Chừng nào mới hết 'gửi gắm' trong giáo dục?

09/03/2019 - 10:44

PNO - Vụ một Trưởng Phòng Giáo dục huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) tố Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh này "trả thù" vì không nâng đỡ 2 trường hợp ông này gửi gắm cho thấy đang có nhiều "con sâu" trong bộ máy công quyền cần phải thanh lọc.

Sau kỳ thi tuyển giáo viên ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), ông Trần Minh Điệp - Trưởng phòng Giáo dục huyện này bị cách chức, chuyển sang làm Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy. Bức xúc, ông Điệp tố cáo rằng, mình bị Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh là ông Đoàn Dụng “trả thù” vì không “giúp đỡ” hai trường hợp mà ông Dụng gửi gắm. 

Về việc này, ông Dụng nói: “Mình nhờ mà không giúp được thì thôi chứ không có chuyện trả đũa”. Còn ông Đinh Xuân Hùng - Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ huyện Trà Bồng - thừa nhận: việc kỷ luật ông Điệp là do “áp lực của các văn bản” của tỉnh, Sở Nội vụ yêu cầu một là cách chức, hai là giáng chức. 

Chung nao moi het 'gui gam' trong giao duc?
Ông Trần Minh Tiệp - nguyên Trưởng phòng GD-ĐT huyện Trà Bồng

Như vậy là đã có lời giải đáp cho câu hỏi: có hay không việc ông Giám đốc Sở Nội vụ “trả thù” ông Trưởng phòng Giáo dục?

Để giải quyết sự nhờ vả của ông giám đốc Sở Nội vụ là việc chẳng khó khăn với ông Trưởng phòng Giáo dục. Nhưng nếu ông giám đốc gửi gắm được thì các ông phó giám đốc, lãnh đạo các sở khác, chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh, huyện… cũng gửi được. Kết quả là những ứng viên vốn dĩ không đủ năng lực, nhưng có người gửi gắm, sẽ trở thành viên chức nhà nước, còn những người giỏi giang nhưng thân cô thế cô, không nơi cậy nhờ, sẽ bị loại oan uổng.

Chung nao moi het 'gui gam' trong giao duc?
Những tin nhắn được cho là từ số điện thoại của ông Dụng gửi cho ông Điệp

Có không ít trường hợp như thế đã xảy ra. Còn nhớ câu chuyện của bạn trẻ Bùi Thị Hà, ở TP. Hà Giang, tốt nghiệp thủ khoa Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 nhưng đành phải ngậm ngùi “ở nhà nuôi heo”. Suy cho cùng, cũng vì Hà sinh trưởng với tấm bằng xuất sắc, thừa nhiệt huyết, trong gia đình thuần nông và không có nơi để nhờ cậy.

Cũng từ Hà Giang, câu chuyện gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua với 144 thí sinh được nâng điểm, trong đó có con và cháu ông Bí thư Tỉnh ủy, phần nào cho thấy “quyền uy” của giới quan chức đã góp phần tạo ra bất công.

Công bằng với tất cả mọi người tưởng là dễ, nhưng nó chỉ có khi mọi hoạt động công khai, minh bạch. Đáng tiếc, văn hóa “gửi gắm”, “chạy chọt” để trở thành công chức, viên chức, giáo viên, thậm chí là hiệu phó, hiệu trưởng ngày càng phổ biến, mà các quan chức như ông Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi chính là những người góp phần tạo ra nó. Hậu quả là năng lực viên chức yếu kém, “sự cố” gây tai tiếng cho ngành giáo dục ngày càng nhiều. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI