Chiếc điện thoại "cục gạch" và sự thay đổi kỳ diệu của công nghệ di động

28/02/2023 - 21:34

PNO - “Cha đẻ” của chiếc điện thoại di động cách đây 50 năm lạc quan rằng, những tiến bộ vượt bậc của công nghệ di động trong tương lai có thể làm thay đổi cuộc sống của con người.

 

Tiến sĩ Martin Cooper đang cầm trên tay chiếc điện thoại di động Motorola DynaTAC do ông phát minh cách đây 50 năm - Ảnh: Bởi Rico Shen, CC BY-SA 3.0
Tiến sĩ Martin Cooper đang cầm trên tay chiếc điện thoại di động Motorola DynaTAC do ông phát minh cách đây 50 năm - Ảnh: Rico Shen/CC BY-SA 3.0

Cầm chiếc điện thoại “cục gạch” cồng kềnh mà chính mình đã phát minh ra cách đây 50 năm, ông Martin Cooper không thôi nghĩ về tương lai.

Người đàn ông 94 tuổi này không thể hình dung được rằng, khi ông thực hiện cuộc gọi đầu tiên vào một ngày đầu tháng 4/1973 trên đường phố New York từ một nguyên mẫu điện thoại di động màu xám dày cộp thì ngày nay, hầu như mọi thứ mà con người cần đều được gói gọn trong chiếc máy nhỏ gọn thời trang với lớp kính bóng loáng - nơi chúng ta tìm kiếm, kết nối, giải trí và mua sắm…

Thời điểm đó, ông đã sử dụng một chiếc điện thoại di động “cục gạch” theo đúng nghĩa đen mang tên Motorola DynaTAC nặng hơn 1kg với chiều dài 28cm để gọi cuộc gọi đầu tiên cho đối thủ cạnh tranh của mình là ông Joel Engel, Giám đốc nghiên cứu của Bell Labs.

Nguyên mẫu chiếc điện thoại di động Motorola DynaTAC 8000X - Ảnh: Cultura Biografieonline
Nguyên mẫu chiếc điện thoại di động Motorola DynaTAC 8000X - Ảnh: Cultura Biografieonline

Theo quan điểm đầy lạc quan của “cha đẻ điện thoại di động” thì những tiến bộ trong tương lai của công nghệ di động có thể làm thay đổi cuộc sống con người. Tuy nhiên, ông cũng lo lắng về những rủi ro mà điện thoại thông minh gây ra cho giới trẻ và vấn đề quyền riêng tư của người dùng.

“Điều đáng lo ngại nhất chính là chúng ta không còn bất kỳ quyền riêng tư nào nữa vì mọi thứ thuộc về con người đều đã được ghi lại ở một nơi nào đó, và khi ai đó muốn thì họ có thể truy cập được,” ông Cooper nói. Ông cũng nhắc thêm những tác động tiêu cực mà điện thoại thông minh và mạng xã hội mang lại, như nghiện internet, bắt nạt trực tuyến và nội dung độc hại với trẻ em.

Ở chiều ngược lại, ông Cooper cũng bày tỏ niềm hy vọng rằng, những tiến bộ trong công nghệ điện thoại di động chính là “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển vượt bậc trong các lĩnh vực như giáo dục và chăm sóc sức khỏe - điều mà ông chưa hề nghĩ ra trước đây 50 năm khi ông thực hiện cuộc gọi đầu tiên từ chiếc điện thoại di động “cục gạch” của mình.

Đây chính là cuộc gọi lịch sử giúp khởi động cuộc cách mạng điện thoại di động của con người. Và ông Cooper chính là nhân vật đã khơi mào cho cuộc cách mạng đó để con người có được những thiết bị nhỏ gọn nhưng có thể “gói cả thế giới trong lòng bàn tay” như hiện nay.

Ông Cooper cũng gợi ý về việc nên xây dựng một thế giới internet dành riêng cho trẻ em, ở đó, trẻ em được an toàn khi tiếp cận thông tin phục vụ việc học tập và khám phá thế giới “mà không vô tình lạc vào những trang web có nội dung khiêu dâm”.

Hàng loạt tiến bộ trong lĩnh vực điện thoại di động đang được giới thiệu tại sự kiện Mobile World Congress 2023 đang diễn ra ở Barcelona (Tây Ban Nha) - Ảnh: Mozilla in Europe/Flickr
Hàng loạt tiến bộ trong lĩnh vực điện thoại di động đang được giới thiệu tại sự kiện Mobile World Congress 2023 đang diễn ra ở Barcelona (Tây Ban Nha) - Ảnh: Mozilla in Europe/Flickr

Nguyễn Thuận (theo ABC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI