Cha mẹ vô tâm, đẩy con vào trầm cảm

09/10/2019 - 05:33

PNO - Đến khi con phát bệnh nặng, đập phá đồ đạc và có nhiều biểu biện trầm cảm bất thường khác, ba mẹ Huy mới tá hoả đưa con đi khám...

Giờ nghỉ giải lao giữa buổi sáng, tôi bất ngờ nhận cuộc điện thoại. Bên kia đầu dây, giọng đàn ông nói gấp gáp: “Cô ơi, cô có biết thằng Huy nhà tôi thường nói chuyện với bạn nào trong lớp không?”. Tôi chưa kịp xác định người gọi cho mình là ai thì người kia đã tiếp: “Cô giúp tôi với, Huy mới cạo trọc đầu và rạch tay chảy máu, cả tháng nay không mở miệng nói từ nào cả”.

Cha me vo tam, day con vao tram cam
Ba mẹ đừng xem thường những dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở con mình. Ảnh minh hoạ

Sau một hồi nói chuyện, tôi mới biết người nói chuyện với mình là bố của Huy – cậu học trò lớp tôi chủ nhiệm mới ra trường năm vừa rồi. Tôi không nhận ra cũng phải bởi cách đây không lâu, mỗi lần tôi gọi điện thông báo tình hình của Huy thì luôn nhận được thái độ lạnh lùng từ phụ huynh với những câu trả lời nhát gừng: “Tôi biết rồi”, “Tôi đang lu bu quá”, “Thôi kệ nó đi cô”…

Thậm chí, khi tôi tìm về tận nhà trao đổi, chưa bước ra khỏi cổng đã nghe tiếng đồ đạc loảng xoảng kèm theo tiếng la hét: “Mày làm cái gì mà để người ta đến tận nhà dạy bảo tao”, “Không học được thì nghỉ, ngồi đó mà mơ mộng”. Thật tình, tôi chỉ biết lắc đầu thở dài. Với tư cách chỉ là giáo viên chủ nhiệm, tôi không thể can thiệp sâu hơn vào cách dạy dỗ con của phụ huynh.

Huy là cậu học trò có tư chất và khá thông minh nhưng tính tình khép kín. Qua bài kiểm tra Văn đầu năm, tôi thấy Huy trải lòng về sự thất vọng và nhục nhã khi thi rớt ngôi trường điểm cậu mơ ước và phải học trường vùng ven.

Cảm giác vừa xa lạ vừa bất cần khiến Huy khó hoà nhập với các hoạt động của lớp. Hầu như các bạn làm gì, Huy đều thấy không xứng với tầm của mình. Lúc đầu, Huy còn mở miệng chê bai này nọ nhưng sau dần, Huy rụt vào vỏ ốc khi các bạn đang dần cô lập mình.

Học kỳ Một năm lớp 10, kết quả học của Huy vẫn đạt loại khá nhưng càng về sau sức học càng đuối. Huy gần như không giao tiếp với ai, đến lớp ngồi một mình rồi xách cặp về.

Nhiều thầy cô phản ánh Huy có biểu hiện “vô lễ với giáo viên” khi được hỏi mà không thèm trả lời. Huy thường xuyên vi phạm nội quy như đi học trễ, mặc không đúng đồng phục, nghỉ học không phép…mà mọi biện pháp trách phạt đều không có tác dụng.

Thực sự, tôi nhận thấy Huy có biểu hiện bất thường về tâm lý vì nghe học sinh trong lớp phản ánh Huy hay nói lảm nhảm một mình. Nhưng khi trao đổi với phụ huynh bằng nhiều cách, tôi không nhận được sự hợp tác của gia đình.

Ba mẹ Huy cho rằng tôi quá quan trọng hoá vấn đề, ở nhà Huy cũng có nói gì đâu mà bảo lên lớp nói nhiều. Nhà họ sẽ lo cho con chuyển trường để có môi trường học tập phù hợp với khả năng. Theo tìm hiểu riêng của tôi, ba mẹ Huy mải mê công việc, không mấy quan tâm đến con cái.

Đọc đi đọc lại những dòng trạng thái trên trang Facebook của Huy, tôi hiểu, việc rớt trường cấp ba điểm của thành phố đã trở thành gánh nặng tâm lý với em. Ba mẹ không quan tâm chia sẻ còn mắng mỏ hàng ngày khiến em uất ức. Đến trường không hoà nhập được, về nhà ba mẹ luôn xem Huy ở thế đối đầu nên cậu rơi vào khủng hoảng tâm lý.

Đến khi Huy đánh một học sinh cùng lớp không có lý do thì tôi báo với gia đình, đề nghị đưa em đi khám tâm lý nhưng ba mẹ Huy nhất quyết từ chối còn mắng vốn tôi “áp đặt” chứ con họ có bệnh tật gì đâu.

Cha me vo tam, day con vao tram cam
Sự quan tâm chia sẻ kịp thời của ba mẹ sẽ giúp con vượt qua khủng hoảng tâm lý. Ảnh minh hoạ

Với sức học cầm chừng, Huy vẫn đủ điểm tốt nghiệp dù kết quả không cao. Học sinh ra trường, tôi cũng bận rộn với công việc mà quên mất chuyện của Huy cho đến khi nhận được cuộc điện thoại của phụ huynh sáng nay.

Hoá ra, Huy phát bệnh nặng, đập phá đồ đạc trong nhà và có nhiều biểu biện bất thường khác, ba mẹ mới tá hoả đưa con đi khám. Bác sĩ kết luận Huy bị trầm cảm nặng và có dấu hiệu của bệnh tâm thần hoang tưởng do u uất kéo dài.

Bệnh đã khởi phát từ một hai năm về trước nhưng không được điều trị kịp thời nên ngày càng trầm trọng. Nếu được giải toả tâm lý sớm, có lẽ, tình hình bây giờ của Huy không đến nỗi tệ hại. Giá như, ba mẹ Huy quan tâm con cái hơn một chút và nghe lời cảnh báo chắc không phải loay hoay khổ sở lần tìm lại từng mối quan hệ của con để nhờ vả trong vô vọng như hiện tại.

                                                                                                           Giáng Hương

Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8% - 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI