Học sinh lớp 1 phải cõng em băng núi đến trường

19/09/2021 - 06:38

PNO - Bố mẹ bỏ đi, rơi vào các tệ nạn xã hội, hay vì bận lên nương rẫy buộc nhiều học sinh lớp 1, lớp 2 ở xã vùng cao Nghệ An phải cõng theo em của mình đến lớp vừa trông em vừa học chữ.

Vừa học vừa trông em

Điểm trường bản Phia Khăm 1 là một trong những điểm trường còn khó khăn và xa nhất của Trường Tiểu học PTDT bán trú Bắc Lý 1 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Điểm trường này có 25 học sinh được phân bổ thành 2 lớp 1 và 2, song sĩ số của lớp học luôn vượt quá 25 em bởi nhiều học sinh nơi đây thường phải bế em tới lớp, làm nhiệm vụ kép vừa học vừa trông em.

“Chuyện bế em đi học ở đây diễn ra thường xuyên. Lớp 2 do tôi phụ trách chỉ có 11 học sinh, nhưng có hôm trong lớp có tới 16 em” - thầy Phan Văn Khanh (chủ nhiệm lớp 2E) nói và cho hay chỉ có cách này thì nhiều học sinh mới có thể tiếp tục đến trường học được.

Nhiều năm cắm bản tại điểm trường “nhiều không” này, thầy giáo 31 tuổi cho biết những thiếu thốn khác có thể xoay xở, song chỉ có nước sạch là điều khiến thầy Khanh cơ cực nhất.

Một học sinh lớp 1 say sưa học bài khi em đang say giấc ngủ trên lưng
Một học sinh lớp 1 say sưa học bài khi em đang say giấc ngủ trên lưng

Như thường lệ, chưa đến 4g sáng thầy Khanh đã phải thức dậy mang theo can nước 20 lít theo dân bản ra khe nước cách điểm trường hơn 3km để lấy nước về sinh hoạt. “Học sinh đưa em đến lớp, đôi lúc ra đó đi vệ sinh thì mình cũng phải có nước để các em rửa mới có thể tiếp tục việc dạy và học được. Nhưng mà 1 mình thì xoay không kịp, đôi lúc phải nhờ các em mang theo ít nước đến lớp để sử dụng nữa” - thầy Khanh nói.

Thế mà mong ước của thầy và trò là có 1 bể chứa nước sạch tưởng chừng như đơn giản chỉ nhưng vẫn chưa có được.

Dáng người nhỏ nhắn, Cụt Thị Nhi (8 tuổi) cố cúi thấp cổ xuống tập đọc để cô em gái 2 tuổi đang say giấc ở phía sau lưng có thể tựa đầu vào vai mình. Nhi là con gái thứ 2 trong gia đình có 4 người con, bố của Nhi đi làm phụ hồ ở Hà Nội, mẹ bận lên nương rẫy nên cô bé được giao nhiệm vụ trông em. Không nhờ được ai trông hộ, Nhi chỉ còn cách cõng theo em gái đến lớp học. 

Con đường đất gập ghềnh từ nhà tới trường của Nhi mấy hôm nay thêm nặng nề hơn bởi sau lưng em còn có cô em gái. Mỗi lúc gặp đoạn đường dốc, cô bé lại còng gập lưng, một tay đưa về sau giữ em, một tay nắm chặt sách vở, gắng bước lên thật nhanh để không muộn giờ học.

Khác với Nhi, Cụt Thị Ngom (7 tuổi) bỗng dưng trở thành trẻ “mồ côi”, phải sống nương nhờ vào ông bà nội từ năm lên 6. Năm ngoái, bố Ngom đột ngột qua đời, mẹ của em không đành lòng với cuộc sống khó khăn này đã bỏ rơi 2 chị em Ngom sang Trung Quốc rồi mất liên lạc cho đến nay. 

“Ông bà nội đi làm rẫy cả ngày nên cô bé phải nghỉ học ở nhà trông em. Tôi tìm đến nói chuyện, biết hoàn cảnh nên bảo Ngom đưa cả em đến lớp. Nhiều hôm nhìn đứa bé gầy gò địu em trên lưng ngồi học mà thấy xót cho các em” - thầy Khanh nói. 

Điểm trường bản Phia Khăm 1 còn tạm bợ
Điểm trường bản Phia Khăm 1 còn tạm bợ

Thương học trò thiếu thốn cả tình thân lẫn vật chất, thầy Khanh thường xuyên nói chuyện động viên, trích tiền lương mua thêm cái bút, quyển vở cho các em; tranh thủ ngày nghỉ đi xin quần áo cũ cho học trò.

Sẵn có phòng trống do khối lớp 3,4,5 đã chuyển về điểm trường chính ở bán trú, thầy Khanh đặt thêm một chiếc giường để có chỗ cho những đứa trẻ theo anh chị tới trường ngả lưng. Nhưng chiếc giường cũ này cũng chẳng mấy khi được dùng tới bởi “trẻ đã quen hơi ngủ trên lưng chị, tách ra là khóc thét lên”. 

Thầy cho biết, để vận động những học sinh này đến trường đôi lúc giáo viên còn phải chăm lo cả ăn uống cho các em bởi “bố mẹ đi làm nương rẫy lâu ngày, nếu để con nhỏ ở nhà cũng rất khó, chúng biết lấy chi ăn”.

Thầy trò cùng “trông trẻ”

Thầy Doãn Chí Trung - Hiệu trưởng  Trường Tiểu học PTDT bán trú Bắc Lý 1 cho biết, tình trạng học sinh phải bế theo em đến trường học có khá nhiều ở ngôi trường này. “Thầy cô trên này trong túi lúc nào cũng sẵn ít kẹo, thỉnh thoảng lại phỉnh trẻ bớt khóc cho chị hoặc anh học” - thầy Trung nói và cho biết, dù mới lớp 1, lớp 2 song nhiều học sinh đã phải trông em cho bố mẹ, ông bà đi làm nên không bế em đến lớp thì buộc phải nghỉ học ở nhà trông em.

Cảnh anh chị học bài, em ngồi chơi đùa bên cạnh không quá xa lạ ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bắc Lý 1
Cảnh anh chị học bài, em ngồi chơi đùa bên cạnh không quá xa lạ ở Trường Tiểu học PTDT bán trú Bắc Lý 1

Mỗi lúc lớp học có thêm trẻ, các giáo viên lại phải sắp xếp, bố trí lại chỗ ngồi để làm sao học sinh có thể vừa thoải mái trông em vừa học bài. “Khi trẻ đã ngủ ngon giấc thì thầy cô, hoặc bạn trong lớp có thể giúp các em bế trẻ thay một lát để học. Các em đã thiếu thốn, nên chúng tôi cũng muốn dùng mọi cách để làm sao các em thấy còn bạn, còn thầy cô quan tâm, có động lực tiếp tục học. Đây cũng là hình ảnh để những em học sinh khác thấy rằng mình còn may mắn hơn khi chỉ phải đến trường một mình, tôi cũng thường lấy ảnh này ra cho con mình xem để cháu phấn đấu học hơn” - thầy Trung nói.

Lãnh đạo Trường Tiểu học PTDT bán trú Bắc Lý 1 cho biết, nơi đây có trên 90% là người đồng bào dân tộc Khơ Mú, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây, việc học của con em cũng được người dân quan tâm nhiều hơn, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, công việc gắn liền với nương rẫy nên việc học của nhiều học sinh nơi đây thường bị “ngắt quãng”. 

“Có nhiều nguyên nhân như do bố mẹ nghiện ngập rồi bỏ nhau, để lại con cho ông bà. Bố mẹ đi làm ăn xa, hay đơn giản là đi làm nương rẫy không đưa trẻ nhỏ đi theo, buộc các em phải ở nhà trông em. Khi nhà trường vận động học sinh đến trường thì các em lại phải bế em theo” - thầy Trung nói.

Theo thầy Trung, phía nhà trường cũng đã làm việc với chính quyền địa phương để tìm biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng học sinh cõng trẻ tới trường. Làm sao để tệ nạn xã hội không còn, người dân hết cảnh nghiện ngập thì việc con trẻ bị bỏ rơi cũng sẽ giảm đi. Ngoài ra, nhà trường cũng mong muốn chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn, có chính sách hỗ trợ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI