Châu chấu tàn phá hoa màu, người dân được vận động bắt thủ công

08/06/2023 - 09:06

PNO - Một lượng lớn châu chấu tràn xuống các nhà dân, tàn phá hoa màu. Không thể phun thuốc, người dân địa phương được vận động soi đèn bắt thủ công.

Sáng 8/6, ông Lê Viết Quý - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ (Nghệ An) - cho biết, đến nay, địa phương này cơ bản đã khống chế được đàn châu chấu lưng vàng số lượng lớn phá hoại rừng mét, hoa màu của người dân trên địa bàn.

Theo ông Quý, sau khi sử dụng máy bay không người lái phun hóa chất trên rừng cây mét, khoảng 70-80% châu chấu đã chết. Số lượng châu chấu còn lại hiện đã bay xuống khu vực nhà dân ở gần bìa rừng.

Sau khi rừng cây mét được phun thuốc, châu chấu tràn xuống khu vực nhà dân ở bìa rừng
Sau khi rừng cây mét được phun thuốc, châu chấu tràn xuống khu vực nhà dân ở bìa rừng - Ảnh: Khánh Trung
Người dân địa phương chế tạo vợt để bắt châu chấu - Ảnh: Khánh Trung
Người dân địa phương chế tạo vợt để bắt châu chấu - Ảnh: Khánh Trung

“Sau khi phun thuốc trên rừng mét, phần lớn châu chấu đã chết. Số châu chấu còn lại bay xuống khu vực nhà dân, cánh đồng ngô, cỏ sữa… ở nhà dân. Vì gần nhà, người dân lo sợ nên chúng tôi không phun thuốc ở khu vực này mà chỉ có thể cho bắt thủ công” - ông Quý nói.

Khoảng 30 nhà dân nằm ở mép rừng thuộc địa phận xóm 7 (xã Nghĩa Bình) hiện đang cùng nhau bắt châu chấu bằng tay, vợt để bảo vệ hoa màu của gia đình. Mỗi đêm có hàng chục người cùng nhau soi đèn ra các ruộng ngô, cỏ sữa… để bắt châu chấu.

Châu chấu sau khi bắt được người dân phơi khô làm thức ăn cho vật nuôi. Chị Lục Thị Lan (49 tuổi, trú xóm 7, xã Nghĩa Bình) cho biết, để bắt châu chấu hiệu quả hơn, vợ chồng chị phải chế vợt bằng bao ni lông rồi đem ra ruộng ngô xúc. 

Những ngày đầu châu chấu xuất hiện, vợ chồng chị bắt được 30kg - 40kg châu chấu mỗi đêm. Ngoài làm thức ăn cho gia cầm, một số thương lái cũng tìm đến thu mua châu chấu với giá 100.000 - 120.000 đồng/kg.

“Giờ châu chấu đã giảm nhiều, mỗi đêm chúng tôi cũng chỉ bắt được một nửa so với trước thôi. Ban ngày, châu chấu nhảy liên tục nên khó bắt hơn, về đêm châu chấu chỉ nằm im nên rất dễ bắt” - chị Lan nói.

Theo ông Quý, tính đến nay, đàn châu chấu có số lượng lớn nhất từng xuất hiện trên địa bàn đã phá hoại hơn 50ha cây mét, 5ha cây mía, ngô, cỏ sữa… của người dân. 

Theo chị Lan, buối tối châu chấu ít bay nhảy nên dễ bắt hơn so với ban ngày - Ảnh: Khánh Trung
Theo chị Lan, buối tối châu chấu ít bay nhảy nên dễ bắt hơn so với ban ngày - Ảnh: Khánh Trung
Một người dân có thể bắt được hàng chục kg châu chấu mỗi đêm - Ảnh: Khánh Trung
Một người dân có thể bắt được hàng chục kg châu chấu mỗi đêm - Ảnh: Khánh Trung
Châu chấu được phơi khô để làm thức ăn cho gia cầm - Ảnh: Khánh Trung
Châu chấu được phơi khô để làm thức ăn cho gia cầm - Ảnh: Khánh Trung

Những năm gần đây, châu chấu phát triển nhiều ở vùng rừng trồng tre, mét tại xã Nghĩa Bình. Ấu trùng châu chấu phát triển vào mùa mưa, khi thời tiết nắng bắt đầu lớn và bay theo từng đàn với mật độ dày đặc. Năm nay thời tiết thuận lợi cho quá trình sinh trưởng và phát triển của châu chấu nên số lượng tăng lên rất nhiều so với những năm trước.

“Hiện chúng tôi chúng tôi đang lên kế hoạch để cùng chính quyền địa phương, người dân rà soát, tìm các ổ châu chấu khi vào mùa sinh sản dưới các tầng lá cây mét để diệt tận gốc” - ông Quý nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI