Chuyển động mới trên thị trường bán lẻ Việt Nam

05/05/2013 - 07:47

PNO - PN - Theo quy hoạch của Bộ Công thương thì đến năm 2020, cả nước sẽ có 1.200 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm, 180 trung tâm thương mại (hiện nay cả nước có khoảng 717 cửa hàng bán lẻ hiện đại, 8.600 chợ truyền thống). Ai cũng thấy...

Chuyen dong moi tren thi truong ban le Viet Nam

Ảnh minh họa: vccinews

Thời điểm này, các nhà bán lẻ tiếp tục đa dạng hóa các mô hình kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng, từ đại siêu thị, siêu thị, trung tâm phân phối sỉ đến cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm. Trong đó, cùng với tốc độ phát triển các cao ốc văn phòng, khu chung cư cao cấp, nhà hàng, khách sạn…, mô hình đại siêu thị kết hợp phân phối hàng số lượng lớn, hay kết hợp tổ hợp mua sắm hiện đại và tiện ích với quy mô 5.000-10.000m2 được dự đoán sẽ phát triển nhanh chóng trong tương lai gần.

Mới đây nhất, tập đoàn bán lẻ Auchan (Pháp) đã quyết định đầu tư 500 triệu USD trong 10 năm tới vào thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy ngành bán lẻ Việt Nam đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Mô hình của Auchan là cung cấp hàng hóa từ các quốc gia, đồng thời thu mua hàng nội địa để phân phối tại thị trường nước ngoài. Như vậy, hàng Việt có thêm cơ hội để phát triển ra nước ngoài qua kênh phân phối của Auchan. Cũng cuối tháng Tư vừa qua, Tập đoàn Bitexco đã khánh thành trung tâm mua sắm Icon68 với diện tích lên đến 10.000m2, gồm tổ hợp trung tâm mua sắm, khu ẩm thực, khu giải trí… Vào giữa tháng Năm này, đại siêu thị Co.op Xtra plus đầu tiên sẽ khai trương tại Thủ Đức, TP.HCM. Mô hình hoạt động của đại siêu thị là vừa bán lẻ, vừa phân phối hàng hóa số lượng lớn. Đại diện Co.opMart cho rằng, việc ra đời Co.op Xtra plus nhằm xác lập vị thế và gia tăng thị phần trên thị trường bán lẻ trước nguy cơ các tập đoàn bán lẻ ngoại “đổ bộ” vào Việt Nam.

Chuyen dong moi tren thi truong ban le Viet Nam

Ảnh minh họa: dunghangviet.vn

Ở mô hình cửa hàng tiện lợi, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) năm 2013 đã định hướng phát triển mới: thay vì mở cửa hàng tiện ích Satrafoods tại các quận huyện vùng ven, Satra sẽ tập trung phát triển hệ thống cửa hàng ở các quận nội thành. Không chỉ tăng về số lượng, mô hình Satrafoods cũng phải liên tục đổi thay để tăng tính chuyên nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.

Tuy nhiên, thị phần vẫn chủ yếu nằm trong tay các đại gia ngoại. Trên thị trường bán lẻ Việt Nam đang có đến 21 doanh nghiệp (DN) 100% vốn đầu tư nước ngoài. Các DN Việt Nam tuy có số lượng đông đảo, nhưng để lại dấu ấn không nhiều. Theo các chuyên gia trong ngành bán lẻ, các DN bán lẻ Việt Nam bộc lộ nhiều yếu kém như kho hàng, bến bãi phân tán và hoạt động không hiệu quả; lượng hàng dự trữ mỏng, mạng lưới phân phối kém chuyên nghiệp; phát triển manh mún, tự phát, chưa có chiến lược hợp lý… Đó là chưa kể đến việc chính các DN Việt còn kèn cựa “tàn sát” lẫn nhau và không thể liên kết để có thể hỗ trợ những mặt yếu của nhau.

Sự thiếu hụt nhân sự được đào tạo chuyên nghiệp cũng là một lỗ hổng lớn cho sự phát triển ngành bán lẻ hiện đại Việt Nam. Theo Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, phần lớn nguồn nhân lực của ngành này đều chưa qua đào tạo (chỉ khoảng 4-5% nhân lực được đào tạo chuyên ngành).

Khánh Vy - Mỹ Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI