Còn COVID-19, còn cần tiêm vắc xin

29/06/2022 - 08:59

PNO - Trong thời điểm vắc xin dư dả và tiêm ngừa thuận tiện như hiện nay, tiêm ngừa là phù hợp cho nhiều người.

Một người quen của tôi đang sống ở Mỹ vừa đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ tư. 

Hỏi sao phải tiêm ngừa khi dịch bệnh ở Mỹ đang được kiểm soát khá tốt, người này trả lời: “Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyên người lớn tuổi nên tiêm để tăng cường miễn dịch, nếu chẳng may nhiễm bệnh cũng tránh được biến chứng nặng. Nghe hợp lý nên tôi đi tiêm”.

Trong thời điểm vắc xin dư dả và tiêm ngừa thuận tiện như hiện nay, tiêm ngừa là phù hợp cho nhiều người.
Trong thời điểm vắc xin dư dả và tiêm ngừa thuận tiện như hiện nay, tiêm ngừa là phù hợp cho nhiều người.

Nếu thường xuyên cập nhật tin tức chính thống, ai cũng thấy việc tiêm mũi vắc xin thứ tư là cần thiết cho bản thân và cộng đồng. Thật vậy, thời gian qua, các biến thể phụ của vi-rút Omicron như BA.4 và BA.5 lần lượt có mặt ở nhiều quốc gia, gây bệnh cho nhiều người.

Ngày 27/6, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xác nhận, biến thể phụ BA.5 đã xuất hiện ở Việt Nam. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh ngành y cả nước triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ tư.

Tiến độ tiêm mũi thứ tư thời gian qua không như mong đợi của ngành y tế. Cũng dễ hiểu, vì sau một thời gian bùng phát, COVID-19 ở nước ta dần được kiểm soát tốt. Điều đó khiến không ít người lơ là, thậm chí nghĩ rằng COVID-19 không còn đáng ngại bởi nó đã thành một bệnh bình thường như các loại bệnh bình thường khác.

Đáng nói hơn, người dân không muốn tiêm ngừa thêm bởi lo ngại về tác dụng phụ của vắc xin. Thời điểm này năm trước, khi COVID-19 gõ cửa từng nhà với số ca mắc và tử vong liên tục tăng thì được tiêm ngừa COVID-19 thực sự là niềm hạnh phúc của nhiều người. Khi đó, chẳng mấy ai lo lắng về tác dụng phụ của vắc xin, nhưng khi mọi chuyện qua đi thì nỗi lo lắng này lại xuất hiện.

Hỏi một số người quen rằng có tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ tư hay không, tôi nhận được khá nhiều sự lo ngại. Thậm chí có người hoang mang khi đọc đâu đó trên mạng thông tin số ca mắc ung thư gia tăng ở những người tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Những thông tin này chưa từng được bất kỳ tổ chức uy tín và chính thống nào xác nhận bởi không có bằng chứng khoa học, nhưng cũng chưa được giới quản lý phản bác tích cực nên nó càng có điều kiện lan truyền.

Phát biểu cuối tháng Ba vừa qua, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: “Gần như chắc chắn COVID-19 sẽ không qua đi. Tôi biết đây không phải là thông điệp mà các bạn muốn nghe và đó chắc chắn cũng không phải là thông điệp mà tôi muốn phát đi”.

Tiến sĩ Tedros nói điều này trong bối cảnh nhiều quốc gia bắt đầu lơ là phòng, chống dịch và số ca mắc COVID-19 vẫn tăng cao. Cho đến nay, WHO chưa đưa ra thông điệp nào khác, nên COVID-19 vẫn là mối nguy cho sức khỏe cần được truyền thông đúng mức. Nhưng, truyền thông về nguy cơ (risk communication) không bao giờ dễ dàng bởi bối cảnh nguy cơ và nhận thức của con người về nguy cơ thường xuyên thay đổi.

Tuần qua, nghiên cứu của tạp chí The Lancet cho biết, vắc xin ngừa COVID-19 đã ngăn ngừa được gần 20 triệu ca tử vong trên toàn thế giới trong năm 2021. Như thế, những tác dụng phụ nếu có sau tiêm ngừa chẳng thấm vào đâu so với con số quá lớn này.

Theo lý thuyết truyền thông nguy cơ, khi nguy cơ chưa qua đi thì truyền thông vẫn phải được tiếp tục bằng những thông điệp phù hợp và linh động theo từng thời điểm, tránh việc bỏ lửng rồi sau đó đột nhiên truyền thông trở lại, gây tâm lý hoang mang cho nhiều người. Nhưng trên hết, truyền thông nguy cơ cần minh bạch và nhanh chóng. 

Ngày 22/6, thông tin đăng tải trên tạp chí uy tín NEJM cho thấy, các biến thể phụ Omicron BA.4 và BA.5 dường như thoát khỏi các kháng thể ở cả người từng nhiễm COVID-19 và người đã tiêm mũi vắc xin tăng cường. Đáng tiếc là, thông tin này không được giới truyền thông trong nước quan tâm và cũng không được ngành chức năng lý giải kịp thời, nhưng nó lại lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người chần chừ tiêm ngừa. 

Một chuyên gia ngành nhiễm giải thích: “Ngay cả khi hiệu quả vắc xin giảm thì nó vẫn còn hiệu quả. Đặc biệt, những người già và có bệnh nền cần phải tiêm để ngăn biến chứng nặng nếu không may nhiễm bệnh”. Theo giới khoa học, các biến thể BA.4 và BA.5 của Omicron có vẻ không gây bệnh nặng như các biến thể Omicron khác nhưng lại lây nhanh hơn, nên có nguy cơ làm tăng số ca nhập viện nặng và tử vong.

Với việc đi lại dễ dàng giữa các nước như hiện nay, sự xâm nhập của các biến thể vi-rút mới gây bệnh COVID-19 là khó tránh khỏi. Phòng ngừa luôn tốt hơn điều trị. Trong thời điểm vắc xin dư dả và tiêm ngừa thuận tiện như hiện nay, tiêm ngừa là phù hợp cho nhiều người. 

An Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI