Chuyện buồn mùa... xét kết nạp hội viên Hội Nhà văn

08/01/2020 - 09:05

PNO - Ôi trời, vậy đến lúc cần phải giải thiêng danh xưng hội viên Hội Nhà văn rồi chăng? Nhưng bằng cách nào?

“Đi vậy. Phong bì cho họ em nhỉ? Mỗi người một phong bì được không? À, phong bì thì nên bao nhiêu?”. “Cái đó phải có anh ơi. Khoảng 3 – 5 triệu”. “Ok em. Cảm ơn em”.

“Bác cho em xin một phiếu. Em biết cỡ em chả ra gì. Coi như một phiếu của bác an ủi, chứ lấm lưng trắng bụng thì chả còn mặt mũi nào”.

Đọc đoạn thoại đầu tiên, chắc hẳn nhiều người nghĩ là phi vụ dàn xếp gì đó.  Thực tế đây là đoạn tin nhắn của một nhà - thơ - cảm - tử - quân sẵn sàng thả - bom - phong - bì để được vào Hội Nhà văn Việt Nam. Đoạn thoại sau, có thể là xin phiếu bầu làm… trưởng thôn? Không, nhà văn nào đó đang đối diện một trong những vị thuộc Ban chấp hành Hội.

Hai mẫu thoại trên chỉ là hai trong vô vàn những ví dụ để thấy sự nhộn nhịp cuối năm ở các Hội Văn học Nghệ thuật, mà điển hình là Hội Nhà văn, với việc kết nạp hội viên và xét giải thưởng thường niên.

Tin nhắn của một nhà - thơ - cảm - tử - quân sẵn sàng thả - bom - phong - bì để được vào Hội Nhà văn Việt Nam - Ảnh: L.V.P
Tin nhắn của một nhà - thơ - cảm - tử - quân sẵn sàng thả - bom - phong - bì để được vào Hội Nhà văn Việt Nam - Ảnh: Đ.S.M


Hà Nội, mùa đông năm…, không phải 1946, mà là năm nào cũng vậy, đều nóng lên bất chấp thời tiết lạnh thất thường. Trước và sau khi danh sách tác giả ứng viên qua hai vòng xét, hội đồng/ban chuyên môn và Ban chấp hành, được công bố, văn đàn lại được phen tán vào bàn ra.

Không rõ từ bao giờ, giới chữ nghĩa hình thành nên những nhóm tác giả, kiểu như nhà thơ dầu khí, nhà thơ cao su, nhà thơ cấp thoát nước, nhà phê bình ngoảnh lại (chờ nửa năm, cuối năm viết một hai bài sơ kết, tổng kết văn chương năm qua). Hằng năm, số lượng tác giả này được “dán mác” hội viên Hội Nhà văn càng tăng lên. Không phải qua đường “chính ngạch” mà là “tiểu ngạch”, hay còn gọi là: lẻn vào, như cách giang hồ văn chương thường nói. Ví dụ đầu tiên mà người viết kể ở trên là trường hợp như vậy. Và sau khi được dán mác, hầu như ai cũng nghĩ mình là đồng nghiệp của cụ Nguyễn Du, hoặc ít ra là Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng ước, mỗi nhà văn Việt Nam chỉ cần để lại một tác phẩm thật sự giá trị thì với hơn 1.000 hội viên, nền văn chương đương đại của chúng ta đã có hơn 1.000 tác phẩm, vô địch thế giới chứ chả đùa. Nhưng đấy là ước mơ của thần đồng thơ đứng giữa “Góc sân và khoảng trời” thuở nào. Thực tế, nhiều nhà văn ôm mộng và bất chấp để trở thành hội viên Hội Nhà văn không phải để có sáng tác để đời (vì ai cũng biết, thẻ hội viên không thể giúp nhà văn viết hay hơn) mà chỉ để “nhắm mắt xuôi tay” thanh thản, có được mẩu Tin buồn và bài tưởng nhớ trên báo Văn nghệ khi mất. Thậm chí, nói không ngoa, để có một chiếc thẻ nhà văn, khi đi đường, lỡ có bị các anh cảnh sát giao thông tuýt vào vì vi phạm gì đó, thì giơ ra để năn nỉ các anh thông cảm. Ai lại nỡ phạt nhà văn, nhà thơ?

Tất nhiên bài viết không muốn vơ đũa cả nắm; vẫn có những nhà văn lao động về nghề hết sức bền bỉ và có tác phẩm được công chúng đón nhận. Nhưng phần nhiều, của đáng tội, nhiều hội viên khi mất, ngoài Tin buồn với vài dòng tiểu sử thì báo không sao đặt được bài viết tưởng nhớ, vì văn chương của họ lúc đương thời có găm được vào lòng độc giả và đồng nghiệp đâu.

Tổng số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay lên tới con số hơn 1000 người
Tổng số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay lên tới con số hơn 1.000 người

 

Có lẽ nhiều người “nhúng” vào chữ đều bị cụ Nguyễn Công Trứ “thuốc” cho, bằng câu “Phải có danh gì với núi sông”. Phải tội cái là, không biết chữ mình đang ở đâu. Văn mình vợ người. Lỗi này, nếu có, là do hồn nhiên, thơ ngây. Nếu cần lôi ra, tẹt roi vào mông, thì phải tìm người cầm cân nảy mực. Nhiều vị, vẫn chém gió ở các diễn đàn, kêu gọi điều hay lẽ phải, phản biện xã hội như thần, nhưng xét đến cùng, vào vai trọng - tài - chữ trước các đồng nghiệp còn chưa xong.

“Thông cảm đi. Các bác chấp hành chấp tỏi có tuổi cả rồi. Sức nào mà đọc của tất cả anh em. Cứ abc, xyz cho có, là xong thôi.”

Ôi trời, vậy đến lúc cần phải giải thiêng danh xưng hội viên Hội Nhà văn rồi chăng?

Nhưng bằng cách nào?

Nếu được thì nên tháo khoán, mở toang cánh cửa cho anh em chữ nghĩa hội nhập luôn. Khỏi cần là Hội chính trị xã hội nghề nghiệp nữa, khỏi cần kinh phí Nhà nước, ai thích thành hội viên thì đóng phí, phát thẻ vào Hội. Anh chị em rau cháo thương nhau vui với chữ nghĩa, có phải hay không? Lúc đó đông vui phải biết, đường lớn công khai, không cần len lén, chắc chắn vui như hội.

Còn cứ như hiện nay, đất nước vẫn còn 5 mùa, xuân - hạ - thu - đông và mùa xét kết nạp hội viên Hội Nhà văn. Chồng hồ sơ xin vào Hội vẫn còn nhiều. Mỗi năm lại dày hơn lên. Xếp hàng dài dài, đến… vô tận, vật vờ như chợ người thời bao cấp...

Lê Văn Phú

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI