Chết vì đau bụng mà cho uống nhân sâm

18/12/2014 - 16:37

PNO - PN - Truyện dân gian Việt Nam hài hước rằng: có một anh bị đau bụng, chạy tới nhờ thầy lang chữa bệnh. Thầy mở sách ra xem thì thấy sách viết “phúc thống phục nhân sâm” (đau bụng thì cho uống nhân sâm), nên bèn cắt cho...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chet vi dau bung ma cho uong nhan sam

Nguồn ảnh: internet.

Chuyện tưởng chỉ có trong văn học dân gian, nào ngờ đến thế kỷ XXI này vẫn có chuyện y chang như thế. Đó là chuyện: từ 15/10 vừa qua, học sinh (HS) tiểu học được đánh giá theo Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT với mục đích: chấm dứt câu hỏi “hôm nay con đi học được mấy điểm” ở các bậc phụ huynh (PH), giảm áp lực về điểm số và đánh giá HS một cách toàn diện trong suốt một quá trình như các nhà giáo dục tuyên bố.

Nhưng áp lực điểm số không do “bản thân con điểm” hay từ HS mà do chính nhà trường và cha mẹ HS - tức là từ người lớn - gây ra khi đặt ra những quy định hết sức “cao siêu” và phi lý, kiểu như muốn thi vào trường A thì điểm tổng kết phải từ 8 trở lên và phải đạt danh hiệu HS giỏi ba năm liền; cha mẹ thì luôn đòi hỏi con phải đạt điểm 9-10 và khó chịu, thậm chí không chấp nhận, khi con đạt điểm 5- 6…

Vậy thì vấn đề cần làm là phải thay đổi tư duy, cách nhìn nhận về điểm số từ người lớn. Điểm 5-6 cũng là đáng quý nếu HS đã nỗ lực hết khả năng. Ngược lại, điểm 9-10 cũng chỉ là bình thường nếu HS chỉ nhờ vào đề cương, vào giới hạn ôn thi, vào các bài giải mẫu... Và nữa, vấn đề phải giải quyết còn nằm ở những quy định về thi cử, tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Chẳng hạn, tại sao cứ phải hạn chế đầu vào đại học, thay vì hạn chế đầu ra…

Phải thay đổi tư duy (của người lớn) - cái “gốc” rất bự này ai cũng biết. Nhưng không hiểu vì sao người ta không chịu giải quyết phần “gốc” mà lại tìm cách giải quyết phần “ngọn”, kiểu như: “Đánh giá sự tiến bộ của HS, không so sánh HS này với HS khác, không tạo áp lực cho HS, giáo viên (GV) và cha mẹ HS” (trích Thông tư 30), để rồi cuối cùng không thoát ra được cái vòng luẩn quẩn khi phải quay lại với việc tổ chức thi cuối kỳ, cuối năm và đánh giá kết quả HS qua những điểm số mà HS đạt được.

Xem toàn bộ diễn đàn "Giáo dục trong mắt tôi" tại đây.

Thử hỏi, nếu một HS cả năm được GV khen là tiến bộ, nhưng cuối học kỳ I và cuối năm làm bài chỉ đạt điểm 1-2 thì GV nên “đẩy” lên lớp hay cho lưu ban? Khả năng là HS sẽ cứ bị “đẩy” lên lớp (dù có thể đọc không thông, viết không thạo) để rồi năm-bảy năm sau lại tái diễn cảnh “sáng lớp 6, chiều lớp 1” như từng xảy ra. Chuyện này không khác chuyện đau bụng cho uống nhân sâm, khi thầy lang dùng sách nhưng không đọc hết sách, khiến bệnh nhân “tắc tử” như đã kể.

Trong giáo dục, “tắc tử” không đến với một người mà đến với cả một thế hệ; không “đột tử” lập tức mà sẽ đến từ từ vào những năm sau. Có vô tâm quá không, khi cứ mang hết thế hệ HS này đến thế hệ HS khác ra thử nghiệm vô tội vạ?

 PHẠM PHÚC THỊNH

Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy - học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn.

Kính mời bạn đọc gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ:

- Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com
- Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn.

Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút).

Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của quý bạn đọc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI