Chủ tịch Trương Tấn Sang thăm và làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế

03/03/2013 - 20:48

PNO - PNO - Sáng 3/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Chu tich Truong Tan Sang tham va lam viec voi tinh Thua Thien - Hue

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho GS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Bùi Đức Phú

Sau khi dự lễ kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam tại Bệnh viện Trung ương Huế và trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới cho GS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác đã đi thăm, khảo sát thực tế tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Chỉ sau 7 năm thành lập, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã thu hút được 32 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 35.474 tỷ đồng (tương đương 2,22 tỷ USD).

Chu tich Truong Tan Sang tham va lam viec voi tinh Thua Thien - Hue

Chủ tịch Trương Tấn Sang đề nghị cần nâng công suất hoạt động của cảng Chân Mây 

Trước những khó khăn, kiến nghị đề xuất của BQL Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và Cảng Chân Mây về nguồn vốn để đầu tư, mở rộng phát triển và việc cần thiết phải xây dựng hệ thống đê chắn song tại cảng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, hiện nay cảng Chân Mây vẫn còn do tập đoàn Vinashin quản lý. Do vậy, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có công văn gửi các bộ, ban, ngành của Trung ương để tranh thủ thêm ý kiến, giao cảng Chân Mây cho tỉnh quản lý. Như vậy, mới hợp lý khi đề xuất thêm nguồn vốn đầu tư, mở rộng phát triển cảng Chân Mây.

Buổi chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tại buổi làm việc, những khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị đã được lãnh đạo tỉnh nêu rõ: một số dự án như Đề án xây dựng TP Huế thành TP Festival đặc trưng của Việt Nam; Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; Dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A, 49A, 49B… chưa bố trí được nguồn lực; cơ sở vật chất của Đại học Huế chưa được đầu tư đồng bộ, nên chưa trở thành Đại học Quốc Gia, Đại học Quốc tế Huế. Qua đó, tỉnh đã đề xuất với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác cho thực hiện song song 2 đề án: Đề án phân loại đô thị loại I và Đề án đưa cả tỉnh thành TP trực thuộc Trung ương, để phát triển đô thị theo hướng “Đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”. Thừa Thiên Huế rất mong sớm hoàn thành các hồ sơ thủ tục trình Chính phủ, QH thông qua Đề án cả tỉnh thành TP trực thuộc Trung ương và được thông qua Đề án vào đầu năm 2014.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Trương Tấn Sang ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian qua. Chủ tịch cũng lưu ý, Thừa Thiên - Huế cần xác định thế mạnh của mình để thúc đẩy phát triển, nhất là vấn đề du lịch, bởi có nhiều di sản. Đây là một thuận lợi và là thế mạnh cần được phát huy. Thừa Thiên - Huế cũng là địa phương góp phần quan trọng trong hành lang kinh tế Đông Tây. Từ hành lang này, khách du lịch tăng, kéo xuất nhập khẩu tăng theo. Chủ tịch nước đề nghị: Tỉnh cũng cần quan tâm phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương để soát xét lại những tiền đề, tiềm năng, thế mạnh của mình để tiếp tục thúc đẩy phát triển. Những vấn đề nào còn khó khăn, Chính phủ cùng với tỉnh tập trung tháo gỡ. Hiện nay, cảng Chân Mây đã quá tải, cần phải nâng công suất hoạt động lên. Riêng đường Cam Lộ - Túy Loan, tỉnh cần phối hợp với ngành giao thông, cùng tháo gỡ khó khăn, để tuyến này sớm đi vào hoạt động.

THUẬN HÓA 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI