Sự dai dẳng của ký ức không trong suốt

24/02/2020 - 07:27

PNO - Điều Nguyễn Hữu Tuấn muốn kể, không hẳn là về những bộ phim, mà về cuộc sống những người ông đã gặp, tựa như những cái tên phim hiện lên trong tâm trí khán giả song giờ đã mờ nhòe hết cả.

Lấy tên tập truyện ký của mình là Những thước phim trong suốt, nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn có vẻ như muốn nói rằng cõi phim ảnh một đời theo đuổi đầy phù du. Giờ đây, bằng những trang văn, phải chăng ông tìm thấy một cách diễn đạt có mùi vị của chính mình?

Cuốn sách gồm 30 bài viết có tính hồi ức của Nguyễn Hữu Tuấn về những năm tháng học nghề hóa chất, đam mê điện ảnh rồi nhất định đi học bằng được để thành nhà quay phim. Nhưng từ những năm tháng rất trẻ ấy, Nguyễn Hữu Tuấn đã vấp phải thực tế: hình như một bộ phim hay cần quá nhiều điều để thực hiện được ở một nền điện ảnh thời chiến tranh và bao cấp thiếu thốn, nhưng cũng hình như nó chỉ cần một điều: tư duy điện ảnh.

Tác giả, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn
Tác giả, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn

Như một nhân chứng của nền điện ảnh nước nhà từ thời những bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng đến tận những năm 2000, Nguyễn Hữu Tuấn gợi nỗi ngậm ngùi về con đường điện ảnh mình đã trải qua. Có nhiều thứ đấy, mà cũng chỉ “toàn quay những thước phim "sạch sẽ" như nước cất trong phòng thí nghiệm. Không màu sắc, không mùi vị”. 

Nhưng điều Nguyễn Hữu Tuấn muốn kể, không hẳn là về những bộ phim, mà về cuộc sống những người ông đã gặp, tựa như những cái tên phim hiện lên trong tâm trí khán giả song giờ đã mờ nhòe hết cả. Người ta nhớ tên phim, nhớ hình ảnh các diễn viên một thời, nhớ cái không khí có màu sử thi lung linh, nhưng khó mà nhớ được một phong cách, một thủ pháp, một mỹ cảm nổi bật nào. 

Những người đã gặp - cũng là tên một bộ phim năm 1977 Nguyễn Hữu Tuấn tham gia quay - không ai giống ai, và đều được ông khắc họa đậm đà: một cô gái Trung Quốc cậu học sinh Hữu (tên gọi thời trẻ) yêu khi đi học ngành hóa chất ở Thượng Hải những năm 1960 đã thành Hồng vệ binh, một họa sĩ Hà Nội già khiêm nhường hay những bậc đàn anh có tài mà tài “chỉ có vậy”, một nữ diễn viên để lại nơi ông vết thương lòng sâu đậm… Nguyễn Hữu Tuấn kìm nén bày tỏ cảm xúc, bình tĩnh gợi lại ký ức. Sự nhạy cảm của nhà làm phim lâu năm khiến ông chú ý đến khả năng biểu đạt những số phận qua bối cảnh, qua dáng điệu, qua một câu bỏ ngỏ rơi giữa dòng.

Đọc những trang viết của Nguyễn Hữu Tuấn, tôi thầm ước giá như điện ảnh không phải là một cuộc chơi tốn kém, hẳn chúng có thể đã là những trường cảnh phim đắt giá. Nhưng dường như Nguyễn Hữu Tuấn khiêm nhường nhận mình là người của một thời “đã gặp”, ông muốn tìm tòi mình ở góc độ nhiếp ảnh và hội họa.

Phong cách hình ảnh Nguyễn Hữu Tuấn đã được chú ý từ những năm tháng bao cấp, khi ông say mê vẻ đẹp những ngôi làng Bắc bộ hay phố phường Hà Nội thời tưởng như ai cầm máy ảnh hay cầm bút vẽ lên cũng ghi được tác phẩm. Dĩ nhiên không phải thế! Chính Nguyễn Hữu Tuấn và nhiều đồng nghiệp thời ấy đã ngấm một không gian văn hóa truyền thống, để rồi họ thành người tạo mới vỏ nghĩa cho các không gian bằng khung hình của mình. 

Các câu chuyện trong tập Những thước phim trong suốt cung cấp cho người đọc hình dung về một Hà Nội rất đặc thù của những gia đình đã sống ở mảnh đất này nhiều thế hệ. Vẫn còn đó cái nhẩn nha của những người con trai lớn lên từ những gia đình nền nếp, cái bặt thiệp của gã trai phố giúp họ biết ứng xử trước những vẻ đẹp dễ làm trỗi dậy ham muốn, sự bình thản đặc trưng của thị dân trước những biến cố cuộc đời.

Tất nhiên ở đây cần nhắc đến gia đình nghệ thuật đặc biệt của Nguyễn Hữu Tuấn: anh trai là đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện, em trai là nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo, cha mẹ vợ là cặp NSND Tiêu Lang - Kim Xuân, hai nghệ sĩ cải lương nức tiếng từ trước năm 1954, em dâu và cũng là em vợ - NSND Như Quỳnh, gương mặt điện ảnh nổi tiếng suốt nhiều thập niên.

Có những bộ phim có sự tham gia chung của mấy người trong gia đình, chẳng hạn Duyên nợ, Đêm miền yên tĩnh (Nguyễn Hữu Luyện đạo diễn, Nguyễn Hữu Tuấn quay phim, Như Quỳnh thủ vai chính), Bến không chồng (Nguyễn Hữu Tuấn quay phim, Như Quỳnh diễn)… Chúng đọng lại một không khí tài hoa trong những cảnh quay của Nguyễn Hữu Tuấn, trong vẻ đẹp điện ảnh của Như Quỳnh… song trong một nền điện ảnh bấy lâu sống trong bao cấp đến cùn mòn cả đề tài, thì ký ức người xem có xu hướng bảo tàng hóa chúng như những cảnh tĩnh, mà các giai thoại hậu trường có khi còn rôm rả hơn cả tác phẩm.

Đó cũng là cảm giác tò mò của người đọc khi lật giở những trang viết không đề rõ tên các nguyên mẫu, ai là nữ diễn viên X, ai là đạo diễn Y? Toàn những nhan sắc của khóa II trường điện ảnh Việt Nam, những cô gái đẹp Sài Gòn thời mới giải phóng… Liệu sau những hồi ký và tự truyện điện ảnh gây nhiều xôn xao, thì Những thước phim trong suốt có tiếp tục tô đậm tính chất “mêlô” của đặc thù ngành này? 

Và cuối cùng, đối tượng hưởng lợi nhất chính là Hà Nội, khi lần nữa được gợi lại một thời thương khó xa xôi, nhưng không phải để mủi lòng trước những bi hài kịch dễ kể. Hà Nội của Những thước phim trong suốt, ngay cả lúc lam lũ nhất, vẫn còn kẻ yêu được nó, cảm được màu sắc, mùi vị của nó, cho dù có lúc hắn đã không dám ghi lại. 

Buổi giao lưu ra mắt sách Những thước phim trong suốt - cuốn sách đầu tay của tác giả Nguyễn Hữu Tuấn, và trò chuyện về “Văn - Họa - Ảnh: Những điểm chạm” với sự tham gia của tác giả, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn; dịch giả, họa sĩ Trịnh Lữ; nhà văn Nguyễn Trương Quý sẽ diễn ra lúc 15g ngày 25/2 tại YLang Gardenista, số 2 Lê Thạch, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 

Nguyễn Trương Quý

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI