đà Nẵng vắng tanh vì cách ly xã hội. Nhưng, các khuyến cáo cách ly không chạm được đến bọn trẻ. Mai là nhân viên một quán cà phê ở Hội An. Chồng Mai lái xe cho một sân golf ở Đà Nẵng. Từ ngày cách ly xã hội, cả nhà tự cách ly, đóng cửa hoàn toàn để tránh gieo rắc cho hàng xóm nguy cơ của những người vốn làm công việc tiếp xúc nhiều. Nhưng, hàng xóm không tránh Mai.

 Trong video call, tiếng karaoke vọng vào từ đâu đó. Mai mệt mỏi nói: “Cả dãy trọ phía sau tụ bạ làm gà làm vịt nhậu miết. Nhức đầu!”. Dãy trọ phía sau là nhà của những đứa trẻ đang đòi tung cửa vào nhà Mai. Bố mẹ của chúng đang xúm xít tận hưởng những ngày nghỉ hiếm có của đời công nhân.

Đà Nẵng trở thành tâm dịch là điều mà 10 ngày trước, không ai ngờ. Ngay cái đêm được tin có ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, người ta bàng hoàng không biết những người miền Trung chỉ chịu tin vào Bệnh viện Đà Nẵng, nếu giờ gặp chuyện nguy kịch, họ đi đâu? Nhưng, đó vẫn là một nỗi lo cục bộ.

Ngay hôm sau, con số các bệnh viện cần phong tỏa ở Đà Nẵng tiếp tục tăng lên. Những bệnh viện tên tuổi nhất hầu như đều đã “vào sổ”. Từ Bệnh viện Đà Nẵng, những bệnh nhân, thân nhân tiếp tục về nhà, ghé chợ, cây xăng, quán ăn, quán cà phê, vào TPHCM, ra Hà Nội, đi dự đám cưới, đi làm, rồi đi những bệnh viện khác… Hàng loạt nơi trở thành F1. Hàng loạt ca bệnh được phát hiện. Các điểm bị phong tỏa không còn khiến dư luận bàng hoàng nữa, vì nó quá nhiều. Lịch sử dịch tễ của mỗi bệnh nhân đều “đồ sộ” những cái tên, những lượng người tiếp xúc. 

Có địa điểm ngày trước còn là “hôn trường”, ngày sau đã là khu vực lây nhiễm. Khi một “ổ dịch” được phát hiện thì đã có các “ổ dịch vệ tinh” được tạo ra. Những gì đang diễn ra có lẽ đã thuộc về một kịch bản tồi tệ nhất mà trước “mốc 99 ngày” người Việt có thể hình dung. Trong ma trận dịch bệnh, Việt Nam không còn vị thế chủ động của người ráo riết truy tìm F0 (truy ngược lại điểm khởi phát của nguồn lây để dập dịch). Những ngày gần đây, ta bị bủa vây với những ca bệnh phát sinh, những ổ dịch phát sinh. Việc truy tìm F0 đã trở thành một điều gì đó quá “sang trọng” và không còn giá trị chống dịch trong bối cảnh lây lan cộng đồng.

“Tình hình căng hơn trước nhiều”, “giờ ngoài đường không còn biết ai là người nghi nhiễm”. Ý thức về sự căng thẳng của dịch bệnh lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng. Nhà nhà, người người liên tục cập nhật tin về dịch bệnh. Tin dịch bệnh tràn khắp các mặt báo. Trong chợ, trong tiệm làm tóc, ngoài hàng ăn, người ta liên tục nói về những con số. Số hàng chục dành cho lượng bệnh nhân được công bố mỗi ngày. Số hàng trăm dành để định danh từng bệnh nhân. Căng thẳng và sôi nổi. Dịch bệnh đã trở lại và lợi hại hơn xưa. Cảm xúc của người dân căng dần cùng kịch bản khó đoán và ngày càng kịch tính. Nhưng lạ một điều, họ không còn là “nhân vật”, mà như đã tự trở thành “khán giả”.

Gọi là “khán giả”, bởi người trong dịch bệnh không túm tụm lại để hốt hoảng, kinh sợ dịch bệnh. Gọi là “khán giả”, bởi họ có thể có tất cả những cảm xúc, thảng thốt, lo sợ của dịch bệnh - nhưng không có hành vi của người sống trong dịch bệnh. Phố xá vẫn đông. Hàng quán tấp nập. Siêu thị chen chân. Ở TPHCM, hễ gặp nhau, người ta lại “kiểm dịch” bằng câu hỏi: “Có từ Đà Nẵng về không?”. Nếu không, thì xem như vô hại. 

Khi con hẻm trên đường Hoàng Ngân (phường 16, quận 8, TPHCM) bị phong tỏa vì bệnh nhân 450 từng ghé qua, ở con xóm bên ngoài hàng rào cách ly, những người đàn ông vẫn tụm lại đánh cờ, không khẩu trang. Khung cảnh tương tự diễn ra ở đường Lê Hữu Trác (TP. Đà Nẵng), những người hàng xóm vui vẻ kê bàn khề khà trà nước - dù con hẻm gần đó nối với chợ An Hải Đông đã được phong tỏa từ 28/7 vì liên quan đến bệnh nhân 434.

Dưới chân một chung cư ở P.6, Q.8, TP.HCM trong những ngày Đà Nẵng cách ly xã hội - Ảnh: Đức Tùng
Dưới chân một chung cư ở phường 6, quận 8, TPHCM trong những ngày Đà Nẵng cách ly xã hội - Ảnh: Đức Tùng

Một vài nơi kích hoạt lại quy định đo thân nhiệt, đeo khẩu trang ngay lối vào; nhưng phản xạ của người dân đã không còn như trước. Tại một đám tang, một người tỏ ra ngại ngùng vì vừa húng hắng ho thì lập tức được trấn an: “Cô dích (COVID-19 - PV) ở Đà Nẵng lận mà!”.

Nguy nan vì “có kinh nghiệm”

Có thể nói, dịch bệnh tái xuất và những diễn biến căng thẳng của nó đã không thay đổi mấy về hành vi sống của người dân - trừ những địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16. Tạm chọn mốc “99 ngày” để phân biệt hai đợt dịch COVID-19 tấn công Việt Nam. Còn nhớ, đợt trước 99 ngày, mỗi ca COVID-19 được công bố là người dân một phen “tự tăng cường giãn cách”. Các biện pháp phòng dịch cùng lời kêu gọi, khuyến cáo, hiệu triệu liên tục phát ra từ các cơ quan truyền thông.

Người dân thực hiện “xem mọi người khác đều như người nghi nhiễm”, giãn cách tuyệt đối. Các công ty sẵn sàng cho nhân viên sống cùng xóm, cùng khu phố, thậm chí là… cùng quận với người bệnh được làm việc tại nhà để phòng dịch. Trước “99 ngày”, nguy cơ lây nhiễm là điều mà người ta ưu tiên dành mọi nỗ lực để triệt tiêu.

Còn sau 99 ngày, thông tin về dịch bệnh trên báo chí dù sinh động nhưng cũng chỉ đơn thuần đưa tin và nhận định diễn biến dịch. Các thông tin tuyên truyền, kêu gọi người dân phòng dịch dường như đã là… đề tài cũ, không ai mặn mà.

Ngay giữa tâm dịch Quảng Nam, một nhân viên giao hàng là F2 của bệnh nhân 526 khi xin tạm nghỉ việc đã bị vị quản lý công ty yêu cầu “giải trình, cung cấp bằng chứng”.

Hay ở Đà Nẵng, sau khi phát hiện và công bố ca bệnh thứ 418, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân 509 với triệu chứng sốt vẫn chỉ định điều trị ngoại trú. Để trên đường về bệnh nhân này tiếp tục ghé khám ở Trạm Y tế xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), biến nơi này thành F1.

Ở đợt 1, khi corona là cái gì đó mới rộ lên ở Vũ Hán thì ê-kíp tiếp nhận ông Li Ding ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã lập tức nghĩ ngay đến dịch bệnh, và thực hành quy trình phòng dịch. Nhưng, cũng là Chợ Rẫy, ở đợt 2, bệnh nhân 449 lại lọt lưới sàng lọc ở đây như đã từng lọt lưới ở hàng loạt bệnh viện trước đó.

Sau 99 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, COVID-19 đã bị loại khỏi nỗi lo lắng của cả những đội ngũ y khoa kinh nghiệm nhất với nó, cũng như nó đã bị loại khỏi não trạng quản lý của công ty giao hàng nọ. Bệnh viện bỏ qua quy trình sàng lọc dịch bệnh là đã rõ. Và việc công ty đòi hỏi một người tự nguyện khai mình có yếu tố dịch tễ phải cung cấp bằng chứng là điều trái ngược với tinh thần sàng lọc dịch bệnh.

Nhưng, điều này dễ hiểu với một doanh nghiệp đang thấy nguy cơ thiếu hụt nhân sự, rối loạn quy trình công ty là cấp thiết hơn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Còn bệnh viện vốn có quá nhiều quy trình, tiêu chuẩn và nhiệm vụ cấp thiết để phải ráo riết thực hiện trong những ngày bình thường. Tất cả những “bất thường” này đều có thể được hiểu bằng lý lẽ của một cộng đồng vừa quá mệt mỏi sau đợt “nghiêm túc giãn cách” và 99 ngày vật lộn để tái lập cuộc sống bình thường. Diễn biến này là dễ hiểu, nhưng nó hoàn toàn đối lập với lý lẽ phòng dịch. Sau 99 ngày, người ta có quá nhiều mục tiêu, nhiều lý lẽ để hành động, ngoài lý lẽ của việc phòng ngừa COVID-19.

Chuyến hàng cuối cùng của người đàn ông bán ve chai trước khi Đà Nẵng thực hiện Chỉ thị 16 - Ảnh: Lê Đình Dũng
Chuyến hàng cuối cùng của người đàn ông bán ve chai trước khi Đà Nẵng thực hiện Chỉ thị 16 - Ảnh: Lê Đình Dũng

Trước và sau 99 ngày là khoảng cách vời vợi của tâm thế phòng dịch nơi người Việt. Có thể nói, chúng ta đã quên. Những công dân nghiêm túc cùng Chính phủ dập dịch mùa trước giờ đã khá lơi lỏng. Tâm thế khác, thái độ khác, chắc chắn sẽ tạo ra một số phận khác. 

Chúng tôi điểm lại những tình tiết lạ lùng đến xót xa trong những diễn biến dịch bệnh mới nhất này, không nhằm chỉ trích. Nhưng, trước cơn sóng dữ của COVID-19 cùng nhiệm vụ chống dịch đã cam go hơn bội phần - ta không được quyền xuê xoa hay bỏ qua bất kỳ một cơ hội nào để học và rút kinh nghiệm. Dịch bệnh khốc liệt sẽ không cho ta nhiều lần được học. Với phản xạ của một đội ngũ có nghề, các bệnh viện chắc chắn đã rút ra được những bài học đáng giá từ những diễn biến vừa qua.

Nhưng còn cộng đồng - chủ thể có tính quyết định trong mọi công cuộc chống dịch - dường như vẫn chưa có được những cú hích đáng kể để tái khởi động tinh thần phòng dịch. Họ vẫn lo sợ, vẫn biết nguy cơ lây nhiễm, vẫn nhìn thấy hết những bi kịch nước bạn như đã từng thấy và từng bị cảnh báo ở đợt 1. Nhưng dường như, tâm thế của những người “từng trải” đã phần nào được bọc lót bởi sự chủ quan mơ hồ của một kẻ “có kinh nghiệm”. Điều này không phải là một nét đáng trách của bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp nào. Mà quan trọng hơn, nó là một tâm lý nguy hiểm của cả cộng đồng. Cả cộng đồng còn đang thụ động, còn đang thờ ơ “chờ xem” như những kẻ ngoại cuộc.

Cần xem thành công cũ như một động lực, một ngọn hải đăng để lần nữa hướng tới. Thành công cũ không bảo chứng cho số phận chung cuộc. Cần hiểu, khi đường còn dài, còn cam go và ta không có thời gian để “nghỉ mệt”, không được phép ngồi nhìn, chờ đợi hay sợ hãi suông. Thành công của đợt 1 là của toàn bộ công dân đang sống trên lãnh thổ nước Việt.

Và thử thách, nhiệm vụ lần này, cũng không loại trừ một ai trong số đó. Một người vô ý, một phút xuê xoa có thể hủy diệt tâm sức, tài lực và sự hy sinh của cả cộng đồng. Khi mầm bệnh vẫn đang âm thầm len lỏi - thì những bữa tụ bạ nhậu nhẹt, những sự thụ động, thờ ơ ngoài cộng đồng… sẽ không chỉ “nhức đầu” thuần túy như lời của người hàng xóm tên Mai ở Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng. Mà, đó là con đường của mọi thảm họa vỡ trận COVID-19 đã được kiểm chứng ở rất nhiều quốc gia. 

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI