Chồng bạo hành, gia đình như địa ngục

26/05/2025 - 06:00

PNO - Thiết nghĩ, nên có “cảnh sát chống bạo hành gia đình” có mặt mọi lúc, mọi nơi, để bảo vệ người yếu thế.

Clip ghi lại cảnh một người đàn ông đánh vợ dã man - Ảnh cắt từ clip
Clip ghi lại cảnh một người đàn ông đánh vợ dã man - Ảnh cắt từ cli

Clip người chồng ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đánh vợ tàn nhẫn đang được lan truyền nhanh trên mạng xã hội. Công an địa phương cho biết đã tiếp nhận đơn tố cáo của người vợ và thụ lý vụ việc. Trước khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng, tôi xin bàn thêm vài ý quanh vấn nạn bạo lực gia đình nhức nhối lâu nay.

Theo tôi, hành vi chồng bạo hành vợ thường xuất phát từ nhiều nguyên do như:

- Bản chất của người chồng thô lỗ, vũ phu, hở ra là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay vì bất cứ lý do gì. Đây là dạng người khó cải tạo, khó lòng đòi hỏi ở họ sự thay đổi.

- Người chồng ích kỷ, mang nặng tư tưởng chồng chúa - vợ tôi.

- Chồng nghiện rượu, hễ say xỉn là về nhà đánh vợ, con.

- Người vợ có lỗi nhưng không nhận lỗi mà luôn to tiếng ăn thua đủ với chồng, kiểu châm dầu vào lửa....

Bạn tôi kể, chồng chị không thích chị cắt tóc ngắn, không thích chị tô son môi, không thích chị mặc áo để tay trần… Chị may một bộ quần áo, nếu anh ta không thích, chị đành bỏ. Trang điểm hơi lâu một chút anh ta cũng nhăn. Anh ta kiểm soát mọi quan hệ xã hội của chị… Một lần, trong tâm trạng u uất, chán chường, chồng đi làm về chị không tươi cười chào đón như mọi khi, thế là anh ta hậm hực.

Tối hôm đó, chị phải nghe suốt đêm bài thuyết giáo của chồng về bổn phận của vợ với chồng. Chị cãi lại. Cuối cùng chị lãnh nguyên một cú đấm thật mạnh vào mắt trái.

Chị kể lại khi mọi thứ đã nguôi đi: “Đánh được một lần thì chắc chắn sẽ có nhiều lần khác. Gia đình mình như địa ngục".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một người bạn khác của tôi kể chuyện anh chồng mỗi khi nhậu xỉn về nhà đòi vợ phải phục vụ, nếu không đáp ứng là bị đánh. Khi đã có quyết định ly hôn rồi nhưng vì chưa có nơi ở riêng (nhà chưa bán được để chia) chị thường xuyên bị anh ta hăm dọa bỏ thuốc độc vào thức ăn cho 3 mẹ con chị chết rồi anh ta chết theo.

Chị sợ lắm, tất cả thức ăn chị phải giấu kín từ gạo, rau... Tủ lạnh chị cũng phải khóa. Sáng chị đưa con đi ăn ngoài rồi đi học. Chiều về 3 mẹ con nếu không ăn ở ngoài thì nấu cơm ăn vội vàng, dọn dẹp sạch sẽ trước khi anh ta về nhà. 1 năm sau, chị mới vay mượn được tiền mua ngôi nhà khác, dọn ra riêng. Hành trình đòi chia nhà cũng trăm cay ngàn đắng khi anh ta không chịu bán nhà mà muốn chiếm đoạt luôn.

Nhiều phụ nữ thường xuyên bị bạo hành mà họ không dám hé răng, chấp nhận coi như kiếp này mình "mang nghiệp", phải trả nợ người chồng vũ phu.

Bạn tôi ở Mỹ cho biết, có lần một người bạn của chị bị chồng đánh, có sự chứng kiến của đứa trai con 6 tuổi. Hôm ấy để cứu nguy cho mẹ, cháu cầm điện thoại gọi số 911. Tức thì cảnh sát đến, sau khi xem xét những vết thương của người phụ nữ, cảnh sát đã bắt giam người chồng về tội bạo hành gia đình, mặc cho lời xin tha tội cho chồng của người vợ rất thống thiết.

Anh chồng nếm mùi nhà giam 3 ngày và mất vài tuần đi học mấy lớp học về luật bạo hành gia đình, sau đó đã thấy chừa tật đánh vợ.

Ở Mỹ, tất cả cảnh sát đều có hệ thống điện đàm kết nối nhau, khi có chuyện gì khẩn cấp, cảnh sát ở gần hiện trường nhất sẽ phải đến nơi ấy giải quyết sự việc.

Thiết nghĩ, ở Việt Nam cũng nên có “cảnh sát chống bạo hành gia đình” có mặt mọi lúc, mọi nơi để bảo vệ cho người yếu thế. Ngoài việc xử lý nghiêm về mặt pháp luật như truy cứu trách nhiệm hình sự, người gây ra việc bạo hành cần phải học tập về luật gia đình.

Có sự can thiệp trực tiếp của người thi hành công vụ và cộng thêm sự dũng cảm khai báo của người bị bạo hành (nhất là người vợ), không bao che, không nhân nhượng hay nhu nhược, kiên quyết đấu tranh đến cùng để bảo vệ quyền bình đẳng, không bị ngược đãi.

Có như thế mới hy vọng giảm bớt nạn bạo hành gia đình mà phụ nữ và trẻ em lâu nay phải gánh chịu.

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI