Có nên tiếp tục dạy online cho trẻ tiểu học?

20/09/2021 - 07:11

PNO - Nhiều tỉnh, thành đã quyết định dừng, không tổ chức dạy trực tuyến (online) ở bậc tiểu học sau khi xem xét tính hiệu quả của hình thức giáo dục này đối với học sinh nhỏ tuổi, nhất là lớp Một. Các nhà sư phạm cũng như phụ huynh đều cho rằng đây là quyết định hợp lý.

Tạm dừng vì kém hiệu quả

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Cà Mau ra công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương trên địa bàn dừng tổ chức dạy học trực tuyến cho cấp tiểu học từ tuần thứ ba này. Khi tạm dừng việc dạy học online, trưởng phòng GD-ĐT các huyện, thành phố sẽ chỉ đạo hiệu trưởng trường tiểu học thực hiện hướng dẫn học sinh tự học ở nhà qua chuyên đề, câu hỏi ôn tập… Tài liệu được chuyển cho phụ huynh qua email, Zoom, Zalo, Facebook… để hướng dẫn học sinh.

UBND TP.Cần Thơ cũng vừa quyết định lùi thời gian tựu trường đối với bậc giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học cho đến khi có thông báo mới. Trong thời gian này, các cơ sở giáo dục hướng dẫn phụ huynh và học sinh triển khai các hình thức hoạt động giáo dục tại nhà.

Còn trong các phương án dạy học mà Sở GD-ĐT Lâm Đồng đưa ra để áp dụng cho năm học đặc biệt này cũng nêu rõ, việc dạy online chỉ áp dụng cho trẻ từ lớp Ba đến lớp 12. Trẻ lớp Một và lớp Hai tạm thời chưa tổ chức học trực tuyến. Các trường tiểu học chỉ được dạy online các môn cơ bản như: toán, tiếng Việt, tiếng Anh, âm nhạc.

Học sinh lớp Ba tại Q.5 (TP.HCM) đang học online môn tiếng Anh - ẢNH: DƯƠNG BÌNH
Học sinh lớp Ba tại Q.5 (TP.HCM) đang học online môn tiếng Anh - ẢNH: DƯƠNG BÌNH

Vì sao nhiều địa phương quyết định ngừng tổ chức dạy online cho học sinh tiểu học? Bởi, theo khảo sát của ngành GD-ĐT Cà Mau, số học sinh từ lớp Một đến lớp 12 chưa có thiết bị để học trực tuyến là 13.884 em. Tỷ lệ học sinh học trực tuyến tuần thứ hai đạt 88,21%; trong đó, cấp tiểu học đạt 84,75%. Trong số học sinh học trực tuyến, có khoảng 60% học có chất lượng, số còn lại có tham gia học nhưng hiệu quả không cao. Với cấp học càng thấp thì hiệu quả càng thấp. Có lẽ, đó là một trong những lý do để tỉnh này đưa ra quyết định tạm dừng. 

Trước đó, Sở GD-ĐT Cần Thơ cũng cho rằng sẽ không tổ chức dạy trực tuyến cho trẻ lớp Một, bởi sẽ khó đạt hiệu quả như mong đợi. Đó là chưa kể, hầu hết trường tiểu học chưa đáp ứng yêu cầu dạy online; nhiều giáo viên chưa chuẩn bị tốt về kỹ năng dạy học trực tuyến; học sinh chưa có kỹ năng học trực tuyến và làm chủ phương tiện công nghệ thông tin. Trẻ lớp Một bước vào môi trường học tập mới còn nhiều bỡ ngỡ, việc các em tiếp cận thiết bị điện tử sớm cũng ảnh hưởng sức khỏe tâm sinh lý...

Dự đoán, số địa phương dừng dạy trực tuyến cho học sinh tiểu học sẽ còn tăng sau vài tuần… thực địa. Có thể thấy, cả người dạy lẫn người học đều chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lẫn điều kiện để sẵn sàng dạy và học online. 

Chỉ phù hợp gia đình có điều kiện

Rất nhiều phụ huynh đồng tình với quyết định ngừng dạy online cho trẻ tiểu học bởi thực sự việc tổ chức học trực tuyến cho trẻ tiểu học, nhất là lớp Một, Hai, sẽ “làm khổ” cả cô, trò, lẫn phụ huynh.

Anh Trần Ngọc Quý (H.Củ Chi, TP.HCM) nêu quan điểm: “Tôi thấy tỉnh Cà Mau quyết định như thế là hợp lý, các tỉnh, thành cũng nên cân nhắc, sau 1 - 2 tuần học đã đủ để đánh giá hiệu quả. Xét trên bình diện cả nước sẽ có rất đông học sinh không có máy, internet để học. Chưa kể, số cha mẹ là lao động chân tay, ông bà không đủ khả năng để dạy cháu… Vậy thì trẻ này được học, trẻ kia không cũng không phải là phương án tốt và công bằng”. 

Phụ huynh phải học thế cho con

Chị Đoàn Kim Ngọc (Q.8, TP.HCM) xác định con học online thì chính xác là phụ huynh học, con chỉ dự giờ. Thương con một mà thương cô đến hai, cứ 5 phút thì mẹ ơi, cô ơi con không hiểu, cô nói con không nghe. Đang học toán thì con hỏi tiếng Việt; học tiếng Việt thì con nhớ bài tiếng Anh lại hỏi cô luôn. Một lớp phải có hơn 1/2 học sinh đều học tùy hứng như vậy. Đó là học sinh lớp Hai, học sinh lớp Một còn khó vào nền nếp hơn nữa.

Còn anh Lâm Hồ, phụ huynh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP.Thủ Đức) chia sẻ, con anh đang theo học chương trình tiếng Anh tích hợp. Năm trước, học sinh của chương trình đã có trải nghiệm học trực tuyến nên hiểu được không thể hiệu quả khi mỗi buổi học đến 90 phút. Đó là sĩ số lớp thường trên 30 em. Nên chăng thực hiện việc tách lớp làm hai, phải có khoảng thời gian nghỉ ngơi 15 phút sau mỗi 45 phút học… để hiệu quả hơn.

Cô T.T.M., giáo viên tiểu học ở Q.Tân Phú (TP.HCM), thừa nhận, việc dạy học trên internet đối với trẻ tiểu học chỉ khả thi với các gia đình phụ huynh có điều kiện mua sắm đầy đủ trang thiết bị và có sự hiểu biết nhất định để dạy con học. Vì thế, khi học online, hiệu quả sẽ càng cách biệt hơn, học sinh các quận trung tâm luôn chiếm ưu thế hơn học sinh vùng ven, địa bàn khó khăn.

Chị Trần Thị Trang, phụ huynh lớp Ba Trường tiểu học thị trấn Châu Thành (tỉnh Trà Vinh), kể: “Hôm 16/9, theo lịch của trường thì phụ huynh sẽ giúp con đăng nhập vào hệ thống học online để thử máy, cô trò gặp nhau buổi đầu tiên để ngày 20/9 sẽ học chính thức. Vừa vào được lớp, các bé nhao nhao lên, cô giáo gào khản cổ nhờ phụ huynh tắt micro nhưng không ai nghe thấy gì. Tôi loay hoay chưa biết cách tắt thì bị “đá” văng ra. Tôi vội chạy sang nhà hàng xóm nhờ em sinh viên hỗ trợ vào lại, rồi chỉ cách tắt micro, camera để không bị giật lag… hoa hết cả mắt”.

Tại Hậu Giang, chỉ có 38% học sinh tiểu học đảm bảo được thiết bị học trực tuyến. Theo thông báo kết luận của Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang tại cuộc họp về phương án dạy và học năm học 2021 - 2022 thì trong thời gian tới, học sinh lớp Một và lớp Hai sẽ học qua truyền hình, không học trực tuyến. Học sinh lớp Ba, Bốn, Năm sẽ học trực tuyến và học bổ trợ qua truyền hình, bố trí lệch giờ học. 

Việc học trực tuyến ở tỉnh Long An cũng gặp không ít khó khăn khi toàn tỉnh có hơn 101.000 học sinh không có máy tính, máy tính bảng, điện thoại, ti vi hỗ trợ cho việc học trên tổng số 243.151 học sinh. Tại tỉnh Kiên Giang có khoảng 96.000 học sinh không có khả năng mua máy tính bảng, máy vi tính, thiết bị để học trực tuyến, chiếm 32,63% tổng số học sinh. Trong đó, cao nhất vẫn là bậc tiểu học với 63.807 học sinh, bậc THCS là 29.890 học sinh và 2.485 học sinh THPT. Về tình trạng hạ tầng viễn thông, có đến 9/15 huyện, thị mạng 3G yếu.

Rất nhiều địa phương khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Vì thế, theo các nhà sư phạm, khi điều kiện còn quá khó khăn, nhiều thứ chưa ổn định, thầy lẫn trò chưa sẵn sàng tâm thế cũng như kỹ năng làm chủ việc học online thì nên dừng lại. Hãy để trẻ tiểu học, ít nhất là học sinh lớp Một, Hai ôn tập qua truyền hình, các kênh ôn tập trên YouTube, website của trường, nhóm lớp. Còn kiến thức và chương trình năm học mới để khi học trực tiếp hãy bắt đầu và kéo dài thời gian năm học mà không cần nghỉ hè. 

Tiết học online của học sinh tiểu học chỉ 20 - 25 phút
Hôm nay, 20/9, học sinh tiểu học tại TP.HCM chính thức bước vào chương trình năm học mới. Sở GD-ĐT TP.HCM quy định mỗi tiết học online của học sinh tiểu học chỉ trong khoảng 20 - 25 phút, mỗi buổi học không quá bốn tiết, giữa mỗi tiết có 5 - 7 phút giải lao. Sở GD-ĐT đặc biệt lưu ý các trường xây dựng thời khóa biểu dạy học đối với học sinh tiểu học trên môi trường internet phù hợp với sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh.

Đối với học sinh lớp Một, Hai, giáo viên khai thác các nội dung dạy học trên truyền hình, video; không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong thời gian này. Khi học sinh đi học lại, các trường sẽ tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá. Còn với học sinh lớp Ba, Bốn, Năm, hình thức dạy học trên internet được xác định là chủ đạo, dạy học trên truyền hình và video là bổ trợ, ưu tiên cho lớp cuối cấp.

Giáo viên hạn chế sử dụng thời gian dạy online để yêu cầu học sinh viết bài hay làm bài tập vào vở. Các nội dung này có thể giao cho học sinh khi kết thúc thời gian dạy học. Còn nhà trường phải tổ chức các hoạt động đa dạng cho học sinh tham gia thực hiện, khuyến khích các hoạt động không bắt buộc học sinh phải quan sát tập trung một thời gian dài trên màn hình.

Ngoài ra, sở cũng giới thiệu giáo viên tham khảo thêm chuyên mục “Dạy tiếng Việt lớp Một” phát sóng trên VTV7; chuyên mục “Lớp Một vui học”, “Lớp Hai chăm ngoan” đăng tải đầy đủ trên kênh YouTube Ôn bài.

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI