“Chị đại” cầu Phước Long điều phối giao thông

07/05/2021 - 07:18

PNO - Thấy chị Đằng mặc chiếc váy bó, khuôn mặt trang điểm kỹ lưỡng, ngồi trên xe sau lưng chồng chuẩn bị đi ăn đám cưới, một tài xế hạ kính xe, ló đầu ra nói: “Bà đi rồi lát cầu kẹt ai dẹp?”. Nghe tài xế hỏi, chị Đằng cười sảng khoái: “Giờ này chắc hết kẹt rồi”.

Không có “chị Đại” là cầu không thông

Chị tên là Võ Thị Đằng, 42 tuổi, nhà ở ấp 4, xã Phước Kiểng, H.Nhà Bè, bên chân cầu Phước Long - chiếc cầu nối xã Phước Kiểng (H.Nhà Bè) với phường Phú Mỹ (Q.7). Mặc dù nói vậy, nhưng nếu cầu kẹt thật, dám chắc chị sẽ nhảy xuống phân luồng giao thông trong bộ váy áo lượt là. Có lần, đang chuẩn bị sinh nhật cho con gái, nhưng nghe bên ngoài la ó vì kẹt xe, chị bỏ cả việc nhà để chạy lên cầu. Chồng gọi điện thoại, chị trả lời ngắn gọn “cầu thông về liền” rồi lại tập trung cho công việc. 

Có những buổi sáng vừa bước xuống giường, nghe tiếng xe rền rã ngoài cầu, chị chỉ kịp lấy chiếc áo che tạm bộ đồ ngủ rồi len lỏi trong đám đông xe cộ để lên cầu, la hét đến khản giọng. 

Lần khác, chị đang bán cá ngoài đầu đường thì tài xế xe buýt điện thoại nhờ hỗ trợ, chị bỏ luôn mâm cá chạy về. Chỉ khoảng mấy phút là chị có mặt giữa cầu, đầu trần đội nắng chang chang. “Cái cảm giác người, xe ùn ùn chen chúc trên cầu khiến tôi không chịu được, nên thôi, bán buôn gì tính sau”, chị nói. 

Chị Đằng “tả xung hữu đột” trên cầu Phước Long
Chị Đằng “tả xung hữu đột” trên cầu Phước Long

Nhà chị Đằng là quán cà phê bình dân bên chân cầu Phước Long. Mấy năm trở lại đây, khi thành phố có xu hướng giãn dân về phía nam, cầu Phước Long trở thành một “điểm nóng” ùn tắc giao thông. Cầu được thiết kế phình ở giữa nhưng hẹp hai đầu, chiều rộng chỉ độ 3m, đoạn giữa cầu đủ cho hai ô tô cỡ nhỏ, hoặc một xe tải lưu thông cùng xe máy ngược chiều, cho nên, chỉ cần một tài xế không tuân thủ tín hiệu giao thông, vượt vài giây đèn đỏ khi chiếc xe tải bên này chưa kịp qua cầu là… kẹt. 

Ban đầu, khi chứng kiến cảnh chiếc cầu bị kẹt cứng vào mỗi buổi sáng và giờ tan tầm, chị Đằng không nghĩ đó là việc của mình. Nhưng vài lần thấy người đi đường nóng ruột vì trễ giờ đón con, thấy những đứa trẻ mồ hôi nhễ nhại, khóc lóc giữa đám đông, chị đã không thể không lên cầu để làm gì đó. 

Đã ba năm làm cái việc “không ai mời”, chị Đằng không chỉ quen mặt với cánh tài xế xe buýt, xe tải mà còn trở thành thần tượng của những người mỗi ngày qua cầu. Mỗi ngày mấy lượt đi về, họ quá quen với cảnh cầu kẹt. Và mỗi lần như vậy, nếu không thấy cảnh sát giao thông, họ lại ngóng người đàn bà nhà ở bên chân cầu. Chỉ cần thấy chị, nhiệt độ đám đông tự nhiên giảm bớt, những nét mặt căng, bực dọc bắt đầu giãn ra. “Cầu Phước Long mà không có “chị đại” là không thông”.

Nắng mưa không ngại

Ba năm, với hàng ngàn lần đứng giữa đám đông xe cộ trên cầu, chị Đằng trở thành người điều phối giao thông chuyên nghiệp. Càng về sau, việc thông cầu càng mau hơn nhờ chị đã có quá nhiều kinh nghiệm. “Nếu kẹt vì hai xe lớn đi ngược chiều thì bắt buộc một xe phải lùi lại. Để thuận lợi thì xe máy phải lùi tạo khoảng trống. Hôm nào kẹt do xe nhỏ nhiều, mình chỉ cần tạo một cái luồng nhỏ cho xe qua là thông rất nhanh. Xe nhỏ đi được sẽ tạo khoảng trống, lúc đó xe lớn mới qua được. Nếu chưa thông xe nhỏ mà lùa xe lớn lên, thế nào cũng kẹt cứng”, chị chia sẻ. 

Làm riết thành quen, chị biết khoảng cách nào là an toàn khi các xe di chuyển nối tiếp nhau. Có tình huống, chị yêu cầu hai xe tải nhỏ phải ép sát hai bên mép cầu để qua cùng lúc thay vì bắt một xe phải lùi. Đường hẹp, xe máy đông, những bác tài là nữ còn non tay sợ va chạm, sẽ không dám nhích. Lúc đó, chị vừa chạy đầu này để chặn xe máy không lấn lên, vừa chạy đầu kia làm lơ cho nữ tài xế ô tô. 

Chị Đằng cùng chồng may khẩu trang phát miễn phí cho bà con mùa dịch bệnh
Chị Đằng cùng chồng may khẩu trang phát miễn phí cho bà con mùa dịch bệnh

Đội nắng, đội mưa, chẳng lợi lộc gì mà việc “vác tù và” còn mang lại cho chị Đằng nhiều phiền phức. Ban đầu, thấy chị dẹp đường, nhiều người tỏ vẻ coi thường, không hợp tác, thậm chí có người còn hung hăng chửi bới, văng tục khi chị không cho xe qua, hoặc yêu cầu phải lùi. Có những lúc mồ hôi nhễ nhại, lại gặp người không hiểu chuyện, chị muốn “rời bỏ vị trí”, nhưng lại không nỡ, lại ráng sức gào thét đến khản giọng.

Có lần thấy vợ đi lâu quá, chồng chị cũng nóng ruột bỏ quán chạy lên phụ vợ. Thế nhưng, đàn ông nóng tính, có khi xe chưa thông mà người đã hăm he đánh nhau giữa cầu. Từ đó, mỗi khi cầu kẹt là chị lên cầu. Hôm nào kẹt nặng ngoài khung giờ trực của cảnh sát giao thông thì chị gọi thêm anh Trường, một người dân sống gần cầu lên phụ giúp.

Khi nghe thắc mắc “công việc điều tiết giao thông trên cầu có gì vui không?”, chị Đằng cười: “Trước đây hay bị chửi. Người đi đường chửi vì mình cản không cho họ đi. Chồng chửi vì mình “gởi” quán cà phê cho khách, thậm chí bỏ dở công việc mà chạy. Nhưng tính mình là vậy, việc lên cầu điều khiển giao thông nó đến tự nhiên chứ không kịp suy nghĩ gì”. Lâu dần, người đi đường cũng yêu quý chị hơn. Tài xế xe buýt hễ chạy ngang qua cầu Phước Long là vẫy tay chào chị. Một nữ tài xế đi ngang còn hạ kính xe cho chị hũ mắm, tặng chị bọc hạt điều thay lời cảm ơn… Chỉ như vậy, chị biết người đi đường cần mình. 

Thu Lê

 

Từ khóa chị
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI