Có bài thuốc giải độc thủy ngân?

09/09/2019 - 06:37

PNO - Trước thông tin thủy ngân thất thoát ra môi trường từ 15,1-27,2kg sau vụ cháy kho Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông, người dùng mạng xã hội đã đăng tải rất nhiều bài thuốc giải độc. Nhưng thực hư hiệu quả thế nào?

Một số người sử dụng mạng xã hội đã đăng tải rất nhiều bài thuốc dân gian, khẳng định sẽ giải được ngộ độc thủy ngân và kim loại nặng ra khỏi cơ thể. Những bài thuốc như rong biển, hành tây, gừng, tinh dầu, long nhãn, táo tàu… với các công thức chưng, hấp, nấu được hướng dẫn rất chi tiết.

Co bai thuoc giai doc thuy ngan?
Một trang mạng xã hội rao bán thuốc giải độc thủy ngân

Trang N.S.H.P. còn cung cấp công thức nấu nước uống với hướng dẫn: rong phổ tai bốn lá rửa sạch, hành tây hai củ nhỏ, gừng ba lát, thêm hai bát nước, đun nhỏ lửa 45 phút được một bát nước. Tắt lửa, cắt nhỏ rau mùi cho vào, chắt nước uống trong ngày, làm trong 3-4 ngày liên tiếp. 

Không ít người bán hàng trực tuyến còn phân tích rất kỹ về tác dụng của tinh dầu, nước cất, hoặc những bài thuốc “y học cổ truyền”… Nguy hiểm ở chỗ, dưới mỗi sản phẩm quảng cáo được mọi người gửi lời cảm ơn, ủng hộ, không ai thắc mắc về thành phần, liều lượng sử dụng; trẻ em, phụ nữ mang thai có uống được không...

Theo bác sĩ đông y Võ Tấn Đăng Khoa, khi cơ thể có sự tích lũy kim loại nặng, người mắc phải cần được xét nghiệm, kiểm tra, theo dõi, có trường hợp phải điều trị thải độc theo phác đồ của bác sĩ. Nếu muốn sử dụng các loại thuốc y học cổ truyền để giải độc, người dùng cần tìm hiểu, tham khảo ý kiến bác sĩ để biết hàm lượng, tác dụng phù hợp với cơ địa người bệnh. 

“Những phương thuốc đang được lan truyền hầu hết đều có công dụng giải nhiệt cơ thể, tránh đầy hơi, khó tiêu, táo bón… cũng có ích để bồi bổ cơ thể, nhưng uống quá nhiều, vào lúc chiều, tối có thể gây hàn, nhiệt, phản ứng mạnh rất nguy hiểm. Nhất là với người bệnh đang uống thuốc điều trị tiểu đường, tim mạch, huyết áp…

Co bai thuoc giai doc thuy ngan?
Bác sĩ Đông y Võ Tấn Đăng Khoa

Thậm chí phụ nữ mang thai ở những tháng đầu tiên cũng có nguy cơ sẩy thai cao. Chưa kể, những công thức được nhiều người nhắc tới là thực phẩm nên chỉ có tác dụng ở đường ruột, đường tiêu hóa, không thể thẩm thấu vào máu vì sẽ bị phân hủy”, bác sĩ Khoa cho biết.

Theo bác sĩ Khoa, trong cơ thể mỗi người vẫn có một hàm lượng kim loại nặng nhất định, rất nhỏ, còn gọi là chất vi lượng. Kim loại nặng trên bảng tuần hoàn có số thứ tự từ 40 trở đi, đa số là độc hại. Nếu cơ thể nhiễm mức kim loại này vượt ngưỡng so với quy định, người mắc có thể bị nhiễm độc. 

Có nhiều cách để đào thải kim loại nặng trong đường ruột như uống nhiều nước, ăn thực phẩm có thành phần phản ứng với kim loại nặng. Ăn thực phẩm giàu probiotic như sữa chua, váng sữa, phô mai, đậu tương, dưa muối, cải chua… những thực phẩm có chứa polyphenol như cây hồi, bạc hà khô, hạt lanh, bột ca cao, sô-cô-la đen, trà xanh, quả việt quất, dâu tây, nho đen và mận... các chất này có nhiệm vụ phản ứng, chuyển hóa và đào thải kim loại.

Ngoài ra, trong thực đơn gia đình nên có những thực phẩm chứa lưu huỳnh tự nhiên như các loại rau họ cải (cải bông xanh, cải xoăn, cải xoong, cải bắp), súp lơ, tỏi, hành tây, tỏi tây, hẹ…

Khi ăn những thực phẩm này, chúng sẽ tạo phản ứng với thủy ngân tồn dư trong cơ thể tạo thành chất rắn thải ra bên ngoài qua phân; nếu bị nhiễm độc, khi đi tiêu, phân sẽ có màu đen, đặc khối, nặng mùi. Đặc biệt, rau mùi như ngò, ngò rí, rau cần, ngò thơm, mùi gai… có tác dụng khử độc thủy ngân, kim loại nặng, loại bỏ chất độc qua đường tiểu.

“Tuy nhiên, các loại thực phẩm chứa hàm lượng lưu huỳnh tự nhiên, thực phẩm giàu chất xơ và có polyphenol kể trên chỉ nên áp dụng giúp cơ thể thải độc hằng ngày, hoặc người bị nhiễm độc khí nhẹ. Để sử dụng an toàn, người dân cần đến bác sĩ để được khám, tư vấn liều lượng, cũng như thực phẩm cần thiết.

Theo tìm hiểu, đông y chưa có bài thuốc hoàn chỉnh nào có thể thải được độc kim loại nặng. Nhiễm độc kim loại nặng, nhất là thủy ngân phải điều trị bằng thuốc chuyên biệt sau khi người bệnh có kết quả xét nghiệm xác định kim loại đang bị nhiễm, nồng độ nhiễm độc trong máu và nước tiểu… theo phác đồ điều trị và theo dõi lâu dài”, bác sĩ Khoa nói thêm. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI