Coi chừng rước họa vì bánh trung thu “3 không”

23/07/2025 - 06:15

PNO - Còn hơn 1 tháng nữa mới đến tết Trung thu, các trang mạng xã hội đã rầm rộ rao bán bánh trung thu với lời cam kết bánh “sạch” 100% nhưng không cung cấp được giấy phép kinh doanh, kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Còn hơn 1 tháng nữa mới đến tết Trung thu, các trang mạng xã hội đã rầm rộ rao bán bánh trung thu với lời quảng cáo giá rẻ, không chất bảo quản, nguyên liệu tự nhiên. Người bán còn cam kết bánh “sạch” 100% nhưng không cung cấp được giấy phép kinh doanh, kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tràn ngập từ chợ truyền thống đến “chợ mạng”

Trong khi các cửa hàng, siêu thị chỉ mới rục rịch bày bán bánh trung thu có thương hiệu với mẫu mã, hương vị truyền thống, thì ở các trang mạng, chợ “online” đã rầm rộ quảng cáo bánh trung thu đa dạng hương vị, màu sắc, với giá cạnh tranh chỉ từ 15.000 đồng đến hơn 200.000 đồng. Điều đáng lo ngại, đa số bánh được rao bán dưới dạng “3 không”: không nhãn mác, không thương hiệu, không hạn sử dụng.

Tiệm bánh  có nhiều lượt  theo dõi luôn cam đoan sạch nhưng dùng  tay không,  sơn móng để  giới thiệu bánh
Tiệm bánh có nhiều lượt theo dõi luôn cam đoan sạch nhưng dùng tay không, sơn móng để giới thiệu bánh

Vào 1 tài khoản bán bánh trung thu nhà làm với hơn 20.000 lượt theo dõi, các bài đăng luôn khẳng định “bánh sạch 100%”, bánh do mẹ làm với kinh nghiệm hơn 20 năm. Mỗi chiếc bánh nặng từ 150 - 650g, giá chỉ từ 35.000 đồng. Người bán giới thiệu: “Mẹ em là người kỹ tính, thích sạch sẽ, đồ ăn càng phải sạch gấp trăm lần. Bánh nhà em cam kết nguyên liệu sạch, tươi sống, không chất bảo quản. Hiện tại, ngoài nhân bào ngư, gà quay, thập cẩm, mẹ em cũng làm nhân trân châu, mochi, vị trà sữa. Anh, chị thích nhân gì chỉ cần đặt trước vài ngày”.

Chị này cho biết, đã mở bán được 3 tháng. Do có nhiều khách quen nên bánh thập cẩm truyền thống giá 280.000 hộp/4 cái, bánh trứng muối tan chảy giá 35.000 đồng/bánh, và bánh mochi giá 55.000 đồng/bánh đang bán rất chạy. Năm nay, tiệm nhà chị còn cung cấp da, nhân bánh riêng và khuôn cho những người muốn tự làm bánh.

Còn tài khoản Tiệm bánh T.T. ngoài các bài rao bán bánh trung thu, thường xuyên đăng tải clip cắt bánh với các loại nhân khác nhau nhằm hấp dẫn khách hàng. Tuy nhiên, hầu hết các clip đều cho thấy người bán dùng tay trần để cầm bánh, móng tay dài, sơn nhiều màu khiến người xem cảm thấy không an toàn.

Khi bị nhắc nhở, tiệm bánh cho biết có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, bánh làm qua các khâu khép kín, nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, và chỉ dùng tay trần khi quay clip bởi có bao tay ni lông sẽ kém hấp dẫn. “Chiếc bánh nào tay em bóc vào thì chính chủ ăn luôn chứ bẻ rồi sao bán được, nên không phải lo mất vệ sinh. Nếu phát hiện không sạch, tiệm đền tiền gấp 3” - người bán khẳng định. Tuy nhiên, khi khách hàng yêu cầu gửi giấy kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, tiệm nói không tin thì đừng mua và tắt máy ngang.

Ở một số chợ truyền thống, tiệm bán bánh ven đường cũng bắt đầu bày bán bánh trung thu “nhà làm” với nhiều loại bánh nướng, bánh dẻo đồng giá 85.000 đồng/cái, mua 4 cái trở lên được tặng hộp đựng bánh, hoặc giảm 5%… Theo quan sát, bánh được bọc bằng túi ni lông sơ sài màu đỏ đặc trưng, nhưng không có thông tin thành phần nguyên liệu, không địa chỉ sản xuất.

Tại 1 tiệm tạp hóa trên đường An Dương Vương, khi khách hàng hỏi địa chỉ sản xuất, người bán cho biết: “Lần đầu tôi lấy bánh chỗ này. Người mời tôi bán có mặc đồng phục, họ nói bánh được làm từ công ty gần đây. Người ta có hệ thống đàng hoàng, có ký cam kết với tôi về an toàn thực phẩm, không phải trôi nổi như trên mạng. Nếu tôi bán không hết có thể trả lại trong vòng 6 tháng nên tôi yên tâm bán”.

Nói sạch, nhưng ai kiểm chứng?

Theo phó giáo sư, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - bánh trung thu có nguyên liệu đa dạng, quá trình chế biến qua nhiều giai đoạn như làm nhân, nhào trộn, đổ khuôn… nên chỉ cần 1 công đoạn không đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm có thể dẫn đến nhiễm khuẩn, ảnh hưởng sức khỏe người dùng. Khi thành phẩm, nếu bánh không được gói kín, bảo quản nơi thoáng mát, tránh nắng nóng, ẩm thấp dễ gây ẩm mốc, ôi thiu, đặc biệt là các loại bánh dẻo.

Theo Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan, tết Trung thu 2025 đang đến gần, trên các trang mạng đã có nhiều người rao bán bánh trung thu nhà làm với nhiều mẫu mã bắt mắt, lời cam kết vệ sinh, nhưng hầu hết người bán hàng nhà làm đều không đảm bảo an toàn sức khỏe cho người ăn.

“Một cơ sở muốn kinh doanh thực phẩm cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, giấy khám sức khỏe của người trực tiếp làm bánh. Nếu mua và ăn bánh theo niềm tin, bạn làm sao biết được người mắc bệnh truyền nhiễm có tham gia sản xuất thực phẩm hay không? Vì vậy, đừng bao giờ tin tưởng lời cam đoan, cam kết “miệng” mà hãy yêu cầu người bán cung cấp các loại giấy tờ liên quan” - bà Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn nói.

Theo bà, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, cơ quan chức năng, người tiêu dùng không chỉ tập trung loại bỏ các sản phẩm vi phạm, mà luôn nhấn mạnh việc ủng hộ, khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm thật, chính hãng, hợp pháp.

Bà không bác bỏ người bán hàng online, nhưng nếu muốn kinh doanh thì phải công khai các loại giấy tờ, hóa đơn liên quan để chứng minh sản phẩm của mình được sản xuất đúng theo quy định. Khi Sở An toàn thực phẩm TPHCM kiểm tra, phát hiện các điểm bán bánh trung thu không có giấy tờ đầy đủ, không có các thủ tục công bố quy định, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, chắc chắn sẽ xử lý nghiêm.

Các chuyên gia cho biết, có rất nhiều tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm cho một quy trình từ sản xuất bánh trung thu như nguyên liệu, chất phụ gia, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, môi trường… Nếu chỉ 1 khâu trong quy trình sản xuất bị “hỏng” thì việc nhiễm khuẩn rất dễ xảy ra. Các loại độc tố tự nhiên được sản sinh bởi một số loại nấm mốc trong điều kiện ấm và ẩm, gây ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm làm từ ngũ cốc, bột mì, nguyên liệu sử dụng trong bánh trung thu. Chưa kể đến thời hạn sử dụng của bánh phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cách bảo quản khác nhau.

Thế nên, nhằm đảm bảo sức khỏe của chính mình và người thân, trước khi chọn lựa thực phẩm sử dụng, nhất là bánh trung thu, mọi người nên ưu tiên bánh có nguồn gốc rõ ràng, xem thành phần dinh dưỡng, hạn sử dụng dài, bảo quản bánh đúng cách. Không mua hàng trôi nổi, không nhãn mác, nếu bánh bị bể, hỏng, có mùi lạ, bao bì bị rách, bám dầu… tuyệt đối không sử dụng bởi nguy cơ ngộ độc cao.

Phạm An - Thanh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI