Mệt vì chồng rộng tay với bạn

01/09/2021 - 12:06

PNO - Rõ ràng bạn bè anh không đến nỗi khó khăn tới nỗi phải tiếp tế thực phẩm, chẳng qua chồng tôi muốn thể hiện mình rộng lòng, hào phóng...

Tôi đang trồng hành ở ngoài ban công thì nghe tiếng chồng nói chuyện qua điện thoại. Có lẽ anh tưởng tôi nấu cơm ở dưới bếp nên đứng cạnh cửa để nói chuyện, giọng anh nhỏ nhẹ hơn mọi lần.

Không biết người gọi nói gì một hồi lâu mới nghe tiếng chồng trả lời: “Được rồi, chuyện nhỏ mà, chú gửi số tài khoản qua đây anh gửi cho mấy triệu. Cố gắng đầu tư vào, khi nào có thì trả cũng được”.

Anh cúp máy, hình như đang loay hoay nhắn tin chuyển khoản, chợt nhìn ra ban công thì thấy tôi đứng ngây người ở đó. Thấy vậy, anh vội vàng giải thích: “Đứa em họ bị mất việc mấy tháng nay, vợ nó lại mới sinh, hỏi mượn tiền nên anh không nỡ từ chối”.

Chồng tôi sẵn sàng cho bạn mượn tiền trong khi vợ tính toán nát óc mới đủ chi tiêu cho gia đình trong mùa dịch. Ảnh minh họa
Chồng tôi sẵn sàng cho bạn mượn tiền trong khi vợ tính toán nát óc mới đủ chi tiêu cho gia đình trong mùa dịch. Ảnh minh họa

Tôi thấy tức nghẹn ở cổ họng, mới tối qua, anh còn than thở việc công ty chậm tiền lương, chưa có đưa cho vợ. Tôi tính toán nát óc cả tháng nay mới đủ tiền sinh hoạt cho cả nhà. Vậy mà, vừa có lương lúc sáng, đến trưa, anh đã vội vàng cho người khác mượn. Tôi bảo: “Anh định cho mượn hết lương, tháng tới lấy gì mà ăn”. Chồng tỏ vẻ suy nghĩ: “Nói vậy, chứ anh chuyển vài trăm thôi”.

Tôi bực mình làm căng, anh mới thừa nhận đã hứa chuyển tiền cho anh bạn để “cua gái”. Anh này đã ly dị vợ, giờ thích một cô nào đó, cần tiền mua quà tặng sinh nhật nên hỏi mượn. Tôi lắc đầu ngao ngán, thà rằng giúp đỡ đúng người, đằng này lại tiếp tay cho thói khoa trương.  

Tính chồng tôi là vậy, hào phóng, nhiệt tình hết mức với bạn bè. Lúc bình thường, kinh tế ổn định thì không sao vì thu nhập của anh cũng khá. Gần hai năm dịch bệnh, lương đã giảm đi nhiều, cuộc sống vén khéo chỉ đủ sống nhưng chồng tôi vẫn không thay đổi.

Nhiều lần, tính hào phóng của chồng đẩy gia đình vào tình thế khó khăn. Mới đây, nghe tin thành phố giãn cách xã hội dài ngày, mua hàng khó khăn, bà ngoại gom góp thực phẩm gửi vào đủ dùng trong một thời gian. Tôi đi làm ở văn phòng theo ngày còn chồng làm việc trực tuyến tại nhà.

Đúng ngày giao hàng, tôi đi vắng, chồng ở nhà nhận rồi sắp xếp dự trữ vào tủ lạnh. Khi về, mọi thứ đã xong xuôi, chồng đã dọn dẹp đâu vào đấy, tôi chủ quan không kiểm tra lại. Vài ngày sau, bà ngoại gọi điện hỏi đã ăn món này món kia chưa, tôi ngạc nhiên vì không thấy trong tủ lạnh.

Thắc mắc với chồng mới biết, thùng thực phẩm nhà ngoại gửi, anh chia năm sẻ bảy, đem “ship” cho bạn bè hết hai phần ba, chỉ giữ lại một phần cho nhà mình. Tôi điếng người vì cứ nghĩ đã có thực phẩm tiếp tế nên không mua dự trữ gì thêm. Tôi trách móc thì anh bảo: “Dự trữ gì cho chật tủ, dùng hết thì mua tiếp, lo gì”. Tôi bực mình xẵng giọng: “Anh tự đi mà mua, lúc này có tiền chưa chắc đã mua được thứ mình cần đâu”.

Tôi không chỉ tiếc của, mà nhà bạn bè anh cũng không đến nỗi khó khăn mà cần phải tiếp tế thực phẩm, anh chỉ muốn thể hiện mình hào phóng. Sau vài lần xếp hàng ở siêu thị để mua đồ trong mùa dịch, chồng tôi mới ngao ngán thừa nhận: “Biết thế đừng đem cho, đi mua cực quá”.  

Đến giờ, chồng tôi vẫn chưa thấm thía, trong mùa dịch, mọi việc đều khó khăn hơn trước, nếu cứ hào phóng bất chấp như thế thì gia đình sẽ ra sao
Đến giờ, chồng tôi vẫn chưa thấm thía, trong mùa dịch, mọi việc đều khó khăn hơn trước, nếu cứ hào phóng quá như thế thì gia đình sẽ ra sao - Ảnh minh họa

Có lần, tôi đi công tác mua được cái lọ hoa gốm đẹp chưng ở phòng bếp. Bạn của chồng đến chơi, khen đẹp, thế là anh gói  ghém cho luôn với lý do: “Vợ tôi mua tới mấy cái, dùng có hết đâu” khiến tôi đắng miệng.

Về chuyện cho mượn tiền, chồng tôi cho mượn tiền thì nhanh, nhưng đòi rất lâu, rất khó. Tháng trước bị chậm lương, anh nhắn tin đòi nợ nhưng người thì không trả lời, người kêu ca đang khó khăn không thu xếp được. 

Vậy mà, chỉ sau một cuộc điện thoại mượn tiền "đầu tư tình yêu" của bạn, anh sẵn sàng cho mượn gần nửa tháng lương. Đến giờ, chồng tôi vẫn chưa thấm thía, trong mùa dịch, mọi việc đều khó khăn hơn trước, nếu cứ quá tay như thế, gia đình sẽ ra sao?

Lan Nhi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI