Con rể “không ưng” mẹ vợ

09/06/2025 - 18:00

PNO - Có nhiều cách thương con, thương cháu nhưng mình cần có cách phù hợp.

Cô Hạnh Dung kính mến,

Tôi 65 tuổi, đã có dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại đề huề. Thương con gái và 2 đứa cháu ngoại còn nhỏ, nhất là con bé út còn học mẫu giáo, tôi vẫn hay từ quê lên thành phố chăm sóc cháu. Để con khỏi tốn tiền thuê người giúp việc, tôi đảm đương hầu hết việc nhà, cả nấu ăn, giặt giũ, dạy cháu học hành.

Con rể lớn hơn con gái tôi gần chục tuổi nên tính tình khá khó khăn. Gần đây, không hiểu có phải do tôi cả nghĩ mà tôi thấy con rể có vẻ khó chịu với sự có mặt của tôi trong nhà. Tôi nấu ăn theo kiểu miền Nam, con rể là người gốc Bắc nên chắc không vừa miệng, thường ăn rất ít. Mỗi khi tôi bài trí xếp đặt đồ đạc trong nhà không đúng ý, con rể không nói gì nhưng sau đó hình như vợ chồng cãi nhau. Chuyện con bé út cứ quấn lấy tôi, rồi cách tôi dạy cháu cũng không vừa ý con rể.

Tôi rất khó xử, bỏ về thì tội con, tội cháu mà ở lại thì không biết làm sao cho vẹn toàn. Tôi không dám than thở với chồng, sợ chồng làm lớn chuyện vì từng cảnh báo tôi già rồi không lo nghỉ ngơi còn đi “làm dâu ngược” cho con. Mong cô cho tôi lời khuyên.

Nguyệt Nga (Vĩnh Long)

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet


Cô Nguyệt Nga kính mến,

Đọc thư, Hạnh Dung hết sức chia sẻ với nỗi lòng của cô khi rơi vào tình huống không vui như vậy. Tuy nhiên, chuyện này không đến mức khó xử. Có lẽ tình thương con cháu, thói quen hy sinh vì người khác đã ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều phụ nữ, trong đó có cô, nên cô mới ôm đồm tự làm khó mình bằng những việc không thuộc bổn phận một người mẹ, người bà.

Cô tự nguyện làm hết việc nhà, nuôi dạy cháu bởi nghĩ rằng làm như thế con mình rảnh tay, cháu mình sung sướng. Vậy nhưng, việc đó chưa hẳn là tốt với con gái cô. Cô làm thay đồng nghĩa với tước đi vai trò, trách nhiệm người vợ trong gia đình của con gái. Người chồng nào cũng thích vợ mình thật sự là hậu phương vững chắc; là người quán xuyến trong ngoài, giữ lửa cho tổ ấm gia đình. Sống trong nhà riêng của mình nhưng vợ thì “từ chối” vai trò nữ chủ nhân, thay vào đó mẹ vợ lại ôm đồm mọi thứ, thiết nghĩ con rể cô cũng rất khó xử.

Thử lấy ví dụ: nếu là vợ nấu ăn, khi không vừa miệng, chồng có thể dễ dàng góp ý. Còn mẹ vợ nấu, dẫu ăn không vô, con rể làm sao dám mở miệng? Nếu lâu lâu cô lên chơi vài ngày, nấu vài bữa ăn, có lẽ con rể sẽ giữ lễ mà vui vẻ. Nhưng khi mọi việc lặp đi lặp lại, rất khó đảm bảo anh ta sẽ khách sáo mãi được. Thái độ im lặng, có phần khó chịu của con rể cô cũng có nguyên nhân.

Chuyện chăm cháu, dạy cháu cũng vậy. Chưa hẳn con rể không ưng cách cô làm mà thật ra anh ta đang không ưng việc vợ mình vắng bóng trong hầu hết vai trò mà lẽ ra cô ấy phải đóng vai chính. Dẫu cô có thương con, có làm tốt hơn con, nhưng trong mái nhà của vợ chồng con, cô vẫn chỉ nên giữ vai phụ. Chưa kể việc cô quán xuyến hết việc trong nhà lẫn chăm sóc, nuôi dạy các cháu sẽ làm cho con gái cô ỷ lại, không tự lập được. Thái độ, cách ứng xử của con rể cô chưa khéo léo nhưng có lẽ cô nên nghĩ sâu hơn một chút để tìm ra nguồn cơn sự việc.

Chồng cô nói đúng, ở tuổi này, cô có quyền nghỉ ngơi, sống cho mình, cùng chồng tận hưởng những tháng ngày thư thả sau nhiều năm làm lụng, nuôi con vất vả. Trong thư, cô không nhắc tới con gái nhưng có vẻ cô ấy khá vô tâm, vô tư khi không có hành động, việc làm, lời nói gì trước mâu thuẫn ngấm ngầm giữa mẹ ruột và chồng mình. Có lẽ cô đã chiếm “sân khấu” của con mình hơi lâu, giờ là lúc cô nhường lại “sàn diễn” cho con.

Có nhiều cách thương con, thương cháu nhưng mình cần có cách phù hợp hơn. Việc của cô bây giờ là về quê sống với chồng, chăm chồng và tìm niềm vui cho bản thân. Thi thoảng nhớ con, cháu, ông bà cùng lên thăm là được. Chúc cô vui, tận hưởng tuổi già ý nghĩa.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI