'Chỉ cần ngày nào mẹ cũng nhớ tên em là em hạnh phúc lắm rồi'

28/06/2018 - 20:52

PNO - Sau tai nạn, mẹ em bị ảnh hưởng đến thần kinh, lúc nhớ, lúc quên, lúc khóc, lúc cười. Ban đầu mẹ nhớ tất cả mọi người, nhưng sau đó thì quên dần… kể cả tên em.

Sáng 28/6, nhân Ngày gia đình Việt Nam 28/6, báo Phụ Nữ TP.HCM đã tổ chức cho hơn 100 em mồ côi đến từ 10 mái ấm tại thành phố cùng nhau chung vui, tận hưởng không khí ấm áp của gia đình, để các em biết rằng, dù không còn hoặc đang luôn thắc mắc về gia đình nhỏ của mình, bên cạnh các em vẫn còn có gia đình lớn. 

'Chi can ngay nao me cung nho ten em la em hanh phuc lam roi'
Nhân Ngày gia đình Việt Nam, sáng 28/6, báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức vui chơi cho hơn 100 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi tại 10 mái ấm, mang lại tình thương yêu gia đình đến với các em

Nếu chưa tiếp xúc với Hoàng Phúc (14 tuổi, Mái ấm Ánh Sáng, TP.HCM), ai cũng sẽ nghĩ cậu bé cao ráo, rắn rỏi này rất mạnh mẽ. Nhưng thật ra, Phúc rất tình cảm và nước mắt luôn chực rơi xuống, mỗi lần nhắc đến mẹ.

Ba mẹ Phúc chia tay khi em chưa ra đời, Phúc lớn lên trong tình thương yêu vô bờ bến của mẹ. Trong căn nhà nhỏ được chính quyền địa phương tỉnh Bình Thuận xây tặng, tuổi thơ của Phúc dần được tô hồng bởi người mẹ tảo tần.

Cậu bé như những đứa trẻ cùng trang lứa khác, đi học về là rủ nhau tắm sông, chạy đồng nô nức tiếng cười. Đến chiều, mẹ đứng ở cửa gọi “Phúc ơi, Phúc à, về ăn cơm”, cậu chạy ù về, được mẹ nhường phần ngon nhất.

'Chi can ngay nao me cung nho ten em la em hanh phuc lam roi'
Hoàng Phúc chia sẻ với các bạn cùng cảnh ngộ

Rồi một ngày, Phúc đợi mãi không nghe mẹ gọi. Trở về nhà, thấy mẹ đã nằm trên sàn, bất tỉnh từ khi nào. “Mẹ bưng mâm cơm, rồi vướng chân vào võng. Mẹ té ngã, cơm văng tung tóe, máu nhiều lắm. Em nhờ người ta đưa mẹ vô bệnh viện. Tỉnh lại, mẹ vẫn gọi tên em, nhưng bác sĩ nói mẹ bị ảnh hưởng đến thần kinh, sẽ dần quên mọi thứ”, Phúc mím môi.

Nghe tin mẹ Phúc gặp nạn, dì ruột vội vàng đưa mẹ Phúc lên Sài Gòn chữa trị. Một tuần sau, mẹ em tự nói chuyện, tự khóc, tự cười, rồi nhớ nhớ quên quên. 2 năm sau mẹ Phúc trở nặng, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ cả vào các dì của em. Để tiếp tục đi học và gần mẹ, các dì xin cho Phúc vào Mái ấm Ánh Sáng. 

Từ ngày mẹ bệnh, Phúc trầm tính hẳn, ai cũng nghĩ em lạnh lùng ít đến gần mẹ, nhưng mấy ai hiểu được vì cậu trai ấy sợ mỗi khi gọi mẹ, mẹ đều im lặng, không nhìn đến mình. Phúc nắm chặt tay: “Lúc đầu em gọi, mẹ còn quay lại cười với em, những năm gần đây, mỗi khi được về, nhiều lần em thưa mẹ, hỏi mẹ có nhớ em không, mẹ vẫn bất động, hiền một cách đau lòng.

Em không dám đứng đó, em sợ mẹ lắc đầu khi em hỏi mẹ nhớ con không, con là Phúc nè. Với em, ngày nào cũng là ngày gia đình, em sẽ hạnh phúc lắm, nếu mẹ còn nhớ tên em”.

'Chi can ngay nao me cung nho ten em la em hanh phuc lam roi'
Các tiết mục sôi động của các em tại chương trình

Sợ người đối diện biết mình khóc, Phúc xoay sang hướng khác: “Em muốn mau mau trưởng thành, đi làm có tiền, em sẽ đưa mẹ về quê. Ở Bình Thuận tuy cực, nhưng em tin mẹ sẽ mau bình phục, nơi đó em và mẹ có nhiều kỷ niệm rất vui, rất đẹp”.

Nếu Phúc luôn muốn về quê, thì Kim Hậu (15 tuổi) lại thích nhìn những tòa nhà cao tầng đầy màu sắc. Cô bé được sinh ra sau một sai lầm tuổi trẻ của mẹ mình. Chính vì vậy, cô bé được mẹ để lại cho ông bà ngoại nuôi nuôi dưỡng.

Khi Hậu 5 tuổi, sau những cuộc vui, mẹ em bệnh nặng qua đời, trước khi mất, bà nhất quyết không cho ai biết về cha của Hậu. 

'Chi can ngay nao me cung nho ten em la em hanh phuc lam roi'
Kim Hậu cùng bạn bè mang đến tiết mục đàn ấm áp

Nhà ông ngoại nuôi của Hậu cũng không đủ ăn, sáng đi tối về, ông ngoại sợ em bị bắt cóc, bị xâm hại nên gửi Hậu vào Mái ấm Bà Chiểu. Nghe ông nói, Hậu háo hức vì đươc đến nơi đẹp đẽ hơn, ăn ngon hơn. 

“Sau một tuần vui chơi thoả thích, em nhớ ông vô cùng. Lần nào ông ngoại lên thăm, em cũng khóc đòi về. Ông ngoại nuôi cũng buồn, ông nói ráng học, ông sẽ sống chờ em về. Khi nào các cô nói em học xong hết thì em sẽ được về ở luôn với ông ngoại.

Thế là em ở đây ăn, học đã 10 năm. Bây giờ em mới hiểu, ông ngoại nuôi không còn tiền, lại bệnh hoài sợ không chăm sóc em được. 

'Chi can ngay nao me cung nho ten em la em hanh phuc lam roi'
Mỗi lần buồn, Hậu (bên phải) đều muốn đàn cho ông ngoại nuôi nghe

Em đang ráng học lắm, mong sớm học xong để về kiếm tiền nuôi ông, ông đã hơn 70 tuổi, nhưng ngày nào cũng chạy xe giao hàng tận Đồng Nai, Bình Dương,… từ sáng đến tối mịt. Em sợ ông chờ không nổi. Còn ba, em không muốn và cũng không nghĩ đến một ngày mình sẽ gặp lại”, Hậu nói.

Trước khi mất, mẹ của em Vương Ngọc Hân luôn dặn em phải ráng học, vì chỉ cần em có con chữ, mẹ sẽ vui lòng. Với bé gái 11 tuổi, lời dặn dò ấy theo em đến tận bây giờ, 7 năm liền Ngọc Hân đều là học sinh giỏi, có giấy khen lại chạy ù về khoe trước hình mẹ. 

Biết em mồ côi, bạn bè luôn chia sẻ, động viên, nhưng em luôn tủi thân mỗi lần tan trường. Nhìn thấy ba mẹ các bạn luôn đứng đợi sẵn, mỗi khi đêm xuống, em trùm chăn kín mít, thút thít khóc. 

'Chi can ngay nao me cung nho ten em la em hanh phuc lam roi'
Nghe lời mẹ, Ngọc Hân luôn cố gắng học thật giỏi để làm cô giáo dạy cho các em ở mái ấm.

Hân nói: “Em muốn tìm lại cha mình, không để hỏi sao ba bỏ mẹ, chỉ nói với ba, em chỉ được ở cạnh mẹ một tuần trước khi mẹ mất. Một tuần đó, em đã hỏi mẹ về ba rồi lớn lên với người ba trong trí tưởng tượng. Em chỉ muốn gặp, để xem ba có giống như người mà em đang nghĩ về”.

'Chi can ngay nao me cung nho ten em la em hanh phuc lam roi'
Bà Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM chia sẻ: “Hôm nay, tại tòa soạn báo Phụ Nữ TP.HCM, chúng ta là một gia đình, tình thân của xã hội, tình thân của các cô, chú ở đây sẽ sưởi ấm cho các con. Các con hãy sống thật trọn vẹn trong tình yêu thương gia đình trong buổi sáng ngày hôm nay, để tiếp tục mang tình yêu thương đó đến cho mọi người”.

Phạm An - Ảnh: Minh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI