Chọn mất tiền hay mất tình cảm của con?

16/01/2022 - 21:43

PNO - Cậu ấy không thấu đáo khi không hiểu tâm lý của người già. Tiền ở đây không đơn giản là tiền, nó là sự an bình, yên tâm của cha mẹ.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Con trai tôi năm nay 30 tuổi. Cháu có công việc làm đàng hoàng, đã có nhà riêng do vợ chồng tôi cho. Thế nhưng thỉnh thoảng, nghe bạn bè rủ rê, cháu vẫn thích góp vốn, làm ăn để có tiền nhiều hơn.

Cách đây mấy hôm, cháu nói muốn mượn toàn bộ số tiền tích lũy của vợ chồng tôi để làm ăn việc gì đó. Chỉ trong một tuần cháu sẽ trả lại ngay. Cháu sẽ có được số tiền lời tương đối khá để ăn Tết.

Thật lòng, vợ chồng tôi không muốn cho cháu mượn, vì đây là số tiền chúng tôi để dành phòng thân lúc ốm đau. Ngoài lương hưu vừa đủ sống, chúng tôi chỉ có khoản tiền này mà thôi.

Tôi lập tức trả lời cháu là không thể cho cháu mượn số tiền quan trọng với vợ chồng tôi như vậy. Cháu ra sức năn nỉ, cam đoan là không thể nào mất được. Nếu mất, cháu sẽ chịu trách nhiệm làm kiếm tiền và trả dần cho vợ chồng tôi.

Khi chúng tôi cương quyết từ chối, cháu rất tức giận, nói rằng không ngờ ba mẹ là người thân nhất mà cũng không giúp con cái làm ăn. Thôi để cháu vay mượn người ngoài. Cháu còn nói rất nhiều câu khiến vợ tôi vô cùng đau lòng. 

Vợ tôi nói với tôi, hay thôi cứ đưa tiền cho con. Thà lỡ mất tiền, mà con sẽ học được bài học, còn hơn là để tình cảm gia đình sứt mẻ. Nếu con vay người ngoài và thành công trong làm ăn, con sẽ cho rằng chúng tôi hoàn toàn sai và oán trách cha mẹ.

Tôi thì vừa sợ mất tiền, vừa sợ mất con, không biết nên làm thế nào cho đúng?

Hào Hùng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Anh Hào Hùng thân mến,

Tất nhiên là so sánh giữa mất tiền và mất con thì người ta phải ưu tiên chuyện con cái trước rồi. Không ai lại tiếc tiền để mà mất con cả. Thế nhưng, việc so sánh này, trong tình huống này thì thật là vô lý, đúng như anh cảm giác.

Con anh có thể không sai, vì cậu ấy tin vào khả năng thành công của mình, và nghĩ rằng mọi chuyện hết sức đơn giản, chỉ trong vòng một tuần.

Thế nhưng cậu ấy không nghĩ thấu đáo, không hiểu tâm lý lo lắng của người già, khi phải đầu tư toàn bộ số tiền tiết kiệm vào một việc có khả năng may rủi. Tiền ở đây không đơn giản là tiền, nó là sự an bình, yên tâm của cha mẹ.

Có một điều cậu ấy vô cùng đáng trách là khi mượn không được tiền lại quay ra trách móc, dằn xóc cha mẹ già, làm cha mẹ phải đau lòng. Đó thật sự là một biểu hiện của sự được nuông chiều, đáp ứng mọi điều, không quen bị từ chối từ phía cha mẹ. 

Khi người ta đi mượn tiền và không được đồng ý, người ta không có quyền trách móc người không cho mượn. Ai cũng có lý lẽ của mình để từ chối. Anh chị là cha mẹ cũng không có nghĩa là anh chị cần phải đáp ứng mọi điều, hy sinh cả những điều quá vô lý như thế.

Con đã trưởng thành, đã có cuộc sống riêng, tự lập, thì con phải tự giải quyết những vấn đề của con.

Hơn nữa, nếu thật sự là đứa con hiểu và yêu thương cha mẹ, cậu ấy phải biết rằng không nên mượn những đồng tiền an toàn cho tuổi già của cha mẹ, vì bất cứ điều gì. Huống hồ, điều cậu ấy đang muốn làm không phải là cấp bách hay sống chết, mà chỉ là những món lời nào đó...

Vậy thì, việc từ chối của anh chị không sai. Nó còn là một cách để anh chị uốn nắn lại suy nghĩ của con, để con nhận ra rằng lúc này, con phải là người tạo nên sự an bình, nhẹ nhàng cho cha mẹ, chứ không thể vì bất cứ lý do nào khiến cha mẹ phải lo lắng, khổ sở, khi mạo hiểm sự an lành của mình cho những mạo hiểm làm ăn của con.

Còn nếu con không hiểu, mà oán trách anh chị, không còn yêu thương và kính trọng anh chị nữa thì... Đó là điều vô cùng đau lòng, nhưng hy vọng là tiếp tục sống, trải nghiệm, con sẽ hiểu ra mình sai ở đâu.

Tình cảm gia đình cũng như mọi thứ tình cảm khác, không thể được đổi chác hay mua bán bằng tiền. 

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn  gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(10)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI