Lên núi dựng lán cho con “bắt sóng” học online

17/09/2021 - 06:47

PNO - Nhà không có internet, nhiều phụ huynh huyện biên giới Nghệ An buộc phải lên núi cao dò tìm sóng 3G rồi dựng lều tạm cho con học online.

Lên núi dò sóng 3G

Sáng 16/9, cô trò huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) bắt đầu quay trở lại dạy và học theo hình thực trực tuyến sau một thời gian phải tạm dừng để phòng chống dịch COVID-19. Với đặc thù là một huyện biên giới, cuộc sống người dân còn nhiều thiếu thốn khiến việc dạy và học online nơi đây gặp thêm nhiều khó khăn.

Cô Nguyễn Thị Ngân - Phó hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú (DTNT) THCS Quế Phong - cho biết: Trường đang được trưng dụng làm khu cách ly tập trung nên chưa thể tập trung học sinh. Việc dạy học online gặp khá nhiều hạn chế do hiện còn gần 100 học sinh đang thiếu máy tính, điện thoại và công cụ kết nối internet.

Dần và Thành cùng nhau học online trong túp lều tạm bợ trên núi
Dần và Thành cùng nhau học online trong túp lều tạm bợ trên núi

Để học sinh không bỏ lỡ việc học, Trường DTNT THCS Quế Phong phải vận động học sinh ở các bản xa ra nhà người thân hoặc bạn ở các bản trung tâm có internet học theo nhóm; những trường hợp còn lại sẽ được giáo viên đến nhà giao bài để học.

Không muốn bỏ lỡ những buổi học đầu tiên, sáng 16/9, Xồng A Dần và Xồng A Thành (cùng học lớp 6A1, Trường DTNT THCS Quế Phong) lên một ngọn núi cách nhà chừng vài km dò tìm sóng 3G để vào học online cùng các bạn. Khi tín hiệu sóng khá tốt, Dần được bố chặt nứa dựng tạm cho một túp lều che mưa để cùng bạn ngồi học bài.

Nhà Dần cách trường hơn 20km, ở bản Mường Lống (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong), không có sóng điện thoại nên cậu được giáo viên cho học theo hình thức giao bài tập về nhà. “Khi thấy các em vào học, phụ huynh gửi ảnh các em ngồi học trong lán khiến tôi rất xúc động. Dù khó khăn, nhưng các em rất nỗ lực học tập” - cô Ngân nói. 

Theo cô Ngân, để hỗ trợ học sinh, trường cũng đã kêu gọi một số cá nhân, tổ chức hỗ trợ được 79 sim 3G để vào mạng, 6 chiếc điện thoại và 1 chiếc máy tính. Những thiết bị hỗ trợ này sẽ sớm được trao cho học sinh phục vụ việc học trong ít ngày tới.

HỌc
Việc học online khiến nhiều học sinh vùng cao gặp nhiều khó khăn

Thầy Nguyễn Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Tiền Phong (huyện Quế Phong) - cho biết trường có 667 học sinh song hiện chỉ có 386 học sinh có đủ trang thiết bị để học online; những học sinh còn lại phải học theo hình thức giao bài tận nhà. Hiện nhà trường cũng đang kêu gọi hỗ trợ để giúp học sinh có trang thiết bị học tập. 

“Dự kiến sắp tới sẽ có đủ trang thiết bị cho học sinh. Riêng hơn 40 học sinh ở bản không có điện, không có sóng điện thoại thì buộc phải di chuyển đến các nơi có điện, có sóng để học” - thầy Bình nói.

Lội bùn vào bản gọi trò đến lớp

Trước bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Sở GD-ĐT Nghệ An yêu cầu các phòng GD-ĐT trên địa bàn tuỳ vào hoàn cảnh thực tế của địa phương chủ động, linh hoạt sử dụng nhiều giải pháp, hình thức tổ chức dạy học trực tuyến, trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Hoặc triển khai các giải pháp khác như giao bài trực tiếp, phiếu giao bài, qua Zalo, Facebook...

Học sinh ở các bản vùng sâu không có trang thiết bị, điện để học online được giáo viên đến tận nhà giao bài tập
Học sinh ở các bản vùng sâu không có trang thiết bị, điện để học online được giáo viên đến tận nhà giao bài tập

Ông Phan Văn Thiết - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) - cho biết toàn huyện chỉ có trên 25% học sinh ở một số xã trung tâm có đủ điện, mạng internet, và thiết bị điện tử để học online. Do đó, địa phương tổ chức dạy học trực tiếp là chủ yếu.

Cầm đôi dép tổ ong dính đầy bùn đất trên tay, thầy Trịnh Xuân Đạo (giáo viên trường PTDTBT THCS Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn) cố bám theo đồng nghiệp trên con dốc dài trơn trượt để vào được bản Kẻo Nam - một bản thuộc diện khó khăn nhất của xã Bắc Lý - để vận động học sinh đến lớp sau thời gian dài nghỉ hè.

Do tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên hiện học sinh Trường PTDTBT THCS Bắc Lý chưa thể tập trung ở nội trú để học trực tiếp. Trong bối cảnh trang thiết bị không đảm bảo để học online, Trường PTDTBT THCS Bắc Lý buộc phải phân giáo viên về các bản để dạy cho học sinh.

Nhiều học sinh không đến lớp, các giáo viên lại cùng nhau tìm đến tận nhà của trò để tìm hiểu lý do, vận động trò của mình trở lại lớp học bình thường. “Mưa khiến đường trơn trượt, không thể đi được. Nhưng vẫn phải vào tận nơi vận động để các em ra học chứ không mất buổi nào sẽ thiệt thòi cho các em buổi ấy” - thầy Đạo nói.

Giáo viên Trường PTDTBT THCS Bắc Lý lội bùn vào nhà vận động học sinh đến lớp
Giáo viên Trường PTDTBT THCS Bắc Lý lội bùn vào nhà vận động học sinh đến lớp

Tương tự, Trường PTDTBT TH&THCS Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn) cũng phải chia giáo viên về 3 điểm trường để dạy cho học sinh do chưa thể tổ chức dạy học tập trung. Lãnh đạo PTDTBT TH&THCS Nậm Càn cho biết, hiện vẫn còn nhiều học sinh chưa đến trường học, do đó nhà trường phải kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em mình đến trường.

“Đến nay vẫn còn gần 30 học sinh, chủ yếu là các em học sinh lớp 1 chưa đến lớp. Khi các giáo viên đến nhà tìm hiểu, phụ huynh họ cho rằng nhiều giáo viên ở dưới miền xuôi lên, sợ bị dịch nên chưa dám cho con đi” - lãnh đạo Trường PTDTBT TH&THCS Nậm Càn nói.

Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ đề nghị hỗ trợ học phí năm học 2021-2022 cho học sinh toàn tỉnh. Năm học này toàn tỉnh Nghệ An có hơn 850 ngàn học sinh ở các cấp học. 

Để giảm bớt khó khăn cho các phụ huynh, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em được đến trường, Sở GD-ĐT đề nghị UBND tỉnh giảm 50% học phí học kỳ một các cấp học từ Mầm non đến THPT tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI