Chật vật tuyển sinh ngành điều dưỡng, hộ sinh

25/09/2022 - 06:32

PNO - Nghề điều dưỡng, hộ sinh đã thiếu nhân lực lại càng thiếu hơn khi đầu vào các trường ngày càng ít và người theo nghề lại còn ít hơn.

Tuyển được... chục em là quý

BS Nguyễn Lương Thao, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai than, hằng năm, trường đều ưu tiên tuyển sinh ngành điều dưỡng và hộ sinh. Riêng hệ điều dưỡng, khoảng 3 năm nay, dù chỉ tiêu tuyển sinh là 300 em nhưng chỉ tuyển được một nửa con số trên thuộc hệ chính quy và 30-50 sinh viên hệ trung cấp liên thông lên cao đẳng. Nhưng “thảm” nhất vẫn là ngành hộ sinh, mỗi năm, trường chỉ tuyển được 8-10 em.

Dù có 8-10 sinh viên, trường Cao đẳng y tế Đồng Nai vẫn mở lớp. Ảnh: Gia Huy
Dù chỉ tuyển được 8-10 sinh viên, Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai vẫn mở lớp - Ảnh: Gia Huy

“Năm vừa rồi, chúng tôi chỉ tuyển được 8 em theo học ngành hộ sinh. Năm nay, tuyển được 10 em. Dù vậy, chúng tôi vẫn tạo điều kiện về cơ sở vật chất, giảng viên để mở lớp”, thầy Thao chia sẻ.

Do không tuyển đủ chỉ tiêu nên việc phân công giảng viên giảng dạy cũng bị ảnh hưởng. Một số giảng viên được phân công giảng dạy một số bộ môn khác, hoặc làm các công việc khác trong trường.

Theo thầy Thao, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc tuyển sinh ngành điều dưỡng gặp nhiều khó khăn là do thu nhập của điều dưỡng tại các cơ sở y tế công lập hiện rất thấp. Thu nhập tỷ lệ nghịch với áp lực công việc, thời gian làm việc kéo dài và trực đêm vất vả nên không mấy học sinh mặn mà với ngành điều dưỡng, hộ sinh. 

Trong khi đó, hàng năm, các bệnh viện đều có một lực lượng điều dưỡng, hộ sinh nghỉ việc do đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng từ 3 năm nay, một lượng lớn điều dưỡng, hộ sinh tại nhiều bệnh viện công xin nghỉ việc dẫn đến thiếu hụt nhân sự. Do vậy, 2 nghề này trở nên “hot” hơn bao giờ hết. 

Theo khảo sát, 100% sinh viên ngành điều dưỡng, hộ sinh vừa thi tốt nghiệp đã được nhiều đơn vị về tận trường để săn đón. Không chỉ bệnh viện công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mà ngay cả các phòng khám đa khoa tư nhân, các cơ sở làm đẹp hoặc một số cơ sở y tế tư nhân ở TPHCM cũng liên hệ tìm người. Nhiều em đã chọn làm việc tại cơ sở tư nhân thay vì vào các bệnh viện công, dù là bệnh viện tuyến tỉnh. Lý do là làm việc tại đây thu nhập cao hơn, không bị quá nhiều áp lực, vất vả như làm việc tại các bệnh viện công lập.

Cung không đủ cầu

Các trung tâm y tế tuyến huyện cũng đang khan hiếm cả hộ sinh, điều dưỡng. Khoảng 3 năm nay, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) rất khó tuyển điều dưỡng và hộ sinh. Năm 2022, chỉ tiêu tuyển dụng là 37 điều dưỡng nhưng chỉ nhận được 8 hồ sơ. Khi khoa nào thiếu người trầm trọng, lãnh đạo trung tâm phải điều động nhân lực giữa các khoa. Nhưng đây chỉ là phương án “chữa cháy” vì hầu như khoa nào cũng thiếu người. 

Nghề điều dưỡng hot nhưng khó tuyển sinh
Nghề điều dưỡng "hot" nhưng khó tuyển sinh (Trong ảnh: Sinh viên Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai thực tập tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) - Ảnh: Gia Huy

Hầu hết, các hộ sinh, điều dưỡng đều có bằng cao đẳng, đại học nhưng thu nhập chỉ 6-7 triệu đồng mỗi tháng đối với người đã có kinh nghiệm, làm việc lâu năm. Con số này thấp hơn nhiều so với các ngành nghề khác, thậm chí thấp hơn lương công nhân. Trước đây, khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Vĩnh Cửu có 13 người nhưng giờ chỉ còn 7 người. Họ phải làm tất cả các công việc ở khoa khám ngoại trú, khám thai, phòng sanh thường và hậu phẫu cho những trường hợp mổ lấy thai. Do vậy, mọi người phải chia nhau để làm hết công việc. 

“Đây cũng là lý do chính mà người theo học ngành hộ sinh ngày càng ít dần, một phần là công việc này khá vất vả, đòi hỏi nhiều kỹ năng chăm sóc cả mẹ và bé. Điều quan trọng nhất là công sức bỏ ra nhiều nhưng thu nhập lại rất thấp, chỉ vài triệu đồng mỗi tháng”, BS. Hồ Văn Hoài, Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Cửu nhận định.

Trương Trọng Nghĩa, cựu sinh lớp Cao đẳng điều dưỡng 13A, Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai cho hay, hiện nay “cung” không đủ “cầu” và các cơ sở y tế, nhất là bệnh viện công lập đều thiếu điều dưỡng, hộ sinh. Đây là cơ hội cho các sinh viên nắm thế chủ động, có quyền lựa chọn nơi mình sẽ gắn bó khi ra trường. “Tôi ưu tiên chọn nơi có uy tín, chuyên môn cao và đáp ứng được mức thu nhập hay đi lại thuận lợi”, Nghĩa chia sẻ.

Nhiều bệnh viện liên tục “đặt hàng” các trường đào tạo về 2 ngành nghề là điều dưỡng và hộ sinh nhưng vẫn không đủ, nhất là khi các cơ sở có nhu cầu mở rộng thêm khoa. Dù vậy, để tuyển đủ người là không dễ, ngay cả các bệnh viện tuyến tỉnh.

Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chia sẻ, năm nào bệnh viện cũng liên hệ với Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai để tuyển điều dưỡng, hộ sinh mới tốt nghiệp. Trước đây, bệnh viện lựa chọn những em có học lực khá, giỏi nhưng vài năm gần đây thì không dễ theo tiêu chuẩn này vì không có người để tuyển. 

Điều bác sĩ Trâm lo ngại hiện nay là nhiều sinh viên sau khi ra trường có tâm lý chuyển ngành, không theo nghề đã được đào tạo - dù đã mất vài năm học. Như vậy, các cơ sở y tế đã thiếu người lại càng thiếu hơn khi đầu vào các trường đã ít và người theo nghề lại còn ít hơn.

Gia Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI