Chồng không có quyền stress?

11/02/2023 - 15:21

PNO - Bây giờ, anh nên tìm kiếm sự đồng cảm của vợ chứ không phải cố gắng thay đổi quan điểm của cô ấy và gia đình cô ấy.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Vợ tôi chịu ảnh hưởng từ gia đình, có lối suy nghĩ rất định kiến: đàn ông phải mạnh mẽ, không than vãn, không được mệt mỏi thất vọng vì bất kỳ chuyện gì. Có lẽ do cha vợ tôi vốn là người tay trắng lập nghiệp, đến nay thì gia đình khá giả nên ông thích đem chuyện mình ra dạy dỗ người khác.

Lúc mới cưới, tôi cho đó là chuyện nhỏ. Nhưng rồi cuộc sống gia đình phức tạp dần, nhiều chuyện vợ chồng không tìm được tiếng nói chung vì cách suy nghĩ đó của vợ tôi.

Thời điểm dịch COVID-19, tôi bị mất việc và một thời gian lâu sau đó không tìm được việc mới. Gia đình căng thẳng, kinh tế khó khăn, chúng tôi lại mới có bé thứ hai nên cuối cùng tôi đã phải chấp nhận làm một công việc mình không thích. Sau mấy tháng, không chịu nổi cách đối xử của chủ, tôi quyết định nghỉ việc.

Vợ tôi cho là tôi không có trách nhiệm, không cố gắng vượt khó… khiến tôi rất mệt mỏi. Tôi đã giải thích là tôi sẵn sàng làm việc khó, việc nặng nhưng phải được tôn trọng và đối xử đàng hoàng, chứ tôi không chịu được khi chủ cư xử theo kiểu vô học.

Từ lần nghỉ việc đó tới giờ, tôi đã đổi 2 chỗ nữa, cũng đều do chủ không hợp. Hiện tại, tôi chạy xe công nghệ nhưng cảm thấy rất thoải mái. Thu nhập từ công việc không cao, lại thêm mưa nắng mệt mỏi bụi bặm, thỉnh thoảng về nhà tôi than mệt thì thấy vợ tôi rất khó chịu.

Mới đây, cha vợ kêu tôi qua nói chuyện, ý ông muốn thu xếp tôi làm cho gia đình, với điều kiện chịu khó, có ý chí, quyết tâm… và tôi từ chối thẳng. Làm việc đã mệt, thêm người suốt ngày đi theo dạy đạo lý, chịu sao thấu.

Vậy là vợ chồng cãi nhau. Vợ tôi cho rằng chỉ vì cái tật hay than vãn, không chịu khó nên tôi mới như ngày nay. Chẳng lẽ đàn ông thì không được stress? Tôi phải làm sao để thay đổi suy nghĩ của vợ và nhà vợ?

H.Việt (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Anh H.Việt thân mến, 

Con người chứ đâu phải gỗ đá vô tri mà không có lúc mệt mỏi, căng thẳng. Ai cũng có quyền được mệt, nghỉ ngơi, chọn lựa công việc phù hợp với tính cách và thể chất của mình. Vợ anh chắc chắn hiểu tình trạng tinh thần và sức khỏe của anh.

Bây giờ, anh nên tìm kiếm sự đồng cảm của vợ chứ không phải cố gắng thay đổi quan điểm của cô ấy và gia đình cô ấy - việc rất khó và nên là việc của nhiều người khác nữa chứ không chỉ riêng anh.

Khi mệt mỏi, căng thẳng vì bị đối xử bất công trong công việc, anh có thể kể cho vợ nghe nhưng đừng kể quá nhiều, quá chi tiết. Mệt thì cứ nghỉ, bệnh thì đi khám, uống thuốc, nằm nhà nghỉ ngơi… Lúc đó, vợ anh sẽ hỏi và tự tìm hiểu. Phụ nữ vốn có sự cảm thông sâu sắc.

Tuy vậy, anh cũng cần tránh, không nên giải thích cho vợ theo kiểu do mệt, căng thẳng nên quyết định nghỉ việc. Nếu lấy lý do như vậy, sau vài lần thấy lý do lặp lại, sự đồng cảm của vợ anh có thể không còn.

Mặt khác, khi bệnh, kể cả mệt mỏi về thể chất và tinh thần, anh nên cùng vợ đến gặp bác sĩ để kiểm tra xem có bệnh tật nào giấu mặt mà mình không biết, đồng thời hỏi ý kiến chuyên môn để chọn công việc phù hợp. Vợ anh sẽ hiểu chồng hơn, bớt dần việc đem thành kiến áp đặt lên anh mãi. 

Về chuyện làm việc bên nhà vợ, quyết định của anh là hợp lý: khi chưa giải quyết được mâu thuẫn trong gia đình nhỏ, đừng để mâu thuẫn loang ra đến cả gia đình lớn. Tuy nhiên, cách từ chối của anh có thể phải điều chỉnh cho phù hợp.

Ví dụ anh cứ cảm ơn cha vợ, rồi xin phép để vợ chồng anh bàn bạc nhằm đưa ra quyết định chung. Cuối cùng, anh phải chủ động tiếp tục tìm công việc phù hợp, tìm chỗ làm khiến anh cảm thấy thoải mái, không nên ỷ lại vào việc chạy xe công nghệ mà không nỗ lực tìm kiếm công việc anh mơ ước.

TPHCM là một thị trường việc làm phong phú, chắc sẽ không phụ lòng anh. Đó mới là điểm then chốt giải quyết vấn đề đang nổi cộm trong gia đình anh. Chúc anh thành công.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Dũng Phan (TP Thủ Đức, TPHCM): Phải tìm cách cân bằng giữa cái tôi và những mục tiêu gia đình lớn lao

Tôi chia sẻ cùng anh câu chuyện này. Tôi cũng rơi vào tình huống tương tự như anh. Suốt một khoảng thời gian dài, vợ chồng tôi vô cùng căng thẳng, đỉnh điểm sắp dẫn đến ly hôn. Vợ tôi cho rằng tôi hèn kém, không biết nghĩ đến vợ con. Theo cô ấy, khi đặt vợ con làm mục đích duy nhất, thái độ của tôi với công việc sẽ khác.

Tôi suy nghĩ rất nhiều về câu nói của vợ tôi và cảm thấy có lý. Tôi tự vấn hàng vạn lần: “Thật ra mình muốn gì cho mình và gia đình mình?”. Tôi muốn vợ tôi sung sướng, thong dong, tự hào về chồng. Tôi muốn con cái hãnh diện về cha, bằng bạn bằng bè.

Từ đó, tôi đã cố gắng vượt bậc, biết tiến lùi đúng. Theo tôi, đàn ông chúng ta phải tìm cách cân bằng giữa cái tôi và những mục tiêu gia đình lớn lao. Đôi lúc, tôi chấp nhận dẹp luôn cái tôi để tập trung vào cái tôi muốn. Từ câu chuyện của tôi, mong anh ít nhiều rút được bài học cho mình.  

Thân Hà Trần (Quận Tân Bình, TPHCM): Phải sớm ổn định

Hoàn cảnh của anh quả thật khá rối rắm và dễ làm người trong cuộc cảm thấy mệt mỏi. Vậy nhưng bây giờ con cái ngày càng lớn, chúng ta không thể cứ làm mãi những việc tạm bợ mà phải sớm ổn định. Đàn bà chúng tôi luôn mong sự ổn định. Nếu thương vợ con, anh sẽ biết mình phải làm thế nào để giảm bớt lo lắng, tránh tình trạng vợ chồng suốt ngày cãi cọ.

Bây giờ, trước tiên, anh nên kiếm một việc làm ổn định. Tôi không nói chạy xe công nghệ là không ổn định nhưng có lẽ vợ anh cảm thấy tiếc cho trình độ và năng lực của anh nên mới nặng nhẹ như thế.

Có lẽ với anh, đó chính là phương án tốt nhất chạy trốn và lẩn tránh thực tại. Hy vọng anh suy nghĩ thấu đáo, sớm tìm được công việc yêu thích, đúng chuyên môn và năng lực.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI