Châu Âu kêu gọi chấm dứt xu hướng thời trang nhanh

31/03/2022 - 16:58

PNO - Ủy ban châu Âu (EC) đang kêu gọi chấm dứt xu hướng thời trang nhanh vào năm 2030, và đã công bố rộng rãi bộ quy tắc thiết kế thân thiện với môi trường sinh thái áp dụng cho mọi sản phẩm trong tương lai, trong đó có hàng dệt may.

Giám đốc điều hành của EU (Liên minh châu Âu) cũng muốn các công ty lớn tiết lộ lượng hàng tồn kho mà họ đã thải ra các bãi rác, như một phần trong kế hoạch xóa bỏ văn hóa đổ các sản phẩm không dùng đến ra môi trường.

Quần áo đã qua sử dụng nhập khẩu không bán được thối rữa tại một bãi rác ở Accra, Ghana, vào tháng 3
Quần áo đã qua sử dụng nhập khẩu không bán được tại một bãi rác ở Accra, Ghana, vào tháng 3

Thông qua bộ quy tắc thiết kế thân thiện với môi trường sinh thái, EU đặt ra các tiêu chuẩn về hiệu quả sử dụng năng lượng cho nhiều loại hàng tiêu dùng, chẳng hạn như máy nướng bánh mì và máy giặt.

Bộ quy tắc này cũng sẽ đề cập đến độ bền và khả năng tái chế trong tương lai của sản phẩm. Chẳng hạn, các nhà sản xuất có thể phải sử dụng một tỷ lệ vật liệu đã được tái chế nhất định cho sản phẩm của mình, và hạn chế sử dụng các vật liệu khó tái chế. Các công ty cũng sẽ phải có nghĩa vụ thông báo cho người tiêu dùng về các tính năng làm giảm tuổi thọ của sản phẩm.

“Các sản phẩm mà chúng ta sử dụng hàng ngày cần phải tồn tại lâu dài. Nếu sản phẩm bị hỏng, chúng ta phải sửa chữa được nó. Quần áo phải được sử dụng ít nhất qua 3 lần giặt và cũng phải có thể tái chế”, Frans Timmermans - Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, phụ trách các vấn đề liên quan đến môi trường của EU - chia sẻ với báo giới.

Virginijus Sinkevičius - Ủy viên môi trường EU - cũng cho biết EC mong muốn xu hướng thời trang nhanh sẽ sớm chấm dứt. “Đến năm 2030, hàng dệt may được đưa vào thị trường EU phải có tuổi thọ cao và có thể tái chế, được làm từ phần lớn sợi tái chế. Người tiêu dùng sẽ không cần phải vứt bỏ và thay thế quần áo thường xuyên như hiện nay”, ông nói.

Theo tờ The Guardian, trung bình mỗi năm, người châu Âu vứt bỏ 11kg quần áo, giày dép và các loại hàng hóa bằng vải khác. Dệt may là ngành phát thải khí nhà kính lớn thứ 4 - sau thực phẩm, nhà ở và phương tiện giao thông - đồng thời tiêu thụ một lượng lớn nước và các nguyên liệu thô.

Nếu bộ quy tắc nói trên được áp dụng, chúng có thể tạo ra tác động lớn trên toàn thế giới, vì gần 3/4 quần áo và hàng dệt gia dụng hiện đang được tiêu thụ ở EU có nguồn gốc từ nhiều quốc gia khác, The Guardian nhận định.

“Từ lâu, nguyên tắc người gây ra ô nhiễm phải trả tiền đã không được thực thi trong công nghiệp thời trang. Nhiều nhà sản xuất trong lĩnh vực này đang chạy theo việc thiết kế những sản phẩm có chi phí thấp và không được sử dụng lâu dài, nhưng họ lại không phải trả giá cho hàng núi rác là quần áo cũ thải ra môi trường. Và điều này cần phải được thay đổi, sau khi bộ quy tắc thiết kế mới được công bố”, Nusa Urbancic - Giám đốc tổ chức phi chính phủ Changing Markets Foundation - lên tiếng.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI