Có một tiểu thư Jones trong bạn?

08/03/2020 - 14:39

PNO - Với Nhật ký tiểu thư Jones, nữ tác giả Helen Fielding đã thực sự thành công trong việc xây dựng hình tượng một quý cô Jones là cô gái ta luôn nhìn thấy đâu đó hằng ngày; thậm chí trong mỗi chúng ta cũng luôn có một Bridget Jones đang tồn tại.

Nhẹ nhàng, hài hước nhưng đầy triết lý, gần 20 năm qua, Nhật ký tiểu thư Jones vẫn là một trong những bản tình ca lãng mạn và đẹp đẽ nhất cho quý cô thời hiện đại, để mỗi lần nhìn thấy hình ảnh của cô tiểu thư Jones không-hoàn-hảo ấy, ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời, ta dường như vẫn sẽ luôn thấy mình trong đó.

“Hút thuốc như ống khói, uống rượu như cá và mặc quần áo giống mẹ cô ta”.
Đó là những gì mà anh chàng luật sư Mark Darcy vô cùng nghiêm túc trong chiếc áo in hình tuần lộc đã nói về cô nàng Bridget Jones 32 tuổi ở London, người mà cả hai bên gia đình đang muốn mai mối cho anh.

Tan vỡ, tức giận và tổn thương, Jones quyết định thay đổi cuộc đời mình: giảm cân, sống lành mạnh, tập trung cho công việc và bản thân, tìm kiếm tình yêu đích thực và viết nhật ký. Trong suốt hành trình đó, rất nhiều bất ngờ đã đến với cuộc đời Jones, những điều may mắn, tốt đẹp và cả những buồn bã, khổ đau.

Thế nhưng, cô tiểu thư Jones không xinh đẹp, không tài năng, không khéo léo ấy, dù ở tuổi 30, 40, hay 50, vẫn từng bước đi qua mọi sóng gió, vẫn biết cách yêu thương bản thân sau những đổ vỡ và vẫn vui vẻ, hạnh phúc theo cách riêng của mình.

Một câu chuyện hài đậm chất Anh

Bridget Jones's Diary (Nhật ký tiểu thư Jones) là series hài lãng mạn của đạo diễn Sharon Maguire, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 1996 của nữ tác giả Helen Fielding, được công chiếu tại vương quốc Anh năm 2001.
Phim kể về cuộc đời của Bridget Jones (Renée Zellweger) 32 tuổi, làm việc tại một nhà xuất bản ở London, một cô nàng mũm mĩm, vụng về, thẳng thắn, nghiện thuốc lá và cô đơn.

Sau một vài dại dột, hiểu lầm, tan vỡ, sự nhùng nhằng với anh chàng sếp điển trai đa tình Daniel Cleaver (Hugh Grant), cuối cùng Jones cũng tìm được tình yêu đích thực của đời mình với Mark Darcy (Colin Firth). Phim có các phần 2 và 3 cũng dựa trên tiểu thuyết của Helen Fielding là Bridget Jones: The Edge of Reason (2004) và Bridget Jones's Baby (2016), là những câu chuyện kéo dài về cuộc đời của Jones, khi cô kết hôn, sinh con và những năm tháng trung niên.

Sau hai năm tìm kiếm, vượt qua các ứng cử viên nặng ký là Helena Bonham Carter, Cate Blanchett, Emily Watson, Rachel Weisz và Cameron Diaz, thậm chí cả Kate Winslet, Renée Zellweger đã bất ngờ giành được vai diễn được coi là quan trọng nhất đời mình, dù cô là người Mỹ. Eric Fellner, nhà sản xuất của bộ phim khi đó, đã hoàn toàn tin tưởng Zellweger, vì cho rằng “cô ấy có thể mang tới cả cảm xúc lẫn sự hài hước”. 

Thời gian sau đó, Zellweger đã phải luyện nói tiếng Anh một cách chuẩn xác, tinh tế, cô cũng phải tăng 20 pounds (gần 10kg) để vào vai nàng Jones mũm mĩm, tập hút thuốc lá thảo dược và cô đã phải thực tập tại nhà xuất bản sách Picador ở London như một nhân viên bình thường. 

Trước khi bộ phim được phát hành, Renée Zellweger đã phải chịu nhiều châm biếm, công kích khi một người Mỹ được chọn vào vai một cô gái người Anh. Tuy nhiên, sự thể hiện của Zellweger trong bộ phim đã xóa bỏ mọi nghi ngờ. Cô thực sự hóa thân xuất sắc trong vai tiểu thư Jones đáng yêu của nước Anh, làm nên thành công chính cho bộ phim. “

Sự hóa thân kỳ diệu của Zellweger khiến nhân vật Bridget trở nên vô cùng duyên dáng, hấp dẫn và sống động như bước ra từ đời thực” - New York Times nhận xét.

Tháng 7/2000, các vai nam chính đã được trao cho Colin Firth và Hugh Grant. Đây cũng có thể nói là sự “đo ni đóng giày” cho hai chàng trai với hai tính cách trái ngược. 

Đặc biệt, sự xuất hiện của Colin Firth trong vai Mark Darcy vô cùng thú vị, vì trước đó, nam diễn viên  đã rất thành công với vai Fitzwilliam Darcy của Kiêu hãnh và định kiến năm 1995, nay anh tiếp tục trở lại với một Darcy khác trong Nhật ký tiểu thư Jones.

Bí mật nằm ở chỗ, nữ tác giả Helen Fielding là một trong những “fan cuồng” của cuốn tiểu thuyết kinh điển này, cho nên khi xây dựng các nhân vật cho Nhật ký tiểu thư Jones, bà đã đưa rất nhiều chi tiết trong Kiêu hãnh và định kiến vào tác phẩm của mình. Thậm chí nhân vật nam chính cũng được mang họ Darcy để nhắc nhớ tới Fitzwilliam Darcy.

Với một “tinh thần nước Anh” thấm đẫm và xuyên suốt tác phẩm, bộ phim đã thực sự lay động gần như tất cả trái tim của khán giả Anh quốc ngay từ khi công chiếu bằng sự hài hước, tinh tế và sâu sắc đầy ẩn ý. Ngay sau đó, bộ phim ngày càng trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, thu về hơn 280 triệu đô la doanh thu.

 

Với các phần tiếp theo, loạt phim đã thu về hơn 756 triệu đô la trên toàn thế giới so với ngân sách tổng là 100 triệu đô la. Zellweger đã được đề cử giải Oscar cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất năm 2001 với vai diễn Bridget Jones. Năm 2016, nhân vật Bridget Jones được BBC bình chọn là một trong bảy phụ nữ có ảnh hưởng nhất đến văn hóa nữ giới của Anh quốc trong bảy thập niên.

Những quý cô không hoàn hảo

Dường như suốt gần hai thập niên qua, sức hấp dẫn của Nhật ký tiểu thư Jones vẫn chưa bao giờ suy giảm và trở thành một trong những bộ phim chick - flick (là thuật ngữ không chính thống dùng để chỉ kiểu phim hướng đến khán giả trẻ, đặc biệt là nữ giới) được yêu thích nhất mọi thời đại.

Với Nhật ký tiểu thư Jones, nữ tác giả Helen Fielding đã thực sự thành công trong việc xây dựng hình tượng một quý cô Jones là cô gái ta luôn nhìn thấy đâu đó hằng ngày; thậm chí trong mỗi chúng ta cũng luôn có một Bridget Jones đang tồn tại.

Đó là những cô gái ngoài 30 độc thân với một chút buông thả, không xinh đẹp, thừa cân, không khéo léo và cũng không tài giỏi. Nhưng trải qua cả ba phần của bộ phim, Jones dường như chưa bao giờ gục ngã và buông xuôi.

Jones chọn cách đối diện với những thất bại của cuộc đời bằng sự hài hước, vui vẻ và độc lập. Cho dù có đàn ông hay không, Jones vẫn luôn làm chủ cuộc đời mình, không ngừng mơ ước, không ngừng hướng tới hạnh phúc. Helen Fielding cho biết, những năm 90 ở Anh quốc, phụ nữ độc thân thường không được tôn trọng và bị đem ra làm trò đùa.

Vì thế, Helen đã quyết định mang Jones tới, để khẳng định cô đơn ở tuổi 30, 40 hay hơn thế nữa cũng chẳng có gì đáng tuyệt vọng và cân nặng hay những khuyết điểm cơ thể cũng chẳng thể che lấp giá trị của bạn. Bạn vẫn có thể có sự nghiệp, có nhóm bạn thân để bù khú và an ủi, thậm chí có những đứa trẻ của riêng mình. Chỉ cần bạn biết yêu bản thân và không ngừng cố gắng, bạn vẫn có quyền ước mơ và hạnh phúc.

Một trong những thành công nữa của Nhật ký tiểu thư Jones là “chất Anh quốc” đậm đặc trong từng câu thoại dí dỏm, giễu nhại một cách duyên dáng. Đó là những nét đặc trưng của văn hóa với lễ rửa tội tại nhà thờ, không khí giáng sinh, đặc biệt là âm nhạc với những giai điệu nước Anh dường như đã vượt ra khỏi giới hạn của bộ phim.

Các ca khúc Out of Reach của Gabrielle và It’s Raining Men của Geri Halliwell, All By Myself của Céline Dion… đều trở thành những “hit”  liên tục phá vỡ kỷ lục của nhiều bảng xếp hạng tại Anh quốc và trên toàn thế giới trong suốt thời gian bộ phim công chiếu và cả sau đó.

Thẳng thắn và trực diện, Nhật ký tiểu thư Jones như một tiếng nói đầy mạnh mẽ của nữ giới vào những năm 90 về những vấn đề được xem là khá nhạy cảm lúc bấy giờ như: những mối tình tay ba, những rạn nứt trong hôn nhân, tình một đêm, làm mẹ mà không biết cha đứa trẻ là ai... Những vấn đề ấy cho đến giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Dưới góc nhìn hài hước, sâu sắc, xuyên suốt cả ba phần phim, tác giả từng bước giúp cô tiểu thư Jones vụng dại tháo gỡ các nút thắt trong cuộc đời mình, bước qua những cái nhìn xét nét, khắt khe của xã hội, mạnh mẽ đối diện, lựa chọn và chấp nhận.

Bộ phim cũng gửi đi thông điệp vô cùng nhân văn đến phụ nữ toàn thế giới: dù bạn là ai, ở độ tuổi nào, độc thân hay kết hôn, dù bạn đã trải qua bao nhiêu thất bại hay đầy những khuyết điểm, chỉ cần bạn biết yêu thương bản thân và không bao giờ ngừng cố gắng, bạn vẫn có quyền nuôi dưỡng ước mơ và vươn tới hạnh phúc. 

Lan Anh 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI