Có một tình yêu bền bỉ…

06/02/2022 - 05:54

PNO - Trải qua rất nhiều thăng trầm, nặng nề nhất là hai năm dịch bệnh, tưởng như những nghệ nhân nghề thủ công lâu đời ở miền Trung ngã khuỵu, nhưng lòng yêu nghề, sức sống nhiều đời của những làng nghề danh tiếng vẫn cứ âm thầm chảy…

Lửa nghề âm ỉ cháy 

Xỏ vội đôi dép vào chân, ông Nguyễn Sáu (58 tuổi, khối Nam Diêu) chạy ra tiếp khách. “Đóng cửa lâu quá rồi, tay quên cách vê đất mất” - ông cười hóm hỉnh.

“Hai năm trời, rồi ông có đổi sang làm nghề chi tạm không?”, chúng tôi hỏi. “Không. Lớn tuổi rồi, tay chân chỉ quen với vê đất nặn hình, muốn chuyển sang nghề khác cũng chịu. Tằn tiện chi tiêu, rồi cũng qua. Dịch giã chi rồi cũng có ngày hết. Du lịch được mở lại rồi, lửa làng nghề sẽ lại “cháy nhà” như xưa thôi”, ông Sáu nói với niềm tin… chắc nịch.

Từ “cháy nhà” mà ông Sáu nhắc tới là từ câu: “Nhất Phước Kiều đám ma/ Nhì Thanh Hà nhà cháy”. Có nghĩa là làng Phước Kiều (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) - làng đúc đồng nổi tiếng, chuyên làm phèng la, cồng chiêng -suốt ngày có tiếng thử các loại phèng la, cồng chiêng, nghe như đám ma; còn làng Thanh Hà, là làng gốm, làng gạch, suốt ngày khói bốc lên như… đám cháy nhà. Niềm tin của họ cũng âm ỉ cháy, như cách ông Sáu mỗi bận “ngứa nghề” lại đem cục đất sét ra bàn xoay rồi vân vê, nhào nặn đủ thứ hình dạng.

Làng gốm Thanh Hà (khối Nam Diêu, TP.Hội An) được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XVI, cùng với hai làng nghề nổi tiếng khác là Phước Kiều (Thanh Chiêm) và làng mộc Kim Bồng (Cẩm Kim), tạo ra một tam giác làng nghề truyền thống nổi tiếng, góp phần làm nên sự phồn vinh của trục hành chính - kinh tế dinh trấn Thanh Chiêm, cảng biển Hội An nổi tiếng suốt các thế kỷ XVII và XVIII.

Cuối năm 2019, làng gốm Thanh Hà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng di sản cấp quốc gia. Đây cũng là thời gian mà làng gốm kết hợp với du lịch phát triển rực rỡ. Nhờ sự gắn kết này mà làng gốm Thanh Hà như được thổi thêm sức sống. Hơn 35 hộ và khoảng 70 lao động suốt ngày đêm đỏ lửa. Từ sản phẩm lưu niệm đến hàng phục vụ trang trí cho các cơ sở kinh doanh du lịch như con thổi, bình cắm hoa, đèn sân vườn, đèn trang trí, mặt nạ… ngày đêm ra đời. Thời điểm này, lượng khách đến tham quan làng gốm Thanh Hà bình quân hơn 300.000 lượt khách/năm, doanh thu hằng năm đạt 6 - 8 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động sản xuất gốm chiếm 50%. Lao động làng nghề còn có thêm thu nhập từ hoạt động trình diễn nghề, được trích lại từ doanh thu bán vé tham quan…

Lửa nghề vẫn cháy ở làng gốm Thanh Hà
Lửa nghề vẫn cháy ở làng gốm Thanh Hà

Gốm Thanh Hà vốn dĩ thu hút khách du lịch bởi tính thô sơ, mộc mạc. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công với đất sét được lấy từ phía hạ lưu sông Thu Bồn. Gốm Thanh Hà không tráng men, và vẻ mộc mạc đó đã làm nên thương hiệu của làng. “Du khách đến đây sẽ được chứng kiến tất cả công đoạn từ nhào đất, lên bàn xoay rồi vê đất tạo hình. Họ cũng có thể tham gia trải nghiệm cả quá trình đó”, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung (54 tuổi, khối Nam Diêu, TP.Hội An) nói.

Bà Dung theo chồng về làm dâu xứ Nam Diêu năm 1989, rồi từ đó bén duyên với nghề gốm cho đến tận bây giờ. “Cứ học lần tới. Đầu tiên làm những thứ đơn giản như mấy con tò he, cái bình hoa, ấm nước… rồi mới đến những thứ phức tạp hơn. Để đến khi được ngồi vào bàn xoay, làm cho du khách xem thì phải trải qua rất nhiều cuộc thi, được sự công nhận của nhiều nghệ nhân, chứ đâu phải nói ngồi là ngồi, ưa làm gì thì làm đâu” - bà Dung cười, rất hiền.

Nhưng dịch COVID-19 bùng phát, TP.Hội An dừng mọi hoạt động du lịch, lửa ở các lò nung của làng gốm Thanh Hà tắt dần. Hai năm không kết nối được với du lịch, làng nghề trầm hẳn. Khoảng thời gian đó là thử thách cực hạn với lòng yêu nghề của những nghệ nhân làng gốm. “Việc đầu tiên sau khi Hội An được mở cửa đón khách du lịch trở lại như hiện tại là phải kéo được đội ngũ nghệ nhân trẻ quay về với nghề. Khi hưng thịnh, làng nghề có trên 30% là lao động trẻ, dịch đến, họ phải tìm phương kế mưu sinh khác. Giờ, phải kiến thiết lại, vừa giữ đội ngũ kế cận cho làng nghề vừa giúp làng nghề phục hưng trên nền tảng đã có sẵn”, ông Nguyễn Hào - Phó Trưởng ban Quản lý làng gốm Thanh Hà - đăm chiêu.

Nhân tố trẻ chính là điều mà làng gốm này tìm kiếm, không chỉ để giữ một lượng lao động mà còn là một cách lưu truyền, để cội nguồn mang tính trăm năm này đừng mất dấu theo thời gian. Thế nên ông Nguyễn Hào mới không giấu được sự vui mừng, khi những gương mặt trẻ xuất hiện và dần trở thành nhân tố chính của làng nghề. Trên nền những kỹ thuật cũ, họ thổi vào đó góc nhìn của mình, thiết kế thêm nhiều sản phẩm trang trí nội, ngoại thất cũng như các sản phẩm lưu niệm khác… bằng những chất liệu mới mẻ. Và một trong những người trẻ mà ông Hào nhắc tới là Nguyễn Viết Lâm (23 tuổi), người đầu tiên và duy nhất cho đến hiện tại tráng men cho các sản phẩm gốm Thanh Hà.

“Trong làng gốm Thanh Hà, các cơ sở chỉ sản xuất những sản phẩm gốm đất, sau đó đưa vào lò nung và ra thành phẩm. Thấy đơn điệu nên tôi quyết tâm mày mò tráng men lên sản phẩm để thành phẩm đẹp hơn. Tôi cũng tìm cách tạo ra những chi tiết độc, lạ mà không dùng khuôn có sẵn”, Lâm bộc bạch. 

Các sản phẩm gốm của Lâm tạo được nét độc đáo riêng là vẫn giữ cách làm gốm bằng thủ công nhưng phủ lên trên đó lớp men rất bắt mắt. Loại men này được Lâm trộn giữa vỏ nghêu, tro, hóa chất, sau đó nấu lên và tráng lên bề mặt gốm. Để tạo thành một sản phẩm gốm tráng men cần năm công đoạn như nhồi đất, vuốt gốm, trang trí họa tiết, tráng men và nung gốm. Theo Lâm, ngoài công đoạn vuốt gốm và trang trí họa tiết có độ khó cao, cần sự sáng tạo, tỉ mỉ, tay nghề phải cao thì tráng men được xem là công đoạn khó nhất trong quá trình tạo thành sản phẩm.

Không phải ngẫu nhiên mà qua bao bể dâu, nhiều lần đứng trước những yêu cầu mang tính thời cuộc - hiện đại nhưng phải giữ được truyền thống - các “già làng” của gốm Thanh Hà vẫn tràn đầy lòng tin vào mai này.

Giờ thì lửa làng gốm Thanh Hà đã bắt đầu sáng lên. Đó không chỉ là câu chuyện mưu sinh. Với những nghệ nhân ở đây, được hằng ngày đắm chìm trong sáng tạo, đôi tay lem luốc bùn đất, trong mùi ngai ngái của củi đốt lò nung… như là máu, là thịt của họ. 

Rực rỡ hoa giấy Thanh Tiên

“Xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng/ Cứ đến tháng Chạp cả làng làm hoa”. Câu ca dao đó phần nào khắc họa lên nét đẹp văn hóa của một làng nghề làm hoa giấy nép mình bên dòng sông Hương đã tồn tại hơn 300 năm. 

Nhắc đến làng hoa giấy Thanh Tiên là phải nhắc đến ông Thân Văn Huy, người họa sĩ được mọi người yêu mến gọi là “bảo tàng hoa giấy”. Khoảng đầu thập niên 2000, làng hoa giấy truyền thống ấy chỉ còn lác đác người làm hoa, quanh quẩn với vài mẫu cũ kỹ như hoa cúc, hướng dương để cúng. Nghề hoa giấy Thanh Tiên ngắc ngoải trước nguy cơ thất truyền. Họa sĩ Thân Văn Huy hiểu rất rõ cái giá của sự mất mát này. Ông nhận ra rằng nếu vẫn chỉ quanh quẩn với những mẫu mã đơn điệu ấy thì hoa giấy Thanh Tiên sẽ khó có chỗ đứng trên thị trường, nhất là hoa nhựa Trung Quốc đang ở thế lấn át. Thế rồi một đêm ông nằm mơ thấy những hoa sen giấy, khác hẳn với hoa sen giấy ông từng nhìn thấy ông nội mình và dân làng làm ra, mà sau này ông biết chúng đã mất dạng từ 50 năm trước.

Ông Thân Văn Huy đang hoàn thiện những bông hoa giấy
Ông Thân Văn Huy đang hoàn thiện những bông hoa giấy

Ông Thân Văn Huy quyết tâm tái sinh nghề hoa giấy của làng bằng cách tạo ra mẫu hoa sen ông đã gặp trong giấc mơ. “Tôi cảm nhận như mình được chọn để làm việc này”, ông nói. Sau khi hoàn thiện mẫu thiết kế, hoàn chỉnh các kỹ thuật chế tác hoa sen giấy từ khâu vót tre tạo cành hoa, gấp giấy tạo cánh hoa, nhuộm màu hoa, tạo ra bông sen nở sống động trên bình gốm, họa sĩ Thân Văn Huy bắt đầu truyền nghề cho người trong làng. Ông đặc biệt chú trọng dạy nghề cho thanh niên, những người chủ tương lai của làng Thanh Tiên. Cứ vào đầu buổi tối, ngôi nhà của ông lại râm ran tiếng cười nói của những bạn trẻ trong làng. Họ đến nhận nguyên liệu và giao sản phẩm vừa hoàn thành. Ông nhận hoa của họ, hoàn chỉnh sản phẩm rồi đưa lên các cửa hàng lưu niệm ở TP.Huế và sân bay Phú Bài để bán cho du khách.

Ngay chính người dân Huế cũng rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những bông sen giấy Thanh Tiên đẹp mê hồn được chế tác công phu, điệu nghệ. Bông sen giấy Thanh Tiên bắt đầu xuất hiện nhiều ở phòng khách các gia đình Huế, các quán cà phê rồi trở thành món quà “made in Huế” của du khách. Người ta mua hoa sen giấy Thanh Tiên để tặng trong lễ mừng nhà mới, gửi sang tận Mỹ, Pháp làm quà cho người thân. Kể từ khi nghề làm hoa giấy sống lại, làng Thanh Tiên trở thành điểm đến của các tour du lịch. Du khách được họa sĩ và dân làng hướng dẫn làm hoa sen, từ xếp giấy đến khi hoàn tất. Những bông sen kỷ niệm đó đã theo khách về tận châu Âu, Bắc Mỹ hay Tây Á.

Hai năm qua, dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến mức họa sĩ Thân Văn Huy phải thốt lên: “Không biết bao giờ hết dịch, để tìm lại thuở vàng son!”. Suốt hai năm, ông nhìn từng người thợ của làng phải từ bỏ hoa giấy để chuyển sang công việc khác. Nuối tiếc và trăn trở, để rồi ông ngộ ra một điều: Để nghề làm hoa giấy Thanh Tiên được đứng vững trong tình hình mới, không còn cách nào khác là phải gắn kết việc phát triển du lịch làng nghề, các hoạt động du lịch cộng đồng, phối hợp các đơn vị lữ hành.

Rồi ông và người trong làng bắt tay tìm kiếm, kết nối. Kết quả, trong những ngày xám xịt vì COVID-19, người dân làng hoa giấy Thanh Tiên vẫn có “tiền đong gạo”. Đầu năm 2021, qua kết nối từ họa sĩ Thân Văn Huy, dự án Tinh hoa Việt Nam - Grand World Phú Quốc đã đặt mua hơn 3 vạn hoa giấy Thanh Tiên để trưng bày tại không gian Cổ Chỉ Quán. Đó là đơn đặt hàng mà như lời ông Huy nói là “lớn nhất từ xưa đến giờ”, giúp bà con dân làng còn làm nghề trang trải cuộc sống trong những ngày gian khó. Dù vậy, về lâu dài, người họa sĩ đã ở tuổi thất thập cổ lai hy cho rằng cần nhiều thứ hơn. “Văn hóa truyền thống là hồn cốt của dân tộc, nếu bị quên lãng sẽ rất khó vực dậy. Để giữ, ngoài con người và sự tâm huyết, cần có những chính sách…”, ông trăn trở. 

Làng hoa giấy Thanh Tiên tồn tại đã gần 400 năm, và ngày mai là những thách thức lớn hơn ngày hôm qua. Làng nghề không chỉ là làng nghề, nó còn là nơi mang dấu chỉ của một lớp văn hóa định hình nên vùng đất, là câu chuyện của kinh tế du lịch. Nếu không kịp thời níu giữ, mai này ai còn nhớ đến Thanh Tiên… 

Nguyễn Dương - Thuận Hóa - Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI