Châu Á từ chối trở thành ‘bãi rác’, mỗi quốc gia phải tự xử lý vấn đề rác thải

31/07/2019 - 15:05

PNO - Khi Đông Nam Á tuyên bố dừng nhập khẩu rác thải, thế giới đang đứng trước bài toán khó về xử lý rác. Có thể trong ngắn hạn, rác sẽ đổ đến khu vực khác, nhưng trong dài hạn, mỗi quốc gia phải tự giải quyết vấn đề.

Châu Á không muốn trở thành bãi rác của thế giới

Tháng 5/2019, Bộ trưởng Môi trường Malaysia, Yeo Bee Yin nói với một nhóm phóng viên, khi đứng trước container rác thải chứa đầy giòi ở cảng Port Klang, rằng chính phủ sẽ gửi trả số rác về nơi chúng xuất phát.

Phản ứng của bà Yeo chỉ là một phần trong mối lo ngại lan rộng khắp Đông Nam Á, gây ra một cơn bão truyền thông về việc “bán rác” của các nước giàu. Theo tổ chức Greenpeace, khoảng 5,8 triệu tấn rác được xuất khẩu trên toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 11/2018, dẫn đầu là các chuyến hàng từ Mỹ, Nhật Bản và Đức.

Sau nhiều thập kỷ duy trì nhà máy nhựa tái chế,  các chính phủ trên khắp châu Á đang nói không với rác thải nhập khẩu. Khi ngày càng có nhiều chất thải, các nước nhập khẩu phải đối mặt với vấn đề gia tăng về cách xử lý rác thải không thể tái chế.

Thomas Wong, quản lý của Impetus Conceptus Pte, một công ty từ Singapore chuyên xử lý rác thải nhựa tại địa phương trước khi gửi đến các nhà máy tái chế ở Malaysia và Việt Nam cho biết thông thường, 70% lô hàng có thể được xử lý và 30% còn lại bị ô nhiễm.

Báo cáo điều tra của Greenpeace tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan cho thấy nhiều cơ sở tái chế bất hợp pháp, đốt mở, ô nhiễm nước và gia tăng các căn bệnh liên quan đến ô nhiễm.

Chau A tu choi tro thanh ‘bai rac’, moi quoc gia phai tu xu ly van de rac thai
Một nhân viên hải quan Indonesia kiểm tra các container chứa đầy rác có nguồn gốc từ Úc tại một cảng ở Surabaya. (Ảnh: AFP)

Lệnh cấm nhập khẩu rác vào tháng 1/2018 tại Trung Quốc bắt đầu tạo nên hiệu ứng domino. Các chuyến hàng đã được chuyển hướng đến Đông Nam Á, nơi đã sớm trở nên quá tải, buộc các chính phủ phải hành động.

Malaysia công bố lệnh cấm tương tự vào tháng 10/2018; Thái Lan ngừng cấp giấy phép nhập khẩu vào năm 2018 và có khả năng áp đặt lệnh cấm vào năm 2020. Philippines cho biết họ đang gửi 69 container rác trở lại Canada; Indonesia cam kết thắt chặt các quy tắc nhập khẩu chất thải sau khi phát hiện các lô hàng có chứa chất thải độc hại. Ấn Độ và Việt Nam cũng công bố chính sách hạn chế.

Khi Đông Nam Á ngừng chấp nhận hàng hóa ô nhiễm, các công ty sẽ tìm kiếm một nơi khác, chẳng hạn như Châu Phi. Dù vậy, phương tiện truyền thông xã hội giúp nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề này ở cả các nước đang phát triển và các quốc gia giàu có xuất khẩu rác. Điều đó góp phần làm cho việc xuất khẩu rác ngày càng khóa khăn.

Mỗi quốc gia phải tự xử lý rác thải

Theo Ngân hàng Thế giới, con người tạo ra 2,01 tỷ tấn chất thải rắn trong năm 2016 và có thể tăng lên 3,4 tỷ tấn vào năm 2050. Khoảng 12% chất thải đô thị trong năm 2016 là nhựa, chiếm 242 triệu tấn. Giải pháp có thể nằm ở các công nghệ mới và thay đổi hành vi xã hội nhằm giảm thiểu hay thậm chí loại bỏ nhu cầu về bãi chôn lấp, lò đốt rác.

Dưới đây là một số cách mà các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các công ty khởi nghiệp trên toàn thế giới đang giải quyết vấn đề.

Bởi hầu hết rác thải kết thúc ở bãi rác hoặc bị cuốn trôi ra sông và đại dương; các công ty khai thác khí metan sản xuất khí đốt bằng cách phân hủy chất thải hữu cơ bị mắc kẹt trong các bãi rác; đồng thời đốt rác để sản xuất điện. Tại Singapore, phần tro còn lại được dùng tạo ra một hòn đảo mới. Tuy nhiên, chi phí kinh tế, môi trường của quá trình đốt khá đắt đỏ; dioxin và các khí thải khác hình thành trong quá trình đốt cần phải được xử lý bằng các bộ lọc bụi tĩnh điện và bột vôi, nhưng vẫn tạo ra khí nhà kính. Mặt khác, chất thải rắn cũng có thể được khí hóa ở nhiệt độ cao bằng cách sử dụng đèn khò plasma để tạo ra khí tổng hợp, kim loại và xỉ đá thủy tinh cho đường trải nhựa.

Chau A tu choi tro thanh ‘bai rac’, moi quoc gia phai tu xu ly van de rac thai
Phân loại rác có thể là một công việc khó chịu, một lý do tại sao rất nhiều rác kết thúc ở các nước đang phát triển với mức chi phí thấp hơn. (Ảnh: AFP)

Phân loại rác có thể luôn là công việc khó chịu nhất trong quy trình xử lý, đây là lý do tại sao rất nhiều rác kết thúc ở các nước đang phát triển với mức lương thấp hơn. Nhưng công nghệ đang ngày càng tự động hóa nhiệm vụ và làm cho nó hiệu quả hơn. Công ty TNHH ZenRobotics tại Helsinki (Phần Lan) đã phát triển robot lấy gỗ và kim loại từ băng chuyền rác.

Tại Angelholm, đô thị tốt nhất về quản lý chất thải của Thụy Điển, công ty thu gom rác NSR AB sử dụng chùm tia hồng ngoại gần để xác định các loại nhựa khác nhau. Máy phun khí phản lực loại bỏ các vật dụng bằng nhựa, để lại bao bì không thể tái chế và chất thải hữu cơ đến lò đốt sản xuất điện. Các hệ thống trí tuệ nhân tạo đang được phát triển để làm cho quá trình hiệu quả hơn.

Một thách thức quan trọng là khuyến khích mọi người phân loại rác tại nhà. Ở Đài Loan, nhựa và lon nhôm do một chiếc xe tải màu trắng thu gom, trong khi chất thải cần đốt cháy chuyển sang xe màu vàng.

Nhật Bản và châu Âu có tỷ lệ tái chế khá cao vì công dân thực hiện lời khuyên rửa nhanh vật dụng sau khi đổ hết chất lỏng còn sót lại như cà phê, sữa,… Công ty Singapore Taraph Technologies là một trong những công ty sử dụng vi khuẩn hoặc các quy trình hữu cơ để giải quyết vấn đề rác thải.

Taraph khai thác các enzyme tự nhiên tiêu hóa nhựa và biến chúng thành hóa chất vốn thường sản xuất trong các nhà máy lọc dầu. Mono-ethylene glycol từ chai nhựa có giá cao hơn 10 lần so với giá trị của rác. Dự kiến, công nghệ sinh học này sẽ xuất hiện trên thị trường trong 5-10 năm tới.

Các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp rên khắp thế giới cũng đang xem xét các sản phẩm thay thế cho nhựa. Ống hút giấy đang trở lại sau các chiến dịch truyền thông xã hội rộng rãi. Hộp thực phẩm và dao kéo dùng một lần được làm từ ngũ cốc hoặc bã mía. Khi nhiều quốc gia cấm túi nhựa, các siêu thị đang tìm kiếm những cách khác để bọc hàng tạp hóa, chẳng hạn như lá chuối tại Việt Nam.

Các công ty công nghệ cao như Plantics BV có trụ sở ở Hà Lan thì chọn phương án sản xuất nhựa hữu cơ bằng cách trùng phân glycerol và axit citric, thay vì hóa dầu. Công ty RWDC Industries có trụ sở tại Singapore vừa cho ra mắt Solon, một loại polymer phân hủy sinh học được sản xuất bằng cách lên men vi sinh các loại dầu có nguồn gốc thực vật.

Chau A tu choi tro thanh ‘bai rac’, moi quoc gia phai tu xu ly van de rac thai
Những người nhặt rác thu gom phế liệu tại bãi rác Sidoarjo ở Đông Java, Indonesia. (Ảnh: AFP)

Cuối cùng, giải pháp tốt nhất là không tạo ra loại rác thải không thể tái chế. Đó là mục tiêu của cư dân làng Kamikatsu, thuộc miền núi ở Nhật Bản. Người dân rửa dầu ra khỏi bao bì nhựa gyoza và phân loại rác thành 45 nhóm. Mút xốp và nhựa bẩn dùng làm các cục nhiên liệu rắn, có thể đốt cháy thay cho than. Quần áo polyester bán lại trong một cửa hàng đồ cũ. Nhựa sạch được các công ty lấy đi để tái chế.

Ngọc Hạ (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI