Chương trình giáo dục phổ thông mới có thật sự mới?

28/12/2018 - 19:11

PNO - Đây là băn khoăn của rất nhiều nhà giáo khi đọc chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD-ĐT vừa công bố chiều 27/12.

Chưa thấy sự đột phá

Nhiều nhà giáo dục quả quyết: chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) vừa được công bố không khác mấy so với các bản dự thảo trước đó. Vì thế, các nhà giáo không mấy hân hoan, phấn khởi khi xem qua chương trình GDPT mới này. 

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), cho rằng: “Mục tiêu giáo dục đề ra rất nhiều nhưng vẫn cứ hàn lâm, không mang phẩm chất của thanh thiếu niên thời đại có khả năng thích nghi, chủ động và tổ chức tốt. Chương trình phổ thông mới đòi hỏi người học có nhiều năng lực, phẩm chất quá, hướng đến sự toàn diện mà quên phát huy phát triển cá thể. Trong ba cấp học, tiểu học có thể là nền tảng toàn diện nhưng lên THCS và THPT nhất thiết phải phát triển theo hướng khơi gợi tính cá thể. Những điều chúng tôi mong mỏi đều không thấy trong chương trình mới”. 

Chuong trinh giao duc pho thong moi co that su moi?
Học sinh liệu có hạnh phúc khi đến trường với chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2020-2021

Theo ông Phú, phương pháp dạy tích hợp môn học rất hay nhưng đứng ở góc độ quản lý trực tiếp sẽ hiểu điều này không dễ dàng. Từ năm 2020 sẽ áp dụng chương trình lớp Sáu, giáo viên sẽ thích ứng như thế nào bởi trước nay họ được đào tạo đứng lớp theo phân môn? Trường sư phạm đã thay đổi chương trình và phương thức đào tạo giáo viên chưa? Nhưng đáng bàn hơn là lực lượng giáo viên hiện hữu quá lớn, muốn điều chỉnh rất vất vả, khó khăn, nhất là thầy cô trên 45 tuổi. 

Hiệu trưởng trường THPT tại Q.Tân Bình chia sẻ: “Tôi mong chờ ở sự đổi mới trong tổ chức nhà trường để phục vụ cho chương trình mới. Tổ chức nhà trường hiện nay quá nặng tính biên chế. Tại sao không hướng đến nhà trường phổ thông nhiều cấp học? Chỉ cần một hiệu trưởng và ba hiệu phó phụ trách chuyên môn từng bậc học. Vừa hạn chế nhân sự, tăng đầu tư cho giáo dục vừa tạo ra môi trường giáo dục liên tục, xuyên suốt để phát triển cá thể”.

Giảm giờ học liệu có giảm tải?

“Quá tải” là hình dung chân thật nhất với học sinh phổ thông trong nhiều năm nay. Từ hình ảnh chiếc cặp quá nặng của học sinh tiểu học đến chương trình thiên về lý thuyết, thời gian học tập lấn át giờ vui chơi và lịch kiểm tra, thi cử quá dày... 

Để khắc phục nhược điểm của chương trình hiện hành, ở chương trình mới, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ áp dụng sáu biện pháp để giảm tải. Cụ thể, sẽ giảm số môn học và hoạt động giáo dục. Ở chương trình tiểu học mới, lớp Một và lớp Hai có bảy môn học (giảm ba môn); lớp Ba có chín môn học (giảm một môn); lớp Bốn và lớp Năm có mười môn học (giảm một môn). 

Chương trình mới của các lớp THCS đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp Sáu và lớp Bảy có 16 môn học; lớp Tám và lớp Chín có 17 môn học. Chương trình mới của các lớp THPT đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp Mười và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học. 

Chương trình mới sẽ giảm số tiết học. Ở tiểu học, học sinh học 2.838 giờ, tăng so với chương trình hiện hành (học 2.353 giờ) nhưng chương trình mới học hai buổi/ngày (chín buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn. Chương trình hiện hành là chương trình học một buổi/ngày (năm buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học.

Ở THCS, chương trình mới có 3.070 giờ, giảm 53,5 giờ so với hiện tại. Học sinh THPT chỉ còn học 2.284 giờ, thời lượng học sẽ giảm mạnh, từ 262 giờ đến 315 giờ tùy định hướng.

Những biện pháp mới mà Bộ GD-ĐT cho là ưu điểm liệu có đủ để giảm tải thực sự? Xin thưa là rất khó! Nếu không thay đổi quan niệm và phương thức thi cử thì chương trình, phương pháp có thay đổi cũng bằng không. Học sinh đang học để thi. Thời lượng, phân bổ của chương trình hiện nay không hẳn quá tải, thậm chí là thấp hơn thời lượng học của các nước. 

Số liệu của OECD (Education at a Glance 2014: OECD Indicators) cho thấy, tính trung bình, mỗi học sinh tuổi từ 7 đến 15 ở các nước OECD học 7.475 giờ (60 phút/giờ). Trong khi đó, thời lượng học của học sinh tiểu học và THCS theo chương trình GDPT hiện hành của Việt Nam là 5.424 giờ, thấp hơn 2.051 giờ. Nội dung học tập của học sinh Việt Nam, trừ một vài trường hợp cá biệt, cũng không cao hơn các nước. 

Ví dụ, ngay những tuần đầu học lớp Một, học sinh Canada đã phải thực hiện phỏng vấn các bạn cùng lớp về số lượng, chủng loại vật nuôi trong nhà và trình bày kết quả thống kê thành biểu đồ. Mỗi ngày, học sinh phải đọc một cuốn sách với cha mẹ; mỗi tháng tối thiểu đọc 20 cuốn. Từ lớp Một đến lớp Bốn, mỗi năm học sinh bang California, Mỹ phải đọc số lượng sách tương đương 500.000 từ…

Nhưng đó là lý thuyết. Thực tế, học sinh Việt Nam học ngày đêm vẫn không giải quyết hết bài vở; thành tích áp lực từ hiệu trưởng xuống thầy cô, đến trò; học thêm, luyện thi ráo riết chỉ để đối phó với một vài kỳ kiểm tra lẽ ra rất nhẹ nhàng. Cả nước như đánh trận trước một kỳ thi cho học sinh lớp 12… Tất cả những điều đó chỉ để hướng đến cái đích cuối cùng của sự học là vượt qua kỳ thi

Chương trình mới giảm thời lượng nhưng chưa chắc giảm tải thật sự nếu không thay đổi quan niệm đánh giá và phương thức thi cử để người học có thể an tâm dựa vào sách giáo khoa cũng đủ để thi. Vì sao học sinh phải luyện thi? Vì đề thi khó hoặc cao hơn chương trình các em học. Học sinh lẫn người dạy đều mệt mỏi vì cách đánh giá. Muốn hạn chế quá tải, luyện thi, học thêm chỉ có một cách: giảm áp lực thi cử

, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM.

Thanh Thanh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI