Có một gương mặt Sài Gòn

20/01/2017 - 14:41

PNO - Trên mảnh đất này, ngay tại thành phố này 42 năm sau, có những gương mặt đàn bà đã tạc nên một phần lịch sử của cuộc chiến tranh giữ nước.

“Rồi, vậy chị khỏi đi kiếm báo mua thêm, à, mà em nhớ đóng dấu chữ kính biếu, để chị Sáu tặng bạn bè, đồng đội, cũng vui hơn…” - Tiếng chị Bình vừa dứt, tôi chụp ngay cái nón bảo hiểm, leo xe ôm, ôm theo chồng báo Phụ Nữ, số Xuân 2017, chạy đến nhà bà Sáu Hộ - nhân vật trong bài viết Đã thôi cơn sóng đọa đày của tác giả Lê Trung Việt.

Bà ra tận cổng. Mắt nhấp nháy, sợ không nhận ra người quen. Tôi cười, cô và con lần đầu mình gặp. Bà gật đầu, ừ, vậy vô nhà đi con, bác sĩ dặn, phải giữ kỹ, kẻo lại nhiễm trùng lần hai…

Bức tường ken đặc giấy khen, bảng ghi nhận công đức, mới cũ theo dọc dài năm tháng bà Sáu đi làm từ thiện. Bà khoe tôi cuốn kỷ yếu về Những tấm gương thầm lặng mà cao cả, bà vừa được tuyên dương, cũng vỏn vẹn mấy dòng về một Việt kiều yêu nước thông qua hàng trăm hàng ngàn chuyến từ thiện xã hội, chia sẻ khó khăn với đồng bào cả nước.

Co mot guong mat Sai Gon
Nụ cười bình dị, an nhiên của dì Cẩm Tiên.

Tôi lật trang, như muốn tìm muốn đọc những dòng chữ khác nữa, không chỉ bấy nhiêu “công trạng” ở con người mang bí danh Tư Sương, Sáu Hộ (Nguyễn Thị Hộ). Bà hiểu. Quay đi. Nói nhỏ, vậy là vui lắm rồi con ơi…

Phải vào tận hang cọp thì mới bắt được cọp. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Sáu Hộ chấp chới, mịt mùng, đơn độc giữa hang hùm miệng cọp. Tuổi thanh xuân, một thời nhan sắc lồng lộng, bà đổi lấy để có được tin tức từ phía địch. Bao ê chề, tơi tả khi một mình đối diện thân mình, để rồi vẫy vùng đi tiếp, chỉ vì cất giấu một lẽ phải trong tim, trong óc.

Cái lẽ phải ấy, cuối cùng cũng được chính lẽ phải nhận diện, đồng đội tình cờ tìm ra được bà, “nhặt” lại cái thân phận nữ điệp báo cho Tư Sương, Sáu Hộ. Một bảng đề công cho mẹ. Nhưng không ít dằn vặt, trách cứ từ con. Một đứa con lai lại có mẹ là Việt cộng nòi. Một sự dè dặt không ít. Bà ray rứt với con, mang theo cảm giác có lỗi với những người mà một quãng đời bà gắn bó, dù với “vai diễn” danh phận gì thì cũng chen vào đấy một chút toan tính, nghi hoặc.

Tôi ngước nhìn tấm bằng Huân chương Kháng chiến hạng 3 vừa được trao cho Sáu Hộ, năm 2015. Mới toanh. Nhưng không hề lấp lánh. Góp phận mình vào ngày vinh quang của Tổ quốc nhưng sao tôi không nhìn thấy ánh mắt người chiến thắng, sao không nghe một lời kể để gọi đấy là chiến công... 

Để rồi chợt nhận ra, trong cái khoảng lặng giữa bà và tôi, trong những quanh co lịch sử, trong những con chữ gập ghềnh, không ít người chiến thắng vẫn rơi nước mắt cho người chiến bại, ngay trên mảnh đất này. Cuối câu chuyện, bà nói nhỏ, với cách mạng, mình không tiếc máu xương, nhiệm vụ của tổ chức giao, mình chỉ biết hoàn thành.

Bà ngưng bặt. Tôi vội bước ra sân, có chút nắng xuân lạ lùng vừa xuống. Bà bước theo ra, tay cầm cái nón bảo hiểm, nói, con đem về cho Việt giùm cô, hổm tới nói chuyện, phỏng vấn, cậu ấy chắc bận ghi chép nên quên, bỏ lại cái nón.

Đồng nghiệp của tôi có trí nhớ cực tốt. Nhưng có lẽ, “cơn sóng đọa đày” đã khiến anh, sau cuộc trò chuyện với nhân vật Sáu Hộ, đi như chạy, như trốn khỏi một sự ám ảnh về thân phận đàn bà khốc liệt giữa thời chiến, rồi nay, cứ lưng chừng nơi chốn… Tôi cầm một lúc hai chiếc nón bảo hiểm, nhưng quanh co, ngoằn ngoèo mấy con hẻm, hình như, tới phiên mình, tôi không biết đường nào trở ra…

* - Con trai cô đó - bà nói, tôi nhìn theo một thanh niên cao ráo - hai thằng cháu nội, đang ngủ trỏng. Ngồi chơi với con, chút cô còn vô nấu cơm cho chú…

Tôi gật gù theo niềm vui đang lấp lánh trong mắt bà. Cẩm Tiên, Chín Nghĩa, Sáu Hà… đủ cả, mỗi vùng đất đi qua, từng địa bàn hoạt động là một bí danh.

16 tuổi, Cẩm Tiên đã chịu cảnh tù đày. Thông minh, lanh lợi, học gì vô nấy, thi đâu đậu đó, đậu vô Gia Long áo tím, nhưng học là mấy, tranh thủ thời gian rải truyền đơn, kêu gọi tinh thần yêu nước, đấu tranh trong học sinh sinh viên. Khi bị chuyển qua trường Đức Trí, Cẩm Tiên vẫn tiếp tục hoạt động, gầy dựng phong trào.

Co mot guong mat Sai Gon
Bà Tư Tâm nắm tay dặn dò Sáu Tam - biệt danh " Con Ba chiến đấu": ráng khỏe để còn gặp nhau, thăm nhau nghe hông...

Dịp quay lại trường Gia Long hoạt động, bị bắt, tên cảnh sát tra hỏi, mày không học ở trường này, vô đó làm gì. Cẩm Tiên nhanh trí, tui có nhỏ bạn thân học ở trường, tui vô kiếm nó thăm chơi. Có anh bạn cũng bị bắt, cũng bị tra hỏi y chang, ảnh trả lời, tui có người yêu học ở trường này, tui nhớ quá, leo rào vô thăm người yêu…

Cả buổi chiều, trời Sài Gòn vần vũ mây mưa, tôi ngồi bên hiên nhà nghe bà kể chuyện tù đày. Mây đen, gió thốc ào về, như làm nền cho câu chuyện bạo liệt, đi qua cuộc đời người phụ nữ có cái tên đẹp như bà. Suốt buổi, tôi khi thì nắm giữ mấy ngón tay của bà, khi lại xin phép ôm trọn bờ vai bà, như kiểm chứng ngàn lần nhân vật ngồi trước mặt, xương này, thịt này là có thật, lẽ nào…

Chúng trói thúc ké hai tay, rút ngược bà lên trần nhà, rồi cho đi “tàu bay”; cứ sau mỗi chuyến đi "tàu bay", bà bảo, người mình như cục thịt lủng lẳng, không có tay chân. Chúng kẹp điện ở đầu ngón tay rồi bật cầu giao, điện giật, đẩy bà văng vào góc nhà, sau đó, chúng kẹp vào đầu lưỡi, đầu vú. Điện quăng quật bà tứ phía. Sau đó, bà cảm giác đầu óc mình lơ ngơ suốt. Nhưng hãi hùng nhất là trò tra tấn bằng con lươn, chúng đưa lươn vào cửa mình. Đứa con gái trần truồng ngất đi trong cái ê chề, đau đớn, kinh hoàng.

Đáp lại, tất cả chỉ hai từ “không biết”.

Không biết. Không khai. Không hợp tác. Nhưng không có nghĩa là nín lặng. Tay sĩ quan chửi, bà chửi lại. Chúng tát bà chảy cả máu miệng. Bà nói, các ông muốn tui nói, khi tui nói, các ông lại đánh tui, vậy mà các ông bảo là các ông thương dân. Chỉ có tụi Mỹ mới đánh người dân mình, các ông cũng là người Việt, sao lại đánh đập, sát hại người Việt, các ông còn thua loài cầm thú.

Không đấu lại nổi “miệng lưỡi con nhỏ Việt cộng”, chúng lại đánh đập bà. Đòn tra khảo cuối cùng là chúng thả bà qua Nhà thương Chợ Quán, vô khu bệnh nhân điên. Bà bị còng tay, quăng giữa sàn nhà ở chung với năm phụ nữ bị tâm thần. Bà mềm oặt, rũ người.

Một người điên bước tới, dòm dòm ngó ngó rồi quay đi, lát sau, trở lại, cầm theo miếng bánh mì lượm đâu từ ngoài ống cống, đút cho bà ăn. Mùi tanh, mùi thối, bà cố ngậm vì trước đó mấy giây đã có một người điên dặn nhỏ, chút bả có đút nhớ giả bộ ăn, không thì bả nổi cơn bả đánh dữ lắm nha… Đám lính canh bất chợt xông vào nạt nộ.

Bà lơ mơ, chẳng biết ai điên ai tỉnh… rồi ngất đi.

Gió thổi riết cũng đẩy được đám mây đen. Trời chiều sáng dần. Tôi nhắc bà đã đến giờ nấu cơm. Bà gật nhưng vẫn không đứng dậy. Bất chợt, một câu nói nhẹ qua vai tôi, cô đâu có sinh nở được đâu con, tụi nó tra tấn vậy, còn gì là mình. Thằng con này là của em trai thứ chín của cô, cô nhận nó làm con…

Sao trong niềm hạnh phúc khi được cưu mang, nuôi dưỡng một đứa trẻ họ hàng, trong cái bù đắp tròn đầy của người yêu cũ, cũng là người bạn đời nhân hậu, thủy chung, tôi vẫn cứ phải cúi đầu, như thể mình đã khiến bà bật ra cái căn nguyên không cần phải nói ấy.

Chẳng lẽ, những đòn tra khảo kinh hoàng của kẻ thù lại không khiến bà đau hơn cái đoạn trường mà bà buộc phải nhận lấy vào mình. Có một điều gì đó, hơn cả nỗi xót xa, vượt cả sự bất nhẫn, bởi sự mặc định của cái gọi là “thiên chức đàn bà”, tôi bất chợt phẫn nộ, nhưng lòng dịu lại, chỉ muốn ôm lấy bà như một lời chào, lời hẹn gặp.

Co mot guong mat Sai Gon
Vợ cậu Ba Tài gượng dậy đón ly rượu xuân từ đồng đội của chồng.

Những ngày cuối năm, đường phố rộn ràng, bà lại đi thăm đồng đội, ghé nhà người đã từng bảo bọc, che giấu, nuôi nấng mình. Đường nào cũng quen quen lạ lạ. Sài Gòn xây nhanh quá, nhà cao tầng cứ mọc lên thì đường đi hẹp lại.

Bà len qua mấy cầu thang trong khu chung cư 30 Thạch Thị Thanh, đặng thăm Sáu Tam, chân yếu, không đi lại được. Chị em cùng hoạt động phong trào một thời, người ở liên quận 2-4, người ở Phân khu 1, phía Bắc, từ Gò Vấp, Củ Chi, lên tuốt Trảng Bàng, Tây Ninh.

Sáu Tam đẹp người, mắt sáng, mũi thẳng, bà kể, giọng tự hào, nó là “con Ba chiến đấu” đó. Sáu Tam cười, là do thằng Méo ở Tổng nha cảnh sát gọi em đó chị Tư. Ờ, chắc tại nó thấy mày chiến dữ quá, đánh cỡ nào cũng không khai, chịu đòn số một luôn…

Câu chuyện một thời cứ ngắt quãng bởi nhớ nhớ quên quên. Cũng có lúc, không hẳn vì quên… Có ai đó nhắc, hổm lên Suối Sâu (An Tịnh - Trảng Bàng - Tây Ninh), đi ngang qua chỗ anh Tư Tươi hy sinh. Ảnh hy sinh buổi sáng, tới trưa chiều mới lấy được xác ra.

Bà im lặng. Tiếng của cậu Ba Tài, ông chỉ còn một tay, một tay gửi lại chiến trường, thương cha con lắm, nếu ổng ở lại nhà với cậu thì đã an toàn, nhưng ổng cứ muốn ra nhà dân, có chỉ điểm, tụi nó ném pháo, bắn rát, mình hy sinh ráo trọi.

Thương cha bây lắm, pháo làm ông bay cả hai bên má - tiếng của một nữ đồng đội, từng đi tìm xác của Tư Tươi - tức Tô Văn Tươi - Phó bí thư Đoàn Phân khu 1.

Con gái chao ánh mắt đi, như không thể nghe thêm được nữa. Bà hình như sợ con mình không chịu nổi, khoát tay, bảo chết cách gì thì cũng là chết, thôi, không nói chuyện đó nữa.

Ông Ba Tài rót rượu, hết năm rồi, ôn chuyện cũ là để lo cho chuyện mới, cho tụi nhỏ, giờ mấy người mình uống với nhau một ly đi chị Tư.

Vợ ông Ba Tài, đang bệnh, cũng gượng dậy cạn ly với chồng, đồng đội của chồng. Giữa họ, còn hơn cả thâm tình. Họ chậm rãi, bình dị sống. Không màng vinh quang. Chỉ bất chợt nhắn nhủ, còn sức khỏe, ráng về thăm nhau, kẻo mai này đi ráo, không còn dịp gặp nữa… Sáu Tam gồng cánh tay gầy, chiến đấu nữa nghen chị Tư…

Tôi mang theo những bí danh Tư Sương, Chín Nghĩa, Sáu Tam… loanh quanh qua từng con hẻm của Sài Gòn, ngẩng lên, trùng trùng cao ốc, trời xanh như thu nhỏ lại, ngó xuống, đất ngoằn ngoèo, chật chội nhưng đủ lối ra, để biết thêm, yêu thêm và nặng lòng thêm với một Sài Gòn nối dài những phận người thời
hậu chiến.

Svetlana Alexievich - chủ nhân giải Nobel Văn chương 2015 khẳng định “chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ”. Nhưng trên mảnh đất này, ngay tại thành phố này, 42 năm sau, có những gương mặt đàn bà đã tạc nên một phần lịch sử của cuộc chiến tranh giữ nước. Để từ họ, vì họ, tôi mới hiểu, Sài Gòn vươn cao hay Sài Gòn xuống sâu, bởi trong muôn vạn chiều kích, ngay cả lưng chừng, Sài Gòn đã được kết tinh từ những con người mang phẩm chất hy sinh, nhân nghĩa. 

Lê Huyền Ái Mỹ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI