Chàng rể kém cỏi nhất nhà

17/09/2021 - 05:02

PNO - Lần đầu tiên Hưng rời nhà bố mẹ vợ mà thấy vui trong lòng, không còn cảm giác xa cách bấy lâu...

Trong các cuộc nói chuyện, ông Thông luôn tránh nói về Hưng - con rể út của mình vì mỗi lần nhắc đến cuộc hôn nhân đó, ông lại thấy nhói lòng. Đứa con gái mà ông bà đặt nhiều hy vọng, đầu tư học hành bài bản nhưng chọn một người chồng không vừa ý gia đình.

Ông từng phải đối quyết liệt, thậm chí đòi từ mặt con để ngăn cản cuộc hôn nhân. Con gái út của ông học xong đại học, đang là giáo viên tiếng Anh còn rể út chỉ có bằng trung cấp về điện tử.

Anh từng đi xuất khẩu lao động nhưng khi về nước lại không việc làm ổn định. Trong khi đó, con rể trưởng thành lập công ty tổ chức sự kiện, con rể thứ hai phụ trách kinh doanh một công ty du lịch. Mặc dù chấp nhận cho làm đám cưới, nhưng trong lòng ông luôn có định kiến với rể út. 

Sau khi lấy nhau, vợ chồng Hưng mua nhà riêng, có hai con đủ nếp đủ tẻ và tự lo được cuộc sống chứ chưa phải nhờ vả ai. Hưng biết thứ mình thiếu đối với nhà vợ là bằng cấp, chức danh, để có tiếng xứng đôi vừa lứa.

Mặc dù cho tổ chức đám cưới nhưng ông Thông luôn có định kiến về con rể út vì không có nghề nghiệp ổn định. Ảnh minh họa
Mặc dù cho tổ chức đám cưới nhưng ông Thông luôn có định kiến về con rể út vì không có nghề nghiệp ổn định. Ảnh minh họa

Sau nhiều năm lao động vất vả ở nước ngoài, khi về nước, Hưng không nề hà công việc gì để kiếm tiền như giao hàng, sửa chữa điện máy, góp vốn mở quán nhậu, thậm chí bán hàng điện tử second qua mạng.

Số tiền anh tích lũy được ngoài mua nhà vẫn còn dư để gửi tiết kiệm trong ngân hàng. Thu nhập hàng tháng của anh không thấp, vợ anh biết rõ điều đó. Nhưng trong mắt ông Thông, con rể vẫn là "đồ lông bông, không nghề nghiệp".

Hai năm dịch bệnh liên tiếp, gia đình hai cô con gái lớn của ông Thông xáo trộn ít nhiều do các ông chồng mất hợp đồng hoặc phải án binh bất động để cắt lỗ. Vợ chồng gây gổ nhau, con gái không ít lần về mượn tiền cha mẹ để chi tiêu khiến ông ngao ngán.

Riêng con gái út dù công việc bị ảnh hưởng nhưng cuộc sống vẫn ổn nhờ vào sự chăm chỉ tháo vát của chồng. Trong lúc dịch giã, Hưng làm không hết việc vì tham gia vào đội quân shipper của một công ty giao hàng.

Thế nên, khi nhà ba mẹ vợ nằm trong khu vực phong tỏa, hai chàng rể kia chỉ có thể gọi điện hỏi han, còn Hưng chạy ngược chạy xuôi tiếp tế đồ dùng sinh hoạt, rau củ, thịt cá... Cũng nhờ vậy mà, cuộc sống của nhà ông Thông không bị ảnh hưởng nhiều.

Đến khi phong tỏa kết thúc ở khu vực đó thì có lệnh giãn cách toàn thành phố, việc mua thực phẩm trở nên khó khăn. Hưng vẫn chăm chỉ đưa thực phẩm tươi và thuốc men đến, nên cha mẹ vợ không thiếu thốn gì.

Thế nhưng khi vợ khen con rể út, ông Thông vẫn thờ ơ: “Không có nó thì mình gọi dịch vụ, nhờ tổ dân phố đi chợ giùm, làm gì tới nỗi chết đói đâu”. Vợ ông chỉ biết lắc đầu, bởi chồng bà đâu hiểu, trong tình hình dịch bệnh thế này, có tiền cũng chưa chắc đã mua được hàng như ý, bạn bè hàng xóm đặt hàng cũng không có shipper giao, phải đợi mòn mỏi.

Những ngày ở nhà, ông Thông chỉ biết làm bạn với cái tivi, hết coi thể thao lại đến phim truyện. Hôm đó, đang theo dõi một trận đấu quyền anh, thấy võ sĩ yêu thích của mình bị thua, ông tức khí ném cái điều khiển tivi. Cú ném mạnh khiến nó bị vỡ.

Vốn quen dùng điều khiển, giờ lọ mọ dò chương trình bằng nút bấm sẵn trên tivi ông Thông rất khó chịu. Ông gọi cho cửa hàng đặt mua mới nhưng họ từ chối vì đang đóng cửa.

Thấy chồng cáu gắt trước cái điều khiển ti vi bị tháo ra tung tóe, vợ gợi ý: “Ông gọi điện cho thằng Hưng thử xem, tôi thấy bên nhà nó có nhiều thứ như này lắm”.

Nếu như bình thường chắc ông sẽ nổi giận lôi đình bởi lâu nay, chưa bao giờ ông chủ động gọi điện cho Hưng để nhờ vả gì. Nhưng tình hình này, ông biết mình chẳng còn sự lựa chọn nào khác.

Sau lần hư điều hòa trong mùa dịch, ông Thông đã thay đổi suy nghĩ về con rể. Ảnh minh họa
Sau lần hư điều khiển tivi trong mùa dịch, ông Thông đã thay đổi suy nghĩ về con rể. Ảnh minh họa

Nhận được điện thoại của bố vợ, gần nửa tiếng sau, Hưng đã đem ngay một cái điều khiển cùng loại đến. Đứng ngoài cổng nhà, Hưng cẩn thận dặn: “Bố dùng tạm cái điều khiển này, đưa cái bị hư để con về sửa lại cho”.

Mấy ngày vừa rồi không xem được chương trình yêu thích lại không tự sửa được, ông Thông mới thấy hết giá trị của cái điều khiển tivi mà con rể út mang đến. Trước khi Hưng đi, ông Thông còn kịp lấy hộp khẩu trang nhập ngoại được bạn tặng từ đợt dịch trước đưa cho con rể rồi bảo: “Con cầm lấy mà dùng, mùa này ra đường phải hết sức cẩn thận nghe”.

Lần đầu tiên Hưng rời nhà bố mẹ vợ mà thấy vui trong lòng, cảm giác không còn sự xa cách bấy lâu. Đứng trước cửa nhà, ông Thông bần thần nhìn theo bóng dáng con rể vội vã chạy xe đi cho kịp chuyến giao hàng mới.

Nguyên An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI