Mẹ vợ đổ bệnh vì bị con rể coi thường

06/04/2022 - 09:00

PNO - Anh nói rất nhớ vợ con nhưng sẽ đợi mẹ bình tĩnh hơn mới trở về và xin mẹ tha lỗi, tránh để mẹ đau lòng khi thấy anh trong lúc này.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em 37 tuổi, chồng em 42. Tụi em kết hôn cách đây hai năm.

Anh tự lập từ năm 18 tuổi. 22 tuổi anh mới thi đại học, tự lo liệu mọi thứ cho đến khi học lên thạc sĩ và trở thành một người thành đạt. Nhưng bên cạnh sự tự hào về bản thân, anh rất hay chê bai người khác, đặc biệt là gia đình em. 

Ba mẹ đều làm giáo viên. So với anh, em có xuất phát điểm ổn hơn, nhưng bây giờ em “vẫn chỉ là nhân viên văn phòng”. Mỗi lần nhắc đến các em vợ, anh đều bẻ lái câu chuyện sang hướng “có điều kiện mà không biết phát triển”. Anh chê ba mẹ em có học thức mà không biết định hướng cho con cái. Em tự nhủ mình nên thông cảm một phần tính cách của anh.

Chuyện trở nên phức tạp hơn khi em sinh con đầu lòng, và anh phải cùng em về ở bên ngoại. Anh xung đột với mẹ em về cách chăm sóc em bé. Khi đang tranh cãi, anh nói: “Mẹ xem sản phẩm nuôi dạy của mẹ có bằng ai không?”. Mẹ em mất bình tĩnh và đuổi anh ra khỏi nhà. Trước khi đi, anh có xin lỗi mẹ vì đã hỗn, nhưng mẹ em không tha lỗi.

Từ đó đến nay đã một tuần. Mẹ em vì giận anh mà đổ bệnh. Mẹ không nói chuyện với bất kỳ ai. Anh mỗi ngày vẫn nhắn tin hỏi thăm em, và bày tỏ ân hận vì quá lời với mẹ.

Anh nói rất nhớ vợ con nhưng sẽ đợi mẹ bình tĩnh hơn mới trở về và xin mẹ tha lỗi, tránh để mẹ đau lòng khi thấy anh trong lúc này. 

Nhưng em khá lạnh nhạt. Phần vì em thương mẹ, và phần khác là vì em hiểu sự hỗn láo của anh là do sự hợm hĩnh, coi thường nhà vợ. Em rối rắm và khổ sở vô cùng.

Hải Phương (Q.7, TP.HCM)

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Hải Phương mến,

Chồng em đang chân thành nhận lỗi. Chính vì vậy, em không nên dùng những cảm xúc cũ (với sự chê bai hằng ngày của chồng) để phán xét anh ấy trong xung đột lần này.

Thay vào đó, em có thể tiếp nhận sự thành tâm và đối thoại để tìm hiểu, để anh ấy nói nhiều hơn về cảm xúc của mình, và cũng có thể là để chính em được chia sẻ cảm giác của mình khi anh ấy không tôn trọng nhà vợ.

Hạnh Dung rất hiểu nỗi khổ tâm của em khi phải thường xuyên nghe người chồng thành đạt chê bai nhà mình. Nhưng rất có thể, đó là biểu hiện của một mặc cảm nào đó bên trong anh ấy. 

Hãy nhân lúc chồng em hướng thiện để giúp anh ấy hóa giải tính xấu này. Hạnh Dung biết chuyện này không dễ bởi chính em cũng ác cảm với chồng. Lại thêm, tâm lý sau sinh sẽ khiến em thấy nặng nề hơn với những chuyện tiêu cực. Nếu thấy không muốn nói chuyện với chồng, hãy đề nghị anh ấy cho em một thời gian để tĩnh tâm.

Trong thời gian ấy, em hãy suy nghĩ về chuyện này theo hướng Hạnh Dung phân tích bên trên. Khi đã thông cảm với chồng, cảm thấy nhẹ nhõm hơn, em có thể bắt chuyện, đối thoại thật chân thành để cùng nhau chia sẻ về cảm giác của mình. Khi đã hiểu chồng hoàn toàn, em mới có thể giúp anh ấy xin lỗi mẹ.

Bất kỳ gia đình nào cũng có thể rơi vào cảnh ngộ tương tự khi có xung đột về chăm sóc con trẻ. Nhưng khi ta hiểu mình, hiểu và thương đối phương, khó khăn sẽ qua. Nuôi một em bé không đơn giản - hành trình này cần nhiều yêu thương, nhất là tình yêu thương giữa những người lớn với nhau.

Hạnh Dung tin rằng bằng sự yêu thương của một người mẹ, em sẽ sớm tìm lại được cảm hứng để chữa lành xung đột. 

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI