Chúng ta làm được gì cho những người đã hy sinh?

04/08/2022 - 16:33

PNO - Không chỉ tưởng nhớ anh linh 3 liệt sĩ đã hy sinh khi chữa cháy, mỗi người chúng ta cũng cần nâng cao ý thức trong việc phòng cháy.

Trước đây, tôi từng trực tiếp chứng kiến diễn tập chữa cháy. Năm nào lực lượng chữa cháy bán chuyên trách cũng được học, được diễn tập vậy mà năm nào cũng có người không dập được lửa, dù đám lửa đó chỉ là xăng được đổ vào một cái máng dài chưa đầy 2m rộng và 1m ngang. Qua đó có thể thấy việc chữa cháy khó khăn thế nào.

Hiện trường vụ cháy khiến 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC hy sinh
Hiện trường vụ cháy khiến 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC hy sinh

Cứ hình dung, khi có cháy, trong khi mọi người hoảng loạn, la hét tìm cách để chạy thoát thì chiến sĩ chữa cháy phải lao mình vào khói lửa. Vì ở đâu đó, nơi bị ngọn lửa hung tàn bao trùm, có những con người không quen biết đang run rẩy không biết chạy đường nào, đang khổ sở không biết tránh ngạt ra sao. Khi mà sự sống cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, lực lượng cứu hộ không có sự phân vân. Nếu biết chắc là chỗ nào sẽ sập, sẽ bùng nổ, không ai dám bước chân lên. Nhưng chỉ là “có thể”. Họ không để những phân vân làm chậm bước chân của mình. Bởi vì nó đồng nghĩa với việc có thể cứu thêm nạn nhân. Và, nhiều chiến sĩ đã bị thương tật, đã hy sinh trong những tình huống như vậy.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ nhường ai”, câu hát đó, lúc này nghe thấm thía biết bao. Tôi chẳng biết vì lẽ gì họ tham gia vào lực lượng chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Chắc chắn trước khi mặc đồng phục chuyên nghiệp họ biết rõ những khắc nghiệt của nghề. Và khi đã trải qua nhiều “trận chiến” họ có ân hận về chọn lựa của mình không? Tôi nghĩ là không. Cứ xem những dòng mà trung úy Đỗ Đức Việt (đã được truy phong thượng úy) viết trên Facebook của mình, cũng dễ dàng nhận thấy đó là một người hiểu rõ những khắc nghiệt mà các chiến sĩ làm công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn phải đối mặt, nhưng vẫn luôn yêu đời và yêu nghề.

Bộ Công an đã truy phong quân hàm, Chính phủ đã truy tặng huân chương, đã công nhận liệt sĩ. Và chắc chắn những người đồng đội sẽ không quên chăm sóc gia đình của 3 liệt sĩ đã hy sinh trong vụ cháy. Còn chúng ta, những người dân thường, chúng ta có thể làm gì ngoài việc tưởng nhớ anh linh, cầu cho họ siêu thoát? Chúng ta không thể làm gì hơn cho họ! Nhưng đồng đội họ còn đây, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở khắp nơi trên đất nước này.

Chúng ta không thể lao vào lửa cứu người như họ, nhưng chắc chắn có 1 việc chúng ta có thể làm để giảm bớt hiểm nguy cho họ là hãy sống có ý thức hơn trong việc phòng cháy. Chúng ta có thể trang bị bình chữa cháy, tìm hiểu và tự thực tập các kỹ năng thoát hiểm... Đó là những cách có thể giúp cho đồng nghiệp của họ ít gặp nguy hiểm hơn. Và tất nhiên ngân sach Nhà nước cũng cần quan tâm nhiều hơn để họ được trang bị phương tiện đầy đủ, hiện đại hơn, giúp tác nghiệp an toàn hơn.

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI