Con loét miệng 2 năm, mẹ lo bị ung thư

22/10/2017 - 05:30

PNO - Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng-Hàm-Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cảnh báo, nhiều phụ huynh nghi ngờ con bị bệnh lý ác tính do các tổn thương lâu lành ở vùng răng miệng.

Tuy nhiên, bác sĩ phát hiện nguyên nhân xuất phát từ việc chải răng sai phương pháp.

Dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý nguy hiểm

Mới đây, bé trai T. B. A., tám tuổi, (Q.7, TP.HCM) được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám, hoang mang vì nướu phía trên, bên phải của bé bị loét đỏ hai năm nay. Gia đình từng đưa bé đi khám ở phòng mạch nhiều lần, được chẩn đoán viêm nướu, bác sĩ (BS) cho thuốc bôi, uống nhưng tình trạng không thuyên giảm.

Gia đình bé đã nghĩ tới khả năng con bị bệnh lý ác tính vùng răng miệng. Lấy hết can đảm, bà mẹ đề nghị BS cho bé làm sinh thiết vết loét để tầm soát tế bào ung thư. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, BS nhận thấy đặc tính của vùng viêm đỏ không giống bệnh lý ác tính. 

Con loet mieng 2 nam, me lo bi ung thu
 

“Vết loét không có biểu hiện sùi lên như các trường hợp ác tính. Ngoài ra, cổ răng hàm trên phía bên phải của bệnh nhi bị mòn. Tôi hỏi thăm, biết được bệnh nhi thuận tay trái. Mỗi lần chải răng bé thúc mạnh bàn chải, chà ngang mặt răng theo hướng tới lui, tương ứng với vị trí vết loét vùng nướu trên, phía bên phải. Động tác này lặp đi lặp lại hằng ngày không những khiến cổ răng bị mòn mà vết thương cũng không kịp lên da non. Vì thế bệnh nhi bôi thuốc lâu như vậy nướu răng vẫn không lành được”, BS nhận định.

Ông giải thích cho mẹ bệnh nhi, hướng dẫn gia đình giám sát bé chải răng đúng cách. Bên cạnh đó, bé A. được điều trị hỗ trợ thuốc giảm đau, súc miệng bằng dung dịch kháng khuẩn. Mười ngày sau tái khám, vết loét trên nướu bệnh nhi đã lành lại.

Không riêng trường hợp bé A., bé P.N.T., sáu tuổi, cũng đến bệnh viện trong tình trạng niêm mạc miệng bị tổn thương, đau rát tới mức không ăn được. Vết thương còn có mủ. Ban đầu gia đình nghĩ bé T. bị bệnh tay chân miệng nhưng sau vài ngày theo dõi, phụ huynh cho biết ngoài việc đau rát, loét miệng, bệnh nhi không bị nổi bóng nước ở tay, chân hay các dấu hiệu đi kèm.

Con loet mieng 2 nam, me lo bi ung thu
 

Điều tra bệnh sử, các BS phát hiện nguyên nhân do bé T. dùng bàn chải không phù hợp với độ tuổi. Bên cạnh đó, bé chải răng chưa đúng cách làm tổn thương nướu, vùng niêm mạc. Sau khi bị loét miệng, T. càng vệ sinh răng miệng kém vì sợ đau. Từ đó tổn thương vùng miệng càng trầm trọng và kéo dài.

“Điều trị khỏi viêm loét chỉ là chữa phần ngọn. Muốn tình trạng này không tái phát cha mẹ cần quan tâm, giám sát kỹ lúc trẻ chải răng. Khi trẻ bị chảy máu, viêm loét không dùng bàn chải được, phụ huynh cần hỗ trợ con duy trì vệ sinh răng miệng bằng gạc sạch”, BS Đẩu lưu ý.

Đánh răng sai cách, hậu quả không ngờ

Tháng nào BS Đẩu cũng ghi nhận 6-7 trường hợp bị tổn thương răng miệng lâu lành, tới bệnh viện khám vì nghi mắc bệnh lý ác tính nhưng lại do chải răng sai cách. Các bệnh nhi này chủ yếu nằm trong độ từ 2-8 tuổi (hoàn thành đủ răng sữa và đang thay răng vĩnh viễn). 

Sai lầm các bệnh nhi hay gặp khi chải răng là:

- Dùng bàn chải to, không phù hợp với độ tuổi. Lông bàn chải cứng làm tổn thương nướu.

- Có thói quen chải răng tới lui theo chiều ngang quá mạnh, lâu dài sẽ làm tổn thương mô nướu, niêm mạc miệng. 

- Động tác chải theo chiều ngang lặp đi lặp lại gây khuyết vùng cổ răng, nặng hơn sẽ làm răng chết tủy, nhiễm trùng tủy.

- Chải sai cách sẽ không vệ sinh răng được sạch, dẫn tới sâu răng.

Con loet mieng 2 nam, me lo bi ung thu
 

BS hướng dẫn phụ huynh cách chải răng cho trẻ như sau:

- Chọn kích thước bàn chải phù hợp với độ tuổi, lông bàn 
chải mềm.

- Phối hợp nhiều cách chải răng. Chải theo kiểu xoay tròn giúp làm sạch cổ răng. Chải dọc làm sạch thức ăn bám ở kẽ răng. Chải tới lui, chải rung giúp tăng diện tích tiếp xúc của lông bàn chải với mặt răng.

 Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI