Châu chấu tàn phá hoa màu của người dân ở Nghệ An

02/06/2023 - 16:05

PNO - Sau khi “càn quét” sạch các đồi mét, đàn châu chấu với số lượng hàng chục triệu con tràn xuống khu dân cư gặm nhấm ngô, cỏ sữa, cây mía khiến người dân lo lắng.

Ngày 2/6, ông Lê Viết Quý - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ (Nghệ An) - cho biết, đơn vị này đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp để diệt đàn châu chấu với số lượng hàng chục triệu con đang hoành hành ở xã Nghĩa Bình (huyện Tân Kỳ) khiến người dân lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Cúc (46 tuổi, trú xóm 7, xã Nghĩa Bình) cho biết, châu chấu bắt đầu xuất hiện nhiều ở địa phương này từ cuối tháng Năm. Những ngày đầu, đàn châu chấu xuất hiện ở trong các khu rừng trồng mét. 

Nhiều rừng mét bị châu chấu tàn phá, chỉ còn trơ trụi lại cành cây - Ảnh: Quý Lê
Nhiều rừng mét bị châu chấu tàn phá, chỉ còn trơ trọi lại cành cây - Ảnh: Quý Lê
Sau khi tàn phá trên rừng mét, châu chấu di tản xuống khu dân cư tàn phá hoa màu của người dân - Ảnh: Quý Lê
Sau khi tàn phá trên rừng mét, châu chấu tràn xuống khu dân cư tàn phá hoa màu của người dân - Ảnh: Quý Lê

“Lúc chúng tôi phát hiện thì có khoảng 10ha rừng mét đã bị đàn châu chấu ăn trụi hết lá. Vài ngày sau, đàn châu chấu bắt đầu tràn xuống các khu vực dân cư ăn lá ngô, cỏ sữa, mía… của người dân” - bà Cúc nói.

Ông Lô Văn Thái (trú tại xã Nghĩa Bình) cho hay, đàn châu chấu có mật độ rất dày, chúng không chỉ ăn lá non mà “vặt” sạch lá trên cây. Hơn 1ha rừng cây mét của gia đình ông đã bị đàn châu chấu ăn trụi, chỉ còn trơ lại thân và cành.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình - cho biết, cây mét được xem là một trong những cây trồng chủ lực của người dân địa phương. Xã Nghĩa Bình là vùng trồng cây tre mét lớn nhất của huyện Tân Kỳ với diện tích hơn 200ha. 

Nhờ thu hoạch măng non và bán cây, mỗi ha mét cho thu nhập trung bình từ 20-50 triệu đồng/năm, giúp bà con địa phương xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, những ngày gần đây châu chấu xuất hiện với mật độ cao, tàn phá đã làm giảm đi 1/3 đến 1/2 năng suất mét của người dân.

Theo ông Lê Viết Quý, khoảng 2 năm trở lại đây, châu chấu phát triển nhiều ở vùng rừng trồng tre, mét tại xã Nghĩa Bình. Ấu trùng châu chấu phát triển vào mùa mưa, khi thời tiết nắng bắt đầu lớn và bay theo từng đàn với mật độ dày đặc. Năm nay thời tiết thuận lợi cho quá trình sinh trưởng và phát triển của châu chấu nên số lượng tăng lên rất nhiều so với những năm trước.

Châu chấu đậu kín trên tường rào nhà dân - Ảnh: Quý Lê
Châu chấu đậu kín trên tường rào nhà dân - Ảnh: Quý Lê
Đàn châu chấu ước tính lên đến hàng chục triệu con, đậu kín trên các lá cây - Ảnh: Quý Lê
Đàn châu chấu ước tính lên đến hàng chục triệu con, đậu kín trên các lá cây - Ảnh: Quý Lê
Việc diệt châu chấu hiện vẫn chưa đạt hiệu quả cao vì diện tích rừng mét quá lớn khi phun thuốc, bắt thủ công lại quá chậm - Ảnh: Quý Lê
Việc diệt châu chấu hiện vẫn chưa đạt hiệu quả cao vì diện tích rừng mét quá lớn khi phun thuốc, bắt thủ công lại quá chậm - Ảnh: Quý Lê

“Trên một lá cỏ, có đến hàng chục con châu chấu đậu sát nhau. Đàn châu chấu phát triển theo cấp số nhân, số lượng tăng rất nhanh” - ông Quý nói và cho hay, chỉ sau một ngày đêm, đàn châu chấu đã ăn hết thêm 10ha rừng mét. Đến thời điểm hiện tại có khoảng 60ha rừng mét, cỏ sữa, ngô, mía của người dân đã bị đàn châu chấu tàn phá.

Để diệt đàn châu chấu này, phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ đã huy động máy bay không người lái phun thuốc ở những rừng mét. Huy động người dân bắt châu chấu ở khu dân cư, ruộng vườn nhà dân. Tuy nhiên việc phun thuốc diệt châu chấu chưa đạt hiệu quả cao do diện tích lớn, đàn châu chấu di cư nhanh. 

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI