Còn đâu “xứ hoa đào”?

29/07/2020 - 10:17

PNO - Tiếp sau ồn ào khu du lịch Núi Quỷ, Đà Lạt lại dậy sóng chuyện phòng trà ca nhạc Cung đàn xưa “chặt chém” du khách.

Tên phòng trà nghe rất hay, rất du dương, rất trữ tình; nhưng “chém” du khách… không “trữ tình” chút nào. Một nhóm khách tám người, phải thanh toán hóa đơn cho một đêm giải trí kiểu phòng trà nhưng tổ chức như một quán cà phê có sân khấu “hát với nhau” gần 2,5 triệu đồng. Kinh doanh thế này khác gì "gài bẫy" du khách, tới một lần, rồi không ai dám ghé lại lần thứ hai. 

Điều đáng nói ở chỗ, khi bị du khách phản ánh cách tính giá trên trời thì chủ phòng trà không tiếp thu, lại quay ra cay cú, kiểu “đã vào phòng trà thì phải chấp nhận”, nếu chê giá mắc “thì đừng vô, hoặc đừng tới nữa”. 

Hóa đơn chặt chém du khách tại Đà Lạt gây tranh cãi mới đây
Hóa đơn "chặt chém" du khách tại Đà Lạt gây tranh cãi mới đây

Người sống tại Đà Lạt và không ít du khách phản ánh phòng trà này cũng như một số phòng trà, quán cà phê ca nhạc khác, từ lâu, đã cấu kết với cánh tài xế taxi để tìm mọi cách đưa du khách tới. Khi khách yêu cầu tới địa điểm A, tài xế sẽ bảo những nơi ấy đã đóng cửa và “giới thiệu” địa điểm B, rồi chở thẳng du khách tới đó. Thật là một thủ đoạn cạnh tranh đơn giản mà hiệu quả.

Tôi từng gắn bó với Đà Lạt một thời gian dài. Đi Đà Lạt như đi chợ mỗi tuần và gần như đặt chân tới hầu hết thắng cảnh của Đà Lạt bằng cách đi bộ, leo những con đường dốc ngược. Nếu mỏi chân, đường còn xa thì đón xe ngựa lốc cốc ngao du nhìn ngắm rừng thông, nhà đồi và “trăm hoa đua nở” dọc hai bên đường, dưới thung lũng sâu.

Thuở đó, đất nước trong tình trạng chiến tranh, Quốc lộ 20 mỗi ngày chỉ vài chuyến xe Minh Trung, một loại xe đò nhỏ giống như taxi - chỉ chở được khoảng tám, chín người vượt 300km từ Sài Gòn lên Đà Lạt trong thấp thỏm, lo âu vì đường bị “đắp mô” phải quay trở về. Nhưng người Đà Lạt xưa đã biết kéo du khách để làm giàu cho mình không chỉ từ thiên nhiên, thắng cảnh, mà còn từ lòng hiếu khách thật sự.

Sau này, giao thông thuận lợi, nhưng Đà Lạt đã thay đổi nhiều theo chiều hướng đi xuống. Người Đà Lạt cũng than phiền, du khách kêu rên, thất vọng về xứ hoa đào của ngày xưa. Điều gì đã làm Đà Lạt thay đổi và mang tiếng đến vậy? Rất nhiều nguyên nhân; do quản lý, tư duy phát triển kém, kể cả quan điểm, chủ trương khai thác du lịch. Nhưng có một vấn đề nổi cộm, đó là “người Đà Lạt xưa” gần như đã được thay thế bằng “người Đà Lạt mới”.

Những hình ảnh bị nhiều du khách pản ứng ở khu du lịch Núi Quỷ
Những hình ảnh bị nhiều du khách pản ứng ở khu du lịch Núi Quỷ

Tôi không muốn "quơ đũa cả nắm", chỉ nói riêng về lĩnh vực kinh doanh du lịch - khai thác, tận dụng một ngành kinh tế không khói mà làm kiểu "con rắn tự ăn dần cái đuôi của mình". Nhiều thắng cảnh bị tàn phá, còn hơn cả nơi hoang phế. Buôn bán, kinh doanh là mũi nhọn kinh tế của Đà Lạt, nhưng lại buông lỏng quản lý để cho các dịch vụ chặt chém du khách. Từ nhà hàng, khách sạn đến những quán ăn bình thường, cứ lợi dụng dịp lễ, tết là tăng giá khủng khiếp. Đà Lạt tắc đường, rồi Đà Lạt lũ lụt. Những chuyện chưa từng xảy ra ở cái thành phố ngàn thông này.

Sau khi dư luận dậy sóng, cơ quan chức năng đã tới kiểm tra cách kinh doanh của phòng trà Cung đàn xưa, xử phạt một số điểm mà đơn vị này đã làm sai quy định. Song, đó chỉ mới giải quyết phần ngọn của vấn đề. Nếu muốn trả Đà Lạt trở về với những tên gọi, danh hiệu của ngày xưa, thì ngoài việc ngăn chặn các kiểu kinh doanh ăn uống chặt chém, giải trí trá hình, cần phải thay đổi tư duy trong quản lý vĩ mô. Nếu không, “xứ hoa đào” có lẽ, chỉ còn trong… truyền thuyết. 

Từ Kế Tường

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • nguyendung 10-09-2020 08:16:00

    rất đồng tình với tác giã về nguyên nhân khiến DL biến tướng mất đi cái vốn có ngày nào.., đó là người DL xưa đã BỊ thay thế bằng người DL ngày nay...!!!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI