Chức đã hết, tước đã trả, nhà công ôm khư khư

22/04/2020 - 07:44

PNO - Soi tư cách người cán bộ, không đâu xa chính là vào quyền và lợi ích mà họ đảm trách và mức độ thụ hưởng.

Lần theo danh sách 12 vị cựu quan chức bị yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ, nào là cựu phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cựu phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cựu phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cựu thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch… nào cựu tổng biên tập báo Đảng cộng sản, cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội… tôi đồ rằng, hẳn giờ các vị ấy đang chua chát lắm, bẽ bàng lắm.

Tòa nhà CT1-CT2 Khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội - nơi 12 cựu quan chức chưa trả nhà công vụ - Ảnh: Trọng Tài/Tiền Phong
Tòa nhà CT1-CT2 Khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội - nơi 12 cựu quan chức chưa trả nhà công vụ - Ảnh: Trọng Tài/Tiền Phong

Chức vụ (đã từng) to đến thế kia, những toàn đại diện cho các giai cấp, thành phần xã hội ưu việt như công nhân, nông dân, mặt trận, văn hóa, tư gia chắc cũng không đến nổi chật chội, chằng chống; vậy mà lại vướng vào cái danh sách “con giáp nợ nần”, rõ là...

Còn giả như quý vị không lấy gì làm ái ngại, thì tôi - một “con dân” lại tự thị mà bẽ bàng thay, chua chát giùm. Bởi chức đã hết, tước đã trả, sao còn ôm khư khư làm chi cái nhà công vụ? Nghỉ hưu là việc tới ngày tới tháng, trước khi nhận quyết định là đã có thông báo thời điểm nghỉ. Bao nhiêu năm đương chức, bấy nhiêu sự việc lớn còn tính toán, sắp đặt được, huống gì thu xếp thời gian để hoàn trả một tài sản công, lại "lúng túng" đến thế kia. 

Cũng là một vị quan, đã từng dặn dò “Để tâm dân chúng, mình lo trước điều thiên hạ phải lo” (Nguyễn Trãi). Suy cho cùng - là cái chung, nghĩ cho tận - là tư cách cá nhân thì đã phải hoàn trả mà không chờ nhà nước đòi, huống gì là đòi những 2-3 lần; hoặc trả ngay sau khi vừa bàn giao chức vụ, trả ngay sau thời hạn nhà nước đã tạo điều kiện (6 tháng) để thu xếp chỗ ở mới. 

Tôi đọc trên Tuổi trẻ, ngày 21/4, không phải 12 cựu quan chức “chây ì” không bàn giao nhà ở công vụ đều thiếu nhà ở, thậm chí bà cựu phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam còn để lại nhà công vụ cho các cháu họ của bà ở, bản thân bà đã chuyển vào Nam sinh sống. 

“Đã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc. Cho hay đường lợi cực quanh co” (Nguyễn Trãi), nhưng rõ ràng, việc thiếu ý thức trong sử dụng tài sản công, cố tình (hay vô ý) chây ì không hoàn trả nhà công vụ là biểu hiện của bệnh tham lam - một trong 8 căn bệnh và là căn bệnh đầu tiên mang “vi trùng rất độc” của chủ nghĩa cá nhân mà Hồ Chủ tịch đã chỉ ra trong Sửa đổi lối làm việc, năm 1948. Cũng trong tác phẩm này, về đạo đức cách mạng, Người nêu ra chữ Liêm - “là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa”. 

Họ, những cựu quan chức khi không nỡ, không thể, không chịu bứt mình ra khỏi những căn nhà công vụ ấy, họ đã học tập được gì, sửa đổi như thế nào từ những lời chỉ dẫn rành mạch của Hồ Chủ tịch? Mới chỉ là nhà công vụ, sau khi nghỉ hưu; còn bao nhiêu thứ đã từng không thuộc về mình, vốn không phải của cá nhân, ngay lúc đương quyền, có là lợi ích tập thể như chính Người đã chỉ rõ: “Có những cán bộ chỉ thấy lợi ích bộ phận của mình, không thấy lợi ích của toàn thể, muốn đem lợi ích của toàn thể phục tùng lợi ích của bộ phận mình”. 

Soi tư cách người cán bộ, không đâu xa chính là vào quyền và lợi ích mà họ đảm trách và mức độ thụ hưởng. Việc này thì chẳng phải đợi nghỉ hưu mà ngay cả khi đương chức, cũng là thước đo phẩm giá của bất kỳ vị công bộc nào. Chỉ có điều, lật đằng sau bản “con giáp nhà công vụ” kia, nghĩ tới những tiếng nói đã từng “cất lên” đại diện cho hàng triệu công nhân, nông dân, các giai tầng chí sĩ, trong số ấy nhiều lắm những con người khốn khó, cùng cực, không chua chát thay, không bẽ bàng giùm thì thật lấy làm lạ! 

An cư rồi mới lạc nghiệp, muốn an hẳn phải tri túc - biết đủ thì mới có thể nhàn. Chèo kéo, ôm giữ của nả làm chi cho lắm, lại là thứ không phải của mình, miếng đã thừa mà tiếng lại thiếu, thiếu liêm chính lẫn chí công! 

Ái Mỹ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI