Chỉnh trang đô thị ven sông, kênh, rạch: Càng để lâu, càng khó thực hiện

07/04/2022 - 06:06

PNO - Trong giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM chỉ di dời được 2.479 căn nhà ở trên và ven kênh rạch trong số 20.000 căn nhà cần di dời, đạt 12,4% chỉ tiêu đã đề ra. Cho đến nay, 25 dự án cải tạo, hồi sinh kênh rạch ở TPHCM vẫn đang chờ vốn. Từ thực trạng nhếch nhác ở những khu vực kênh rạch mà Báo Phụ Nữ TPHCM vừa phản ánh, nhiều chuyên gia cho rằng, việc chỉnh trang đô thị ven sông, kênh rạch càng để lâu càng khó thực hiện.

Dự án ì ạch do xếp hàng chờ vốn 

Q.8 là địa phương có nhà trên kênh rạch cần phải di dời nhiều nhất ở TPHCM. Theo báo cáo của UBND Q.8, quận này có hơn 12.000 căn nhà lụp xụp (hơn 52.500 nhân khẩu) và khu đất ven hoặc trên kênh rạch với diện tích hơn 955.000m². Trong đó, có khoảng 6.400 căn nhà trên bờ, gần 4.000 căn nằm một phần trên bờ, một phần trên kênh rạch, 2.000 căn nằm hoàn toàn trên kênh rạch. Những căn nhà lụp xụp cần di dời hầu hết nằm dọc sông Ông Lớn, các rạch Ông Bé, Ông Nhỏ, Bến Nghé và kênh Đôi, kênh Xáng…

Việc chậm cải tạo, chỉnh trang kênh rạch càng khiến chất lượng nước ở TP.HCM sụt giảm  (trong ảnh: Cảnh nhếch nhác ở rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh) sau 20 năm có kế hoạch cải tạo, chỉnh trang)
Việc chậm cải tạo, chỉnh trang kênh rạch càng khiến chất lượng nước ở TPHCM sụt giảm (trong ảnh: Cảnh nhếch nhác ở rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh) sau 20 năm có kế hoạch cải tạo, chỉnh trang)

Một cán bộ Phòng Quản lý đô thị Q.8 chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất trong việc di dời kênh rạch vẫn là thiếu vốn. Hầu hết nhà trên kênh rạch ở Q.8 đều có diện tích đất rất nhỏ, còn lại là phần cơi nới, lấn chiếm bất hợp pháp, nếu đền bù cũng chẳng được bao nhiêu tiền nên rất khó thuyết phục người dân dời đi”.

Theo Sở Xây dựng TPHCM , giai đoạn 2016 - 2020, việc di dời nhà ở trên và ven kênh rạch của TPHCM chỉ đạt 12,4% chỉ tiêu di dời nhà theo kế hoạch. Chương trình trọng điểm gần như giậm chân tại chỗ nhưng tổng kinh phí dự kiến cho chương trình đã đội thêm hơn 6.000 tỷ đồng, từ 22.000 tỷ đồng lên hơn 28.400 tỷ đồng. Trong khi đó, với hơn 44.000 tỷ đồng vốn nhà nước dùng để thực hiện cùng lúc các chương trình giảm ùn tắc giao thông, chống ngập thì khoản vốn cần để bồi thường, tái định cư nhà trên và ven kênh chỉ mới đáp ứng được một nửa.

Theo kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025, UBND TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành việc bồi thường, di dời 6.500 căn nhà ven và trên kênh rạch với tổng vốn đầu tư dự kiến 19.280 tỷ đồng, nhằm thực hiện mục tiêu kép là vừa giải quyết nhu cầu thoát nước, cải thiện môi trường, vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị.

Để thực hiện mục tiêu này, Sở Xây dựng TPHCM đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND TPHCM theo hướng ưu tiên đưa 25 dự án chỉnh trang đô thị ven kênh rạch vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Các dự án này được sắp xếp theo các nhóm ưu tiên; trong đó, nhóm ưu tiên số 1 là các dự án: nạo vét, cải tạo, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh và Q.Gò Vấp) có mức vốn khoảng 9.350 tỷ đồng; cải tạo kênh Hy Vọng (Q.Tân Bình) với mức vốn khoảng 1.980 tỷ đồng và nạo vét; cải tạo rạch Văn Thánh (Q.Bình Thạnh) với mức vốn khoảng 1.200 tỷ đồng.

Cần chính sách cởi mở để huy động nguồn lực 

Theo các chuyên gia, nếu hoàn thành bài toán di dời nhà ven kênh thì TPHCM sẽ có hơn 500ha đất để thực hiện các dự án. Tuy nhiên, không dễ để giải tỏa hàng chục ngàn căn nhà. Do đó, chính quyền thành phố nên tính đến phương án cởi mở hơn về mặt chính sách để các doanh nghiệp lớn tham gia vào chương trình này. 

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - cho rằng cái khó của các nhà đầu tư hiện nay là theo quy định, phải lo nhà tái định cư trước rồi mới di dời, nhưng họ lại gặp khó về quỹ đất. Thêm vào đó, số lượng nhà đền bù lớn nhưng giá trị hành lang đất ven sông nhỏ, không mang tính thương mại. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế cân bằng quyền lợi hợp lý giữa nhà đầu tư và người dân, để thu hút đầu tư. Ông nói: “Khi muốn xã hội hóa về đầu tư, cần quan tâm đến quyền lợi của nhà đầu tư. Họ cần có được một mức lợi nhuận hợp lý”.

Theo giáo sư - tiến sĩ Lê Huy Bá - chuyên gia môi trường - từ hàng chục năm trước, các chuyên gia đã nghiên cứu và chỉ ra thực trạng sông, kênh rạch bị ô nhiễm, bị lấn chiếm để xây nhà cửa và các công trình khác: “Ô nhiễm mùi là một trong những đặc trưng của kênh rạch ở TPHCM . Những năm qua, tiến độ di dời nhà trên kênh rạch khá ì ạch. Ví dụ như rạch Xuyên Tâm đã bị ô nhiễm quá lâu nhưng 20 năm qua, chúng ta vẫn chưa thể di dời những căn nhà ổ chuột để chỉnh trang, cải tạo con rạch này. Càng kéo dài, nguồn nước càng ô nhiễm”.

Báo cáo “Hiện trạng môi trường TPHCM năm 2021” (được UBND TPHCM phê duyệt ngày 16/3/2022) cho biết, hệ thống kênh rạch trong khu vực nội thành TPHCM có tổng chiều dài khoảng 76km với năm tiểu lưu vực chính. Theo tính toán, mật độ kênh rạch ở các quận nội thành rất thấp và không có lợi cho việc thoát nước. Đáng lưu ý, có một số kênh bị nạo vét quá sâu nhưng bề rộng mặt cắt lại bị thu hẹp đến hơn 50%.

Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt ở TPHCM cho thấy, các chỉ tiêu độ pH, nồng độ ô-xy sinh học và hàm lượng phốt-phát tại các điểm quan trắc đạt quy chuẩn cho phép nhưng nồng độ ô-xy hóa học (tại 44% số điểm quan trắc), hàm lượng chất rắn lơ lửng (tại 50% số điểm quan trắc), hàm lượng clorua (tại 50% số điểm quan trắc), hàm lượng amoni (tại 69% các điểm quan trắc), nồng độ ô-xy hòa tan và hàm lượng coliform (tại 100% các điểm quan trắc) không đạt quy chuẩn Việt Nam đối với nguồn nước mặt loại B1.

Kỹ sư sinh học Đỗ Thị Bích Lộc - cựu cán bộ Viện Sinh học nhiệt đới - cho biết, từ mười năm trước, qua quan trắc sinh học, sức khỏe sinh thái của sông Sài Gòn chỉ ở mức trung bình. Từ đó đến nay, việc quan trắc sinh học cho sông Sài Gòn không được thực hiện nữa. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy, sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm do nạn xả thải và xâm lấn. Ngoài ra, việc kênh rạch trong nội thành bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Sài Gòn.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM - cho hay, sông Sài Gòn có rất nhiều tác dụng đối với TPHCM, như giúp thoát nước mưa, điều tiết triều, tạo khí hậu mát mẻ và phục vụ giao thông thủy: “Hệ thống kênh, sông là tài sản thiên nhiên quý báu của TPHCM. Dải đất ven sông luôn được chú trọng đầu tư và khai thác, khơi dậy được giá trị của sông Sài Gòn trên tinh thần phát triển bền vững. Từng có một tập đoàn đề xuất làm dự án đại lộ ven sông Sài Gòn nhưng nếu quy hoạch sai, nó sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Sông Sài Gòn vốn bị triều cường tác động, khi triều lên, nước sông dâng cao sẽ tràn bờ. Đất cặp bờ sông yếu, nhiều chỗ do phù sa bồi đắp, dễ lún sụt, có nhiều mạch nước ngầm, túi nước, túi bùn bên dưới. Do đó, nếu làm trục đường giao thông nhanh từ sáu làn xe, dài gần 70km như đề xuất là cực kỳ nguy hiểm”.

Theo ông Nguyễn Minh Hòa, việc quy hoạch và phát triển sông cần phù hợp với kiến trúc, công trình xây dựng, giao thông, cảnh quan môi trường, qua đó tạo nên dải đô thị sinh thái sông nước dọc sông Sài Gòn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Huy động dân cùng cải tạo môi trường kênh rạch

Theo UBND Q.7, từ năm 2021 đến nay, ngành chức năng đã nạo vét 26 nhánh kênh rạch ở quận này, giúp nhiều điểm dân cư giảm ngập, tổ chức hơn 600 lượt tổng vệ sinh đường phố, vớt rác kênh rạch. Năm 2022, quận này tiếp tục thực hiện chương trình bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh môi trường theo tiêu chí “Mỗi gia đình thực hiện mỗi tuần/lần, mỗi khu phố, tổ dân phố thực hiện 2 tuần/lần, mỗi phường thực hiện mỗi tháng/lần và quận thực hiện mỗi quý/lần” để cùng chung tay xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp. 

Sơn Vinh - Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI